Bài 1: Xuân về nơi cực Đông
Khi mùa Xuân chạm ngõ, nơi cực Đông của Tổ quốc - Mũi Đôi nằm trên bán đảo Hòn Gốm thuộc xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa lại khoác lên mình vẻ đẹp riêng biệt, dung dị mà đầy kiêu hãnh.
Không rực rỡ hoa đào như ở miền Bắc, hay hoa mai như miền Nam, xuân ở đây là sự dịu dàng của nắng, là tiếng gió mang hơi thở mặn mòi của đại dương, và là tiếng chim ríu rít trên những vách đá. Từ trên cao nhìn xuống, bãi biển hoang sơ với những con sóng bạc đầu vỗ về bờ đá là một bức tranh thiên nhiên hoàn mỹ, hòa quyện giữa đất trời, biển cả và nắng xuân.
 |
Mũi Đôi - Hòn Đầu (xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa) - Điểm cực Đông trên đất liền của Việt Nam. Ảnh: baovanhoa.vn. |
Chúng tôi nhớ mãi lần đầu tiên đặt chân đến Mũi Đôi. Chuyến đi ấy không chỉ là hành trình vượt qua những con dốc đá gập ghềnh hay đắm mình trong sóng gió biển khơi, mà còn là một cuộc đối thoại thầm lặng với đất trời, biển cả và lòng yêu quê hương.
Đêm trước ngày chạm tay vào cực Đông, chúng tôi nằm giữa trời sao, lắng nghe tiếng gió biển thì thầm bên tai. Mùi mặn mòi của muối, tiếng sóng vỗ rì rào và ánh trăng bạc trải dài trên mặt biển như muốn kể câu chuyện của những con người nơi đây - những ngư dân ngày ngày đối mặt với bão tố để gìn giữ từng giọt nước, từng con cá của biển khơi quê hương.
 |
Quân và dân xã đảo Sinh Tồn, huyện đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa) gói bánh chưng Tết. Ảnh: SƠN BÌNH - THẾ TUẤN |
Khi những tia nắng đầu tiên xuyên qua làn sương mờ trên mặt biển, cực Đông thức giấc trong tiếng sóng rì rào. Những người dân chài bắt đầu ngày mới từ rất sớm, đưa thuyền ra khơi trong ánh sáng dịu dàng của buổi sớm mai. Đầu xuân, biển lặng hơn, trời cao trong xanh hơn, những đôi tay chai sạn vẫn không ngừng nghỉ, kéo từng mẻ lưới đầy tôm cá - món quà mà thiên nhiên ban tặng.
Người làng chài thường nói, “Xuân đến là lộc về”. Họ tin rằng, mỗi mẻ lưới đầu năm không chỉ mang theo cá tôm mà còn là niềm hy vọng về một năm mới đủ đầy, bình an. Ngày Tết ở đây thật giản dị. Một nồi bánh tét đơn sơ, vài món ăn truyền thống, và những câu chúc tụng đầu năm chính là cách mà người dân nơi đây đón xuân. Người lớn quây quần bên nhau kể chuyện biển khơi, chuyện làng chài năm cũ. Đối với họ, biển là mẹ, là nguồn sống, và là cả tương lai. Những ước mơ cũng thường gắn liền với con thuyền chắc chắn hơn, lưới đánh cá bền hơn, và những đứa trẻ được học hành đến nơi đến chốn. Dù từng trải qua nhiều cơn bão, chứng kiến biển cả đổi thay, nhưng tình yêu biển của họ chưa bao giờ vơi. Họ thường nói với nhau “Chỉ cần biển còn hiền hòa, đời mình sẽ ổn”.
 |
Du khách chào cờ đón ánh bình minh ở Mũi Đôi - Điểm cực Đông của Tổ quốc. Ảnh: THANH AN |
Sống dựa vào biển, vì vậy người dân rất coi trọng nghi lễ cúng biển đầu năm. Thường vào ngày mồng 2 hoặc mồng 3 Tết, các gia đình ngư dân tập trung ở bãi biển, mang theo lễ vật, gồm: Trái cây, rượu, bánh tét, và đặc biệt là cá khô - biểu tượng của sự sung túc. Họ lập bàn thờ trên cát, quay về phía biển để bày tỏ lòng biết ơn với mẹ Biển đã ban tặng nguồn sống, đồng thời cầu mong một năm mới thuận buồm xuôi gió, trời yên biển lặng, tôm cá đầy thuyền.
Sau lễ cúng, những chiếc thuyền được hạ thủy với hy vọng mang về “lộc biển” đầu xuân. Mẻ lưới đầu tiên, người dân chọn những con cá tươi ngon trao cho hàng xóm như một cách chúc phúc. Dù cuộc sống không dư dả, nhưng tình người lại luôn đầy ắp.
Xuân ở cực Đông mang một vẻ đẹp rất riêng. Đó là vẻ đẹp của thiên nhiên hào phóng và con người giản dị, kiên cường. Mỗi câu chuyện đầu xuân, mỗi khoảnh khắc ở nơi đây đều thấm đượm tình yêu với quê hương, biển cả và sự lạc quan về một năm mới đầy hứa hẹn.
(còn nữa)
VĂN TUẤN - HOÀNG TRƯỜNG
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.