Nếu ở các tỉnh miền Bắc có món bánh trôi tàu, bánh chay ăn với nước đường thanh đạm thì bánh ngào xứ Nghệ có vị ngọt đậm đà của đường và mật mía. Ở Nghệ An, người dân vẫn giữ mãi truyền thống làm bánh ngào trong những dịp lễ cúng tổ tiên vào cuối năm hay dịp lễ Tết. Khi cái se lạnh ôm trọn khắp xóm làng, hình ảnh mẹ cặm cụi trong gian bếp bé xíu ấm áp là lúc hương thơm của bánh ngào ngập mật thoảng qua.

leftcenterrightdel

Món bánh ngào thơm có mùi thơm của gừng, hợp để ăn khi trời se lạnh. Ảnh: Trần Huyền Trang

Nhìn thấy bàn tay mẹ nhẹ nhàng nhào bột, tôi lại hồi tưởng đến ngày xưa, khi bàn tay ấy nắm chặt tay tôi để hướng dẫn cách nặn những chiếc bánh ngọt ngào. Mẹ kể tên của loại bánh này có nguồn gốc từ động từ "ngào" - một cử chỉ nhào nặn khi làm bánh, là sự kết hợp tinh tế của bột nếp mịn và mật mía thơm nồng.

Để làm bánh ngào, cần cẩn thận từ việc chọn đúng loại nếp thơm mới có độ dẻo hoàn hảo. Bàn tay chạm nhẹ lên bột, cảm nhận độ mịn màng và hương thơm nhẹ nhàng từ đó. Mẹ kể ngày xưa theo ông bà đi xay gạo thành bột, mẹ nhớ mãi âm thanh từ cối xay đá đã cũ cứ đều đặn nghiền nhuyễn những hạt gạo trắng tinh.

Gạo nếp sau khi xay sẽ đem trộn với nước. Nước để nhào phải vừa đủ để bột không quá khô hay quá ẩm. Nhìn ngắm mẹ nhào nặn từng viên bánh, tôi lại thấy háo hức vô cùng. Mẹ dặn rằng, khi nặn bánh, nhớ phải nhấn nhẹ vừa đủ để bánh không quá dẻo, nhưng cũng đủ chặt để giữ hình dáng.

Bánh sau khi đã được nặn thành hình sẽ được mang đi luộc, mẹ nhẹ nhàng đặt từng viên bánh vào nồi chờ nổi lên thì vớt ra rồi đem ngào với mật. Mật để nấu bánh có màu vàng đỏ, đậm và sánh nhuyễn. Hương thơm của mật mía cùng với hương vị của bột nếp, gừng và một chút dầu ăn, tạo nên một “bữa tiệc” không thể chối từ. Mỗi chiếc bánh tròn là sự kết hợp hài hòa giữa bàn tay khéo léo và cả tấm lòng ấm áp của mẹ tôi.

Cuối cùng, khi bánh đã ngấm mật, mẹ thả vào mấy sợi gừng tươi để cho hương thơm thấm đẫm vào từng hạt bột rồi đun thêm tầm 3 đến 5 phút. Gừng tươi giống như những câu chuyện của quê hương, mang đến hương vị đặc trưng mà chỉ người xứ Nghệ mới hiểu rõ.

Chao ôi, nồi bánh lúc đó dậy lên hương thơm ngọt của mật mía, thoảng qua vị cay nồng của gừng cùng rất nhiều tình yêu của mẹ gửi gắm vào đó. Những chiếc bánh nóng hổi cứ giữ mãi hương vị tình thân, đưa tôi trở về với sự bình yên, ấm áp đến lạ thường khi thưởng thức.

Cảm giác đầu tiên khi cắn miếng bánh ấm nóng là mùi thơm ngòn ngọt quyện cùng vị bùi của nhân, dẻo thơm của nếp và vị thanh đậm của nước mật. Bánh ngào ngon nhất là khi ăn nóng, múc vài viên bánh tròn trắng ra bút rồi xì xụp trong tiết trời se lạnh, khi ấy con tim như được sưởi ấm mà quên đi mọi mệt nhọc của cuộc sống.

Mỗi viên bánh là một tác phẩm nghệ thuật, là kỷ niệm về quê hương, là tình yêu thắm thiết của gia đình. Những chiếc bánh ngào đã trở thành một phần hương vị của quê hương. Khi xa quê, có dịp được ăn lại món bánh này, trong những khoảnh khắc đó, tôi như cảm thấy mình đang đứng giữa bản làng yên bình, nhìn thấy những mái nhà nhỏ, nghe tiếng gió lành mát, và thưởng thức mùi hương của mùa đông xứ Nghệ.

Bây giờ, mỗi dịp xuân về Tết đến, dù xa quê nhưng mùi hương bánh ngào lại bất giác phảng phất nơi đầu mũi, làm tôi nhớ về những năm tháng ngọt ngào của tuổi thơ. Khi ấy vào mỗi dịp tiễn ông Công ông Táo về trời hay cúng Giao thừa, gia đình chúng tôi lại cùng nhau thưởng thức món bánh ngào để cầu mong cho năm mới thật nhiều may mắn và trọn vẹn. Những chiếc bánh ngào không chỉ là món ăn, mà còn là tình yêu thắm thiết, là hồn quê hương, là một chuyến hành trình trở về với ký ức, tìm lại hương vị ngọt ngào của tuổi thơ và những ngày xuân tươi đẹp.

HUYỀN TRANG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.