Lê Khanh bảo, chị quá xúc động và cả bàng hoàng khi được xướng tên lên bục nhận Giải Bông sen vàng-hạng mục giải thưởng mà bất cứ nữ nghệ sĩ nào cũng khát khao chinh phục. Với chị, tất cả diễn viên trong danh mục đề cử đều xuất sắc, ai cũng đã rất nỗ lực, vượt qua những khó khăn và cống hiến với nghề. “Các bạn trẻ hiện nay rất tuyệt vời, vừa đẹp về hình thức, vừa chuyên nghiệp trong công việc. Họ luôn chủ động học hỏi, thay đổi mỗi ngày để đáp ứng những yêu cầu khắt khe của đạo diễn. Làm việc với họ, tôi thấy mình trẻ ra, được truyền năng lượng tích cực”, NSND Lê Khanh bày tỏ.

Nghệ sĩ Nhân dân Lê Khanh trong phim “Gái già lắm chiêu V”.Ảnh do đoàn làm phim cung cấp. 

Trở lại màn ảnh rộng, NSND Lê Khanh được hòa vào dòng chảy điện ảnh của thế hệ mới, trẻ trung và táo bạo hơn. Nhưng chị luôn cảm thấy hạnh phúc, bởi không bị gạt ra ngoài guồng quay của nghệ thuật đương đại dù là diễn viên của thế hệ đi trước. Lê Khanh cũng bảo rằng, đó là thành công của cả ê kíp “Gái già lắm chiêu V”, đặc biệt là bộ đôi đạo diễn Bảo Nhân-Nam Cito. Nếu họ không táo bạo chọn câu chuyện và nhân vật chính là người phụ nữ tuổi trung niên Lý Lệ Hà thì sẽ không có Nữ diễn viên chính xuất sắc Lê Khanh. Bộ đôi đạo diễn thì khẳng định, đó là thành quả mà NSND Lê Khanh xứng đáng được nhận bởi sự cống hiến của chị trong sự nghiệp và “gái già” này vẫn có rất nhiều chiêu mà các thế hệ trẻ cần phải coi là hình mẫu, tấm gương trong nghệ thuật biểu diễn.

Lê Khanh là con gái của NSND Trần Tiến và Nghệ sĩ Ưu tú Lê Mai. Tham gia nghệ thuật từ thập niên 1970, 9 tuổi, Lê Khanh có vai diễn điện ảnh đầu tay trong “Hai người mẹ”. 6 năm sau, chị có vai nữ chính đầu tiên phim “Từ một cánh rừng” của đạo diễn, Nghệ sĩ Ưu tú Đức Hoàn, đồng thời thi đỗ vào Nhà hát Tuổi trẻ. Tiếp đó, suốt 10 năm, chị dành trọn tình yêu cho sân khấu kịch với những vai diễn: Juliet của “Romeo và Juliet”, Tấm trong “Tấm Cám”, cô giáo Thúy của “Mùa hạ cuối cùng”... Chị là trường hợp hiếm hoi được phong danh hiệu NSND khi mới 38 tuổi.

Năm 1993, Lê Khanh giành giải Nữ diễn viên xuất sắc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 10 với các vai diễn trong: “Chiếc mặt nạ da người”; “Bản tình ca cuối cùng” và “Chuyện tình bên dòng sông”. Sau đó, chị lại có 20 năm chuyên tâm cho các vai diễn sân khấu trong: “Bến bờ xa lắc”, “Rừng trúc”, “Vũ Như Tô”, “Chim sơn ca”... Lúc này, sau khi nghỉ hưu, chị mới lại có thời gian dành cho truyền hình và điện ảnh. Ở tuổi ngũ tuần, các vai diễn như góp phần khẳng định phong cách làm nghệ thuật của Lê Khanh-không ngại ngần thử thách nếu có vai diễn mới mẻ, hấp dẫn, quyến rũ, táo bạo hoặc khác biệt.

CHÂU XUYÊN