Nhiều ngày sau bão, mưa vẫn chưa dứt, nước sông Leng vẫn ngấp nghé như muốn ập vào trường Tiểu học Trà Leng (xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) một lần nữa. Vừa qua, bão số 9 kèm theo những trận mưa lớn dồn dập đã khiến nước sông Leng bắt ngờ dâng cao, tràn vào các lớp học gần một mét nước. Nhiều hồ sơ, sổ sách, dụng cụ dạy học bị ướt, hư hỏng do không kịp đưa đến vị trí cao hơn. Sau mấy ngày ròng “án ngữ”, nước rút dần, để lại một lớp bùn non dày, vàng đục. Cây cối quanh sân trường ngã đổ ngổn ngang. Để nhanh chóng khắc phục hậu quả do bão gây ra, các thầy cô giáo, phụ huynh học sinh cùng nhau đội mưa, ống quần xắn cao miệt mài dọn dẹp, vệ sinh trường lớp. Tuy nhiên, do lượng bùn đất tràn vào lớp học quá lớn, đến nay, các em học sinh vẫn chưa thể đến lớp. Nhà trường đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ dọn dẹp, khắc phục, để sang đầu tuần tới (ngày 9-11), học sinh có thể bắt đầu đi học trở lại.

Giáo viên và phụ huynh học sinh Trường mầm non Anh Đào (huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam) dọn vệ sinh trường học sau bão số 9.

Ông Đặng Văn Thuận, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Nam Trà My cho biết: “Bão số 9 khiến 5 điểm trường thôn bị tốc mái, 1 điểm trường bị nước ngập, sụt mảng tường phòng học; nhiều tài sản, cơ sở vật chất, trang thiết bị hư hại. Đáng tiếc, trên địa bàn huyện có 9 học sinh gặp nạn do sạt lở đất (7 em chết, 2 em mất tích). Hiện nay, các trường học đều đã tổ chức giảng dạy trở lại, chỉ còn trường Tiểu học Trà Leng chưa khắc phục xong. Do đó, chúng tôi đã bàn với nhà trường tính toán, xây dựng kế hoạch dạy bù để tránh tình trạng học sinh thiếu hụt kiến thức”. Bên cạnh đó, khi thiên tai, bão lũ vẫn còn diễn biến phức tạp, Phòng Giáo dục Đào tạo huyện Nam Trà My đã có văn bản chỉ đạo các trường học lên phương án bảo đảm an toàn cho học sinh, giáo viên, cán bộ, nhân viên; nhất là ở những nơi có nguy cơ sạt lở; đồng thời trang bị cho học sinh các kiến thức cơ bản để phòng tránh khi có mưa bão xảy ra.

Tại tỉnh Quảng Ngãi, nơi cơn bão số 9 đổ bộ trực tiếp, có hơn 450 trường học, cơ sở giáo dục bị tốc mái, hư hỏng. Theo thống kê sơ bộ của Sở GD&ĐT tỉnh, toàn ngành thiệt hại hơn 192 tỷ đồng do bão số 9. Ngành giáo dục, chính quyền địa phương và lực lượng vũ trang đã tích cực triển khai lực lượng để nhanh chóng dọn dẹp, vệ sinh, lợp lại các dãy phòng bị tốc mái do gió giật mạnh. Đến nay đã cơ bản thực hiện tốt công tác khắc phục hậu quả mưa bão; học sinh toàn tỉnh đã bắt đầu đi học trở lại từ ngày 2-11. Tuy nhiên, một số khu vực, trường học, khu bán trú bị hư hại nặng nề, việc sửa chữa, dọn vệ sinh đang được tiến hành khẩn trương.          

Giáo viên và phụ huynh học sinh Trường mầm non Anh Đào (huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam) dọn vệ sinh trường học sau bão số 9.

Khi công tác khắc phục hậu quả bão số 9 dần hoàn tất, thầy trò Quảng Ngãi lại có thêm những mối lo mới. Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, nhiều khu vực trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi có mưa to đến rất to, có nơi lên trên 600mm, khiến mực nước tại các sông dâng cao. Trong đó, ngày 6-11, nước trên sông Trà Câu đã vượt mức báo động 3, khiến gần 800 hộ dân tại Thị xã Đức Phổ bị ngập lụt, chia cắt. Do đó, việc dạy và học tại đây cũng bị ảnh hưởng. Trong tình cảnh tương tự, nhiều trường học tại các xã Hành Thiện, Hành Tín Đông, Hành Tín Tây (huyện Nghĩa Hành) cũng cho học sinh nghỉ học do nước sông Vệ dâng cao gây ngập cục bộ. Trong khi đó, những ngày qua, tại xã Ba Giang, huyện Ba Tơ ghi nhận tình trạng xuất hiện vết nứt gãy, kéo dài đến khu vực điểm trường mầm non Ba Giang, tiềm ẩn nguy cơ sạt lở núi tại hai thôn Nước Lô và Gò Khôn. Vết nứt này đang tiếp tục lan rộng, phát sinh nhiều điểm sạt mới, đe dọa sự an toàn của 75 hộ dân với hơn 300 nhân khẩu. Để đảm bảo công tác di dời dân đến nơi an toàn, tất cả học sinh các trường học trên địa bàn xã Ba Giang đều phải nghỉ học.

Khó khăn chồng chất khó khăn, nhưng với quyết tâm đưa việc dạy và học trở lại bình thường, ngành giáo dục các địa phương đã và đang tiếp tục nỗ lực đề ra các giải pháp để giúp học sinh có thể sớm quay lại trường học, bắt kịp tiến độ, kế hoạch học tập chung. Các trường học, đội ngũ giáo viên cũng họp bàn phương án tinh giản chương trình, cắt bớt những nội dung trùng lặp… phù hợp với đặc điểm, tình hình cụ thể của từng trường. Trường hợp học sinh nghỉ học kéo dài, các trường có thể tính đến việc dạy học trực tuyến, học qua video, truyền hình… Khi bão lũ qua đi, các trường học linh động dọn dẹp, vệ sinh theo kiểu “cuốn chiếu”, dạy bù vào thứ 7 hoặc tăng tiết cho phù hợp, không gây quá tải và áp lực tâm lý cho học sinh và giáo viên. Bên cạnh đó, sự hỗ trợ từ Bộ GD&ĐT, Công đoàn Giáo dục Việt Nam và sự chung tay, sẻ chia của các mạnh thường quân, câu lạc bộ thiện nguyện trên cả nước đã góp phần giúp học sinh vùng bão lũ miền Trung có sách giáo khoa, tập vở, dụng cụ học tập để tiếp tục đến lớp.

Dù còn lắm chông gai, nhưng con đường đến trường của các em học sinh vùng bão lũ sẽ bớt khó khăn hơn, bởi luôn có sự nỗ lực hết mình của ngành giáo dục, đội ngũ giáo viên, sự hỗ trợ, tạo điều kiện của chính quyền địa phương, các lực lượng vũ trang và sự đồng hành của phụ huynh học sinh và toàn xã hội với cả tấm lòng hướng về miền Trung.

Bài và ảnh: THANH THÚY