Khi xuân đến, trời Tây Bắc bỗng trở nên dịu dàng hơn. Những cơn gió lạnh của mùa Đông dần nhường chỗ cho hơi thở ấm áp của mùa Xuân. Sắc hoa ban, hoa đào bắt đầu rực rỡ, như tô điểm thêm nét đẹp thuần khiết cho các bản làng nhỏ bé nằm nép mình giữa núi rừng. Lòng người lại dạt dào những cảm xúc về đất trời, về hành trình khám phá và chinh phục những miền đất mới. Về nơi địa đầu cực Tây của Tổ quốc - A Pa Chải, vùng biên viễn của tỉnh Điện Biên, nơi ba nước Việt Nam - Lào - Trung Quốc giao nhau, nơi được mệnh danh là “một con gà gáy, ba nước đều nghe” là một trải nghiệm đầy thú vị.
 |
Cột mốc A Pa Chải (còn được gọi là mốc số 0) - Mốc giao điểm biên giới ba nước Việt Nam - Lào - Trung Quốc. Ảnh: HOÀNG TRƯỜNG. |
Qua những khúc cua ngoằn ngoèo, cảnh sắc Tây Bắc hiện ra như một bức tranh thủy mặc, với những đồi núi trập trùng và mây vờn lưng trời. Vào mùa Xuân, Tây Bắc khoác lên mình tấm áo đầy màu sắc của hoa ban, hoa đào, hoa mận. Đặc biệt, những vạt cải vàng trải dài trên các thung lũng như níu chân du khách.
A Pa Chải - ai đã một lần đặt chân lên đây sẽ được gieo vào lòng một niềm thích thú khó tả. Ban đầu, khi mới bước vào hành trình dễ khiến chúng ta nản chí bởi những khúc cua ngoặt gấp, những dốc đá nhô cao, cũng như những vực thẳm sâu hun hút. Thế nhưng, càng lên cao, tầm mắt càng được mở rộng, bao quát cả một vùng biên giới nâu xám và màu mây trắng. Cảm giác thật ấn tượng khó phai khi đi trên con đường dẫn lên mốc số 0.
Mỗi bước chân lên cao ta thấy bầu trời như mở ra rộng lớn hơn. Những cột mốc sắt son sừng sững giữa đại ngàn, đánh dấu biên cương đất nước, là lời nhắc nhở thầm lặng nhưng sâu sắc về chủ quyền thiêng liêng. Khi chạm tay vào cột mốc, ta cảm nhận được một sự giao thoa kỳ lạ giữa sự nhỏ bé của con người và sự vĩ đại của Tổ quốc.
Sau hàng giờ đồng hồ cứ ngược dốc mà lên, điểm cực Tây A Pa Chải hiện ra ở độ cao 1.864m so với mực nước biển trên đỉnh núi Khoan La San (xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên). Một tòa thiên nhiên hùng vĩ hiện ra trước mắt.
Trên đỉnh núi Khoan La San, bầu trời gần lắm, tưởng như giơ tay là với được. Những mảnh mây trắng tựa như bông quấn quýt dưới chân người tạo nên ảo ảnh vân du. Ở đây, con người đứng một chỗ mà thấy được rừng núi của tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), tỉnh Phongsaly (Lào), và cả Mường Nhé (Điện Biên), Mường Tè (Lai Châu).
Đứng trên đỉnh núi Khoan La San, gót chân đặt nhẹ bên cột mốc biên giới, tâm hồn đan xen những dòng cảm xúc tự hào, giữa tình yêu quê hương và lòng tôn kính biên cương. Từng cơn gió lồng lộng thổi qua như cuốn đi mọi mệt nhọc, để lại trong lòng những chộn rộn xúc động khó tả.
 |
Sắc xuân đang ngập tràn khắp các bản làng của huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên. Ảnh: HOÀNG TRƯỜNG |
Phóng tầm mắt xuống phía dưới thung lũng, những bản làng dần hiện ra, nép mình dưới bóng rừng. Đó là những nóc nhà trình tường của người Hà Nhì, với tường đất dày ấm áp. Vào bản, lữ khách như được chào đón bởi hương thơm nồng của lá thuốc phơi khô, tiếng khèn lá vang vọng từ xa và những nụ cười mến khách. Người Hà Nhì sống chan hòa cùng thiên nhiên, giữ gìn trọn vẹn phong tục cổ truyền qua từng lễ hội cúng rừng, lễ Tết mùa màng. Trên bếp lửa, thịt trâu gác bếp đặc trưng một màu nâu sẫm, thơm phức mùi mắc khén và gia vị núi rừng. Mỗi món ăn ở đây, từ thắng cố tới cơm lam dẻo ngọt trong ống tre, đều mang hơi thở của rừng già và núi non.
 |
Phụ nữ dân tộc Hà Nhì luôn mang trên mình trang phục truyền thống trong những ngày lễ Tết. Ảnh: THÁI DƯƠNG |
Ở cực Tây, mỗi khi Tết đến, đồng bào các dân tộc Thái, Mông, Hà Nhì… lại tất bật chuẩn bị đón xuân theo những phong tục truyền thống. Những chiếc váy thổ cẩm sặc sỡ, những lời ca tiếng hát vang lên trong các phiên chợ đầu xuân, và tiếng cười rộn ràng của trẻ thơ làm ấm cả một vùng biên giới xa xôi. Người ta cùng nhau dựng cây nêu, múa xòe quanh bếp lửa, và kể nhau nghe những câu chuyện cũ - một chút nỗi nhớ tổ tiên hòa quyện cùng niềm tự hào về biên cương đất nước.
Trong tiết xuân se lạnh, bên ánh lửa bập bùng, tiếng khèn Mông réo rắt hòa cùng tiếng hát của các cô gái dân tộc như dẫn lối cho mùa Xuân ghé về. Xuân về, cực Tây như khoác lên mình một dáng vẻ khác - vừa mộc mạc, vừa tráng lệ. Những đỉnh núi hùng vĩ, những bản nhạc và tiếng chim rừng trong trẻo vang vọng, tất cả như đang hòa ca một bài hát mùa Xuân. Dẫu xa xôi, gian khó nhưng tình đất, tình người ở nơi đây luôn ấm áp, vững bền, và mãi mãi là một phần máu thịt của dải đất hình chữ S yêu thương.
(còn nữa)
VĂN TUẤN - HOÀNG TRƯỜNG
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.