Ở Việt Nam cũng vậy, lực lượng nhà viết kịch nam luôn chiếm tỷ lệ áp đảo so với các tác giả nữ. Thế nhưng, trên con đường chông gai ấy, vẫn có những nhà viết kịch nữ bền bỉ với những trang kịch bản sân khấu.

“Dường như việc viết kịch bản sân khấu đã được mặc định trong tâm thế mình từ lâu, con đường sáng tác không chông gai cũng chẳng lắm hoa hồng. Nó cứ như huyết quản chảy tràn trong thân thể, cứ thế mà luân chuyển, lưu thông để nuôi dưỡng tâm hồn và nhân cách cho mình. Mình cứ sống hăng hái với đam mê của mình và cứ viết, viết khi trái tim mình thôi thúc”, tác giả Phan Thị Hoàng Anh bộc lộ lý do khiến chị gắn bó với nghiệp viết kịch bản.

leftcenterrightdel
 Cảnh trong vở kịch “Thành phố tình yêu” của tác giả Vương Huyền Cơ, được Nhà hát Kịch TP Hồ Chí Minh dàn dựng đoạt Huy chương Vàng tại Liên hoan kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc 2022. Ảnh: THANH HIỆP

Nhiều tác giả nhận định, viết kịch bản sân khấu không phải là công việc có thể dạy là thành nghề. Nói cách khác, không ai có thể dạy một người trở thành tác giả sân khấu, trừ khi chính người đó tự học để thành người viết kịch bản sân khấu.

Ngành biên kịch sân khấu Trường Đại học Sân khấu-Điện ảnh Hà Nội và Trường Đại học Sân khấu-Điện ảnh TP Hồ Chí Minh vẫn có sinh viên nữ, song bởi nhiều nguyên nhân, người gắn bó lâu dài với nghề viết kịch rất ít; cũng có những người tình cờ đến với nghề, nhưng lại gắn bó lâu dài.

Nữ tác giả Vương Huyền Cơ sau khi nghe tin về cuộc thi kịch bản sân khấu trên đài truyền hình đã gửi một chùm tác phẩm tham dự và đoạt giải. Chị nghĩ đây là cái duyên và quyết gắn bó. Chị miệt mài sáng tác và trở thành cây bút nữ ăn khách nhất hiện nay.

Tác giả Phan Thị Hoàng Anh đến với việc viết kịch bản sân khấu bắt nguồn từ những yêu thích và đam mê từ thuở nhỏ với truyện tranh, phim thần thoại Việt Nam và Ấn Độ. Lớn lên một chút, chị say mê xem kịch nói, cải lương, điện ảnh... cộng với ham mê văn chương, nhất là văn học nước ngoài. Khởi đầu, chị tham gia sáng tác trong phong trào văn hóa quần chúng của nhà trường, của cơ quan và đoạt nhiều giải thưởng qua các cuộc thi. Cứ thế, chị tích lũy kinh nghiệm và giờ đây vững tin bước trên con đường sáng tác chuyên nghiệp.

Vậy đâu là ưu điểm của phụ nữ khi cầm bút viết kịch?

Theo Phan Thị Hoàng Anh, đối với người sáng tác kịch bản sân khấu thì không phân biệt nam hay nữ sẽ có khó khăn hay trở ngại. Tuy nhiên, vẫn còn những trăn trở, như lời của nữ tác giả, đến nay vẫn hiếm có được một kịch bản sân khấu của tác giả nữ gây hiệu ứng dư luận trong giới làm nghề và xã hội. Sở trường của Phan Thị Hoàng Anh là sáng tác các vở kịch thuộc dạng chính luận và bi kịch, cũng có thể đa dạng hóa các thể loại khác khi có đơn đặt hàng và đa phần tác phẩm của chị đều đạt được yêu cầu của các đối tác.

“Có một số vở diễn được công nhận và khen ngợi nhưng tôi vẫn tự thấy chỉ mới đáp ứng một phần nào yêu cầu cuộc sống thôi, còn phải bám sát, lăn lóc với đời sống hiện thực nhiều hơn nữa thì mới mong đón nhận được sự "tâm phục khẩu phục” của dư luận xã hội”, nữ tác giả bày tỏ.

Có thể không quyết liệt như nam giới, nhưng những kịch bản của phụ nữ vẫn có nét hấp dẫn riêng mà phái mạnh không có được. Sân khấu cũng đã ghi nhận sự đóng góp không nhỏ của các tác giả như Thanh Hương, Vương Huyền Cơ, Mỹ Dung, Hoàng Anh, Lê Thu Hạnh cùng một số gương mặt trẻ đang hăng hái bước vào nghề cầm bút gian nan.

HUYỀN HUYỀN

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.