Biết sử ta là biết những bài học xương máu được rút ra từ những thắng-thua, được-mất của dân tộc mình. Vì thế, không thể xem nhẹ những bài học lịch sử được.
Viết về đất nước, nhà thơ nổi tiếng Nguyễn Khoa Điềm có những câu thật hay: “Khi ta lớn lên đất nước đã có rồi/ Đất nước có trong những cái ngày xửa, ngày xưa mẹ thường hay kể/ Đất nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn/ Đất nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc...”. Hành trình “Đất nước lớn lên” chính là hành trình dựng nước và giữ nước vô cùng gian khổ, hy sinh của bao thế hệ người Việt Nam. Vó ngựa xâm lăng và dấu giày viễn chinh của những thế lực ngoại quốc to lớn không ít lần in vết trên non sông này và tự hào thay dân tộc Việt Nam chưa bao giờ chịu khuất phục. Công cuộc tạo dựng đất nước gắn liền với các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, thế mới có “Nam quốc sơn hà...”, có “Đại cáo Bình Ngô”, có "Tuyên ngôn Độc lập” và bao nhiêu áng thơ văn nồng nàn tình yêu non sông, niềm tự hào dân tộc...
Lịch sử Việt Nam là di sản vô giá của dân tộc này, không phải một thế hệ mà nhiều thế hệ, không chỉ một lần mà phải nhiều lần được học hỏi, tìm hiểu nghiên cứu kỹ càng, sâu sắc để bồi đắp lòng yêu nước cho mọi người. Quá khứ không chỉ là quá khứ mà đó là những bài học quý giá, cần thiết cho hiện tại và cả tương lai. Quá khứ không phải là cái vô dụng dẫu rằng đó là câu chuyện của hôm qua mà nó phải được biến thành năng lượng dồi dào của hiện tại. Truyền thống được coi như “căn cước dân tộc” và đó chính là những giá trị cốt lõi được tạo sinh, nảy nở, vươn tỏa trong lịch sử đất nước. Không có lịch sử dựng nước và giữ nước ấy thì làm sao có được “nền văn hiến từ lâu”, làm sao có được một Tổ quốc Việt Nam đã xác lập vị thế, tâm thế như hiện nay.
Tôi nghĩ, không ngẫu nhiên mà Bác Hồ luôn đề cao việc học hỏi lịch sử nước nhà. Chắc nhiều người đã biết, vào năm 1942 ở Pác Bó (Cao Bằng), Hồ Chí Minh đã để công sức, tâm trí soạn diễn ca “Lịch sử nước ta”. Bác viết tác phẩm này là để “kể chuyện” hàng nghìn năm lịch sử Việt Nam một cách cô đọng, dễ hiểu cho mọi người dân biết. Mong muốn của Người là để “Dân ta phải biết sử ta/ Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. Biết sử ta là biết cội nguồn dân tộc. Biết sử ta là biết các cuộc chống giặc xâm lăng của đất nước. Biết sử ta là biết những thăng trầm, mờ tỏ, nông sâu của vận nước. Biết sử ta là biết chiến công, kỳ tích của các anh hùng dân tộc. Biết sử ta là biết sức mạnh của nhân dân. Biết sử ta là biết kẻ hèn nhát, phản bội Tổ quốc. Biết sử ta là biết những bài học xương máu được rút ra từ những thắng-thua, được-mất của dân tộc mình. Không thể xem nhẹ những bài học lịch sử được. Tuy nhiên, vận dụng những bài học lịch sử quý giá đó như thế nào vào thực tiễn bây giờ đòi hỏi sự sáng suốt, khôn khéo của người đương thời. Một ví dụ, bài học về “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” của Hồ Chí Minh trong quá trình hoạt động cách mạng mãi còn nguyên giá trị.
Từ trước đến nay, lịch sử luôn là môn học quan trọng trong nhà trường phổ thông. Thế hệ chúng tôi, những người thuộc U70 được học lịch sử một cách hệ thống từ cấp 1, cấp 2, cấp 3 (cách gọi các cấp học thời đó). Nhờ thế chúng tôi mới biết được thời Hùng Vương dựng nước; biết Ngô Quyền thắng quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng giành lại độc lập cho giang sơn Việt; biết nhà Lý lãnh đạo nhân dân chống giặc Tống với bài thơ “Thần” do Lý Thường Kiệt đọc động viên tướng sĩ trên sông Như Nguyệt; biết nhà Trần cùng dân tộc Việt 3 lần đánh tan quân Mông Nguyên; biết Lê Lợi dấy nghĩa đánh tan giặc Minh sau 10 năm chinh chiến... rồi “Chín năm làm một Điện Biên/ Nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng” chiến thắng thực dân Pháp và cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ.
Những bài học lịch sử thấm dần vào chúng tôi, lòng tự hào dân tộc, lòng yêu Tổ quốc được bồi tụ và tỏa sáng một cách tự nhiên. Cùng những bài văn, bài thơ về quê hương, đất nước, con người Việt Nam hướng chúng tôi tới những điều cao cả, tốt đẹp, biết sống theo tâm niệm “mình vì mọi người” với niềm tin vững chãi “Có gì đẹp trên đời hơn thế/ Người yêu người, sống để yêu nhau” (thơ Tố Hữu). Không thể nói khác được, chúng tôi biết ơn những bài học lịch sử của thời cắp sách đến trường. Có thể chúng tôi quên những định lý, định luật, hệ quả toán học, vật lý nào đó; hoặc không nhớ nổi nữa cấu trúc phân tử của một chất hóa học... nhưng làm sao chúng tôi quên được Vua Hùng, Ngô Quyền, Lý Công Uẩn, Lý Thường Kiệt, Trần Nhân Tông, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Nguyễn Huệ, Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp... Đất nước, con người Việt Nam thấp thoáng hay ẩn sâu trong từng trang sử của thời học trò. Hành trang ra trận của người chiến sĩ có những bài học đó. Không như vậy làm sao chúng ta vượt qua được muôn trùng gian khó, chịu nhiều mất mát đau thương để làm nên những chiến thắng oai hùng, giành lại độc lập tự do cho dân tộc, hòa bình thống nhất cho đất nước. Tôi nghĩ, xem nhẹ lịch sử là có tội với tổ tiên cha ông, với lớp người đi trước, những người đã đổ mồ hôi, xương máu cho Tổ quốc này.
Vì thế, tôi thực sự bất ngờ khi biết môn Lịch sử là môn học tự chọn khi vào lớp 10 THPT vào năm học tới. Tôi e ngại các cháu của tôi cùng thế hệ của chúng sẽ lơ mơ hoặc không biết mấy về lịch sử dân tộc Việt Nam. Các cháu sẽ lúng túng khi ta hỏi về một vị anh hùng dân tộc nào đó. Liệu các cháu có biết vì sao có “Điện Biên Phủ trên không” năm 1972?, và nó có liên quan gì tới “Điện Biên Phủ” năm 1954? Còn biết bao nhiêu câu hỏi nữa về nhân loại, dân tộc, con người chỉ trả lời được, trả lời đúng, trả lời sâu từ lịch sử. Thế mà, lịch sử chỉ là môn học tự chọn của học sinh THPT.
Chúng ta vẫn thường hay nói câu này: Không ai bị lãng quên, không điều gì bị quên lãng cả. Chao ôi, biết đâu cái sự lãng quên sẽ bắt đầu một cách hồn nhiên từ đây. Từ chỗ người ta đặt môn Lịch sử vào nơi không xứng đáng với nó. Coi môn Lịch sử không phải là môn học bắt buộc với học sinh THPT. Thử hỏi, với cách ứng xử có phần “tùy tiện” như thế với môn Lịch sử thì liệu thế hệ công dân Việt Nam sau này sẽ có mấy phần trăm “...biết sử ta”? Theo tôi, việc cho môn Lịch sử là tự chọn với các cháu khi vào lớp 10 THPT có gì đó vội vàng, chưa thấu đáo, chưa cân nhắc kỹ càng, thận trọng.
Bấy lâu nay, người ta kêu ca về kết quả học và thi môn Lịch sử thấp. Tôi nghĩ, lỗi không phải ở môn học mà cái chính là ở cách biên soạn nội dung, cách dạy, cách thi Lịch sử. Khô khan, nặng nề, không phù hợp với tâm lý tiếp cận của lứa tuổi chăng? Tại sao chúng ta không tận dụng triệt để các thành tựu công nghệ kỹ thuật của thời 4.0 nhằm làm cho các buổi học lịch sử nhẹ nhàng, sinh động hơn? Thay dạy lịch sử bằng hình thức “kể chuyện lịch sử”, “xem phim lịch sử”, “diễn lại lịch sử”... thử xem sao. Thi cũng không nên bắt học sinh phải nhớ kỹ diễn biến, số liệu, nhân vật... một cách cứng nhắc. Từ những cái đó nên hướng học sinh tới cảm nghĩ, cảm tưởng, nhận thức về đất nước, quê hương, con người Việt Nam, nhân loại trên nền tảng nhân văn tốt đẹp thử xem sao? Thi cử không phải để trả lời cho những cái đã học mà nên mở ra các cảm nhận mới mẻ với học sinh. Có lẽ nên như thế chắc môn Lịch sử không còn nhàm chán, nặng trĩu với các cháu nữa.
Đây chỉ là ý kiến của riêng tôi, một nhà thơ, một cựu chiến binh. Tôi chỉ muốn trình bày những điều tôi nghĩ một cách thành thực, thẳng thắn. Thế thôi, không hề có ý lên lớp, dạy bảo ai cả. Chỉ mong ý kiến này sẽ được những người có trách nhiệm lắng nghe. Tôi nghĩ, những gì liên quan tới giáo dục phổ thông chúng ta nên làm hết sức cẩn trọng và chu đáo. Nếu không rất dễ “sai một ly, đi một dặm”!
Nhà thơ NGUYỄN HỮU QUÝ