Nhạc sĩ Bốp Đai-lân. Ảnh: printerest.com
Thông báo này của giải đã gây ra hai luồng ý kiến: Một mặt, những tiếng thở dài thườn thượt, thất vọng ra mặt từ những người hâm mộ trung thành của những cây viết xuất sắc như: Phi-líp Rốt (Philip Roth), Đôn Đê-li-lô (Don Delillo), Gioi-xơ Ca-rôn Oát-ti (Joyce Carol Oates), đấy là tên của những nhà văn Mỹ được người ta cá cược nhiều nhất cho giải; một mặt khác, là những tiếng hò reo vui mừng của những người khi thấy một nhà thơ mới của thời kỳ hiện đại cuối cùng cũng được công nhận bởi ngòi bút mang đậm chất riêng của ông.
Bốp Đai-lân tên thật là Rô-bớt Dim-mơ-man (Robert Zimmerman), sinh năm 1941. Từ năm 1959, trong những buổi trình diễn nhạc folk, Bốp lấy nghệ danh Đai-lân - tên nhà thơ và nhà văn Đai-lân Thô-mát (Dylan Thomas) (1914-1953) của xứ Welsch mà Bốp hâm mộ và chịu ảnh hưởng. Vì thế, có thể xem một phần ca từ hay lời thơ của Bốp thuộc vào dòng tiến triển bút pháp của Đai-lân Thô-mát. Đặc biệt, ngay khởi đầu sự nghiệp, Bốp Đai-lân đã có những ca từ nổi bật với lối viết ca khúc “gồ ghề” đã khiến cho Bốp trở thành nguồn say mê của các nghệ sĩ và nhà phê bình.
Giải thưởng dành tặng Bốp Đai-lân khiến một số nhà văn, nhà thơ tỏ ra không hài lòng. Dù vậy, những lời tán dương mà Bốp nhận được lại nhiều hơn gấp bội. Trên twitter, Tổng thống Mỹ B.ô-ba-ma (Barack Obama) viết: “Chúc mừng một trong những nhà thơ yêu thích của tôi-Bốp Đai-lân - với một giải Nô-ben cực kỳ xứng đáng”. Cựu Tổng thống Bin Clin-tơn (Bill Clinton) nói Bốp Đai-lân có “những ca từ đầy quyền lực, thông thái, chạm đến trái tim và tâm hồn”.
Nhưng cùng đó, câu hỏi “Vì sao Giải Nô-ben Văn học năm nay lại trao tặng một nhạc sĩ?” được không ít người đặt ra.
Thư ký thường trực Viện Hàn lâm - bà Xa-ra Đa-ni-ớt (Sara Danius) - cho rằng, điều khiến Bốp Đai-lân được trao Giải Nô-ben Văn học là chất thi ca trong tác phẩm của ông. Nhạc sĩ được so sánh với Hôm-mơ (Homer) và Xáp-pho (Sappho)-đều là những đại thi hào thời Hy Lạp cổ đại. Họ sáng tác các văn bản giàu tính thi ca để biểu diễn cùng nhạc cụ. Trong cuộc phỏng vấn nhanh sau họp báo với The Guardian, bà Xa-ra gọi Bốp Đai-lân là “một nhà thơ vĩ đại trong truyền thống văn chương tiếng Anh”.
Tác phẩm âm nhạc của Bốp Đai-lân biểu đạt sáng tạo nghệ thuật bậc thầy. ở đó, chất văn xuôi, thơ ca, nhạc dường như tổng hòa, tạo nên một hình thái biểu đạt vừa thú vị vừa thách thức độc giả. Tiểu thuyết gia Xan-man Rút-đi (Salman Rushdie) nhận định: âm nhạc và thơ ca có sự gắn kết rất chặt chẽ. Bốp Đai-lân là người kế thừa xuất sắc truyền thống du ca, hát thơ cổ”.
Ca từ của Bốp Đai-lân có đời sống độc lập với âm nhạc. Đúng như nhận xét của nhà văn G.C.Oát-ti: “âm nhạc và ca từ ám ảnh của ông luôn được coi như văn chương trong ý nghĩa sâu xa nhất”. Sáng tác của ông in đậm chất thơ từ cách gieo vần, láy câu, láy từ và độc đáo ở tư tưởng, ý nghĩa truyền tải qua câu chữ.
Bốp Đai-lân vốn là một người rất thích đọc sách. Các nhà phê bình, nhà nghiên cứu hoặc các nhà “Đai-lân học” (Dylanologist) từng có nhiều bài viết phân tích sự ảnh hưởng của tác phẩm kinh điển, văn chương đến âm nhạc Bốp Đai-lân. Hơn 55 năm qua, tầm vóc của Bốp Đai-lân vượt ra khỏi những gì mọi người (vì yêu quý) gắn cho ông. Giờ ở tuổi 75, Bốp Đai-lân vẫn miệt mài trong Cuộc du ca vô tận (Never ending tour), vẫn không ngừng sáng tác, vẫn hát những ca từ đặc quánh chất thơ. Bốp Đai-lân từng nói: “Tôi sống như một nhà thơ và chết như một nhà thơ”.
SONG ANH