Tiên phong đi trước

Trước đại dịch Covid-19 bùng phát, CNVH đóng góp khoảng 1,49 tỷ USD vào tổng sản phẩm trên địa bàn, chiếm tỷ trọng 3,7% GRDP của Hà Nội, cao hơn mức CNVH đóng góp vào GDP (3,61%). Đó là cơ sở để Nghị quyết 09 đặt mục tiêu cao hơn trung bình cả nước, đưa CNVH trở thành ngành kinh tế mũi nhọn: Năm 2030, đóng góp khoảng 8% GRDP; năm 2045 đóng góp 10% GRDP, đưa CNVH trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Là Thủ đô có lịch sử hơn nghìn năm văn hiến, hệ thống di tích lớn nhất cả nước, làng nghề chiếm 1/3 nước ta, trung tâm văn hóa giáo dục, nguồn nhân lực trẻ... với tất cả lợi thế kể trên, tại Hội thảo văn hóa 2022 diễn ra vào cuối tháng 12, ông Nguyễn Văn Phong, Phó bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết: “Hà Nội sẵn sàng là địa phương thí điểm các chính sách về văn hóa nói chung và CNVH nói riêng, trên cơ sở đó là tiền đề rút kinh nghiệm nhân rộng ra cả nước”.

leftcenterrightdel
 Cổ phục ngày càng xuất hiện nhiều hơn tại các không gian văn hóa truyền thống Hà Nội.Ảnh: THANH TÙNG

Thời gian một năm là quá ngắn để triển khai những chương trình, dự án lớn; đây vẫn là giai đoạn Hà Nội nghiên cứu hoàn thiện chiến lược phát triển CNVH. UBND TP Hà Nội cũng đã chủ động triển khai, cụ thể hóa 6 quan điểm, 8 nhóm nhiệm vụ giải pháp mà Nghị quyết 09 đã đề ra.

Nổi bật là triển khai một loạt cuộc thi, dự án thiết kế không gian sáng tạo, chuyển đổi các cơ sở công nghiệp thời kinh tế kế hoạch hóa trở thành không gian văn hóa-sáng tạo-du lịch, quận Hoàn Kiếm lên kế hoạch trở thành “quận công nghiệp văn hóa”; không gian bích họa phố Phùng Hưng được tu sửa, Hội quán Quảng Đông (số 22 Hàng Buồm) và phố đi bộ kết hợp ẩm thực Đảo Ngọc-Ngũ Xã đã đi vào hoạt động...

Theo nhà nghiên cứu Vũ Hiệp: “Hà Nội cần tập trung thực hiện thí điểm vào một, hai công trình, dự án lớn tạo đột phá. Có thể xây dựng “điểm” một không gian văn hóa trên cơ sở cải tạo nhà máy cũ ở quận trung tâm. Trong quá trình thực hiện, sẽ va chạm với hàng loạt vấn đề: Thiết kế, thủ tục, cơ chế điều hành, thu hút vốn, phân bổ lợi nhuận... Quá trình thực hiện, Hà Nội sẽ thu về nhiều kinh nghiệm xử lý, giúp thực hiện các chương trình, dự án về sau nhịp nhàng, nhanh chóng”.

Đồng bộ giải pháp, tăng tốc phát triển CNVH

Từ kết quả nghiên cứu của nhiều chuyên gia, nhà khoa học và thực tiễn triển khai CNVH ở nước ta, có thể thấy phát triển CNVH không phải chỉ là câu chuyện của riêng ngành văn hóa hay của một địa phương muốn là được; mà cần chung tay của tất cả bên liên quan. Theo PGS, TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam: “Tiềm năng dù lớn đến bao nhiêu nhưng thiếu cơ chế, chính sách về thuế, đầu tư, chưa chú trọng giáo dục sáng tạo trong nhà trường, chưa thu hút nguồn lực xã hội hóa... thì rất khó tạo ra sức bật cho CNVH”.

Đồng quan điểm kể trên, với thực tế nhiều năm triển khai các hoạt động tư vấn, thiết kế tại Hà Nội, TS, KTS Nguyễn Việt Huy, Giám đốc CTCP ADA và cộng sự, kiến nghị: “Trong khuôn khổ cơ chế hiện nay, Hà Nội cần cố gắng phát huy tối đa vai trò kiến tạo đẩy nhanh phát triển CNVH. Hà Nội có thể lập một ban chỉ đạo và ban quản lý dự án đầu tư CNVH. Mô hình, cách làm không có gì mới, ngành giao thông, xây dựng, khoa học công nghệ... đã có nhưng văn hóa lại chưa”.

Một vấn đề khác mà các doanh nghiệp kiến nghị đó là Hà Nội cần đẩy mạnh đào tạo, nâng cao năng lực nhận thức, năng lực tham mưu, quản lý về CNVH cho đội ngũ cán bộ cấp cơ sở; đồng thời đẩy mạnh truyền thông về CNVH cho người dân. Ông Nguyễn Đức Lộc, Giám đốc Công ty Cổ phần Ỷ Vân Hiên-công ty phát triển cổ phục dân tộc, cho rằng: “Nếu Hà Nội phát động phong trào và có chính sách khuyến khích việc mặc cổ phục như một số địa phương đã triển khai thì chắc chắn người dân và du khách sẽ tìm hiểu, yêu thích, không ngại ngần khi mặc cổ phục”.

Năm 2045 là cột mốc nước ta trở thành nước phát triển, có thu nhập cao như Đại hội XIII của Đảng đã đề ra. Nhiều nhà nghiên cứu đã dự báo, CNVH trở thành một trụ cột của nền kinh tế, đóng góp từ 7 đến 9% vào GDP chính là một đặc trưng nhận diện nền văn hóa của một nước phát triển. Chính vì vậy, việc Hà Nội sớm đẩy mạnh phát triển CNVH không phải là nhiệm vụ của riêng Thủ đô mà còn là vì sự phát triển chung của các nước. Song Hà Nội cũng cần bộ, ban, ngành Trung ương quan tâm, tạo điều kiện tối đa để thực hiện nhiệm vụ này.

TRẦN HOÀNG HOÀNG