Mở đầu cuộc thi, TS Lê Thị Thu Hương, Trưởng khoa Văn hóa-Du lịch thông tin, để nâng cao chất lượng đào tạo và tạo ra những sân chơi bổ ích giúp sinh viên có cơ hội khẳng định mình, để các em yêu trường, yêu khoa hơn, có thêm nhiều kỷ niệm đẹp thời sinh viên, hằng năm, Khoa Văn hóa-Du lịch đã tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa. Cuộc thi King and queen-Đại sứ văn hóa-du lịch là một trong số đó. Đây không chỉ là hoạt động văn hóa mang màu sắc mới của sinh viên Khoa Văn hóa-Du lịch mà còn là cơ hội cho các tài năng tỏa sáng.

 Một tiết mục giúp khuấy động không khí cuộc thi.

Được lựa chọn sơ loại từ video giới thiệu về đội thi và thể hiện kỹ năng nghiệp vụ theo ngành học, 10 cặp đôi trong Khoa đã bước vào vòng chung kết cuộc thi. Trên sân chơi mang nhiều tiếng cười sảng khoái và tinh thần đồng đội, họ đã thể hiện tài năng trình diễn trang phục, ứng xử và hát, nhảy, ngâm thơ, kịch, múa... Biểu diễn trang phục có lẽ là phần thi bắt mắt nhất. Ở đó, các sinh viên đã lựa chọn những bộ trang phục phù hợp với môi trường học đường, mang theo những nét đẹp truyền thống và văn hóa của Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung. Những bộ quần áo liền anh liền chị, trang phục người Dao, áo dài truyền thống, áo bà ba... khiến hội trường trở nên đầy màu sắc. Sinh viên Phùng Ngọc Hà cho biết: “Chúng em chọn áo nhật bình và áo ngũ thân tay chẽn nhằm chuyển tải thông điệp trang phục truyền thống Việt Nam không chỉ có áo dài. Khi lựa chọn trang phục chúng em có cơ hội tìm hiểu kỹ hơn về lịch sử, những câu chuyện gắn với bộ trang phục của mình”.

Phùng Ngọc Hà cùng bạn là Trần Đức Chiến chính là cặp đôi đã giành giải Đặc biệt của cuộc thi. Họ gây ấn tượng không chỉ ở phần trình diễn trang phục mà còn giành được thiện cảm của ban giám khảo và bạn bè, thầy cô trong Khoa, trường nhờ phần thi ứng xử tốt. Với câu hỏi từ giám khảo đưa ra: “Các em thấy rằng để trở thành một người hướng dẫn viên du lịch giỏi cần những gì?", họ đã trả lời đầy tự tin rằng: “Để trở thành một người hướng dẫn viên giỏi, sinh viên phải có kiến thức nền tảng về chuyên ngành. Muốn vậy, ngoài ý thức học tập trên trường, sinh viên cần học tập thêm từ bên ngoài bằng cách tự tìm kiếm cơ hội. Nhưng sinh viên cũng cần sự hỗ trợ từ phía thầy cô bằng những chuyến đi thực tế. Chúng em cho rằng, người làm du lịch trong tương lai cần hiểu rõ mình là ai, cần có những gì, ngành du lịch quan trọng với sự phát triển của quốc gia đến đâu và hướng dẫn viên đóng vai trò gì trong ngành du lịch ấy”. 

Rất vui vì giải thưởng cuộc thi, Trần Đức Chiến cho biết: “Em đã được trải nghiệm, thử sức mình và làm quen thêm nhiều bạn mới. Em mong có cơ hội nhiều hơn giới thiệu vẻ đẹp của đất nước và con người Việt Nam nói chung, hình ảnh Khoa Văn hóa-Du lịch, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội đến gần hơn với bạn bè quốc tế”.

Bài và ảnh: NGỌC ÁNH