Tôi sẽ trình bày những suy nghĩ cá nhân của mình như một người lạc quan, bởi nếu chỉ bi quan, bản thân tôi và nhiều đồng nghiệp hẳn sẽ nản chí không tiếp tục hành nghề. 

1. Có thể nói, chưa bao giờ đời sống văn nghệ nước nhà lại sở hữu một lực lượng viết LLPB VHNT đông đảo, chuyên nghiệp, được đào tạo bài bản, nhiều người được may mắn du học ở nước ngoài, sở hữu trình độ học vấn cao (tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư) như hiện nay. Thế hệ “lão làng” và đã thành danh vẫn tiếp tục có nhiều cống hiến quan trọng như: Nguyễn Văn Dân, Phan Cẩm Thượng, Nguyễn Thị Minh Châu, La Khắc Hòa, Ngô Thảo, Phan Trọng Thưởng, Đặng Thái Hoàng, Trương Đăng Dung, Ngô Phương Lan, Nguyễn Quang Long, Nguyễn Đăng Điệp, Vũ Huyến, Huỳnh Như Phương, Trần Thị Phương Phương, Ứng Duy Thịnh...

Với một thế hệ mới, trưởng thành từ đầu thế kỷ 21, chúng ta cũng dễ dàng nhận thấy sự trưởng thành mau chóng của họ. Có thể kể đến một vài trường hợp tiêu biểu trong cả một thế hệ mới viết LLPB như: Mai Anh Tuấn, Nguyễn Mạnh Tiến, Trần Minh Tùng, Trần Ngọc Hiếu, Đoàn Ánh Dương, Vũ Thị Hằng, Nguyễn Văn Thuấn, Hoài Nam, Đỗ Anh Vũ, Trần Thị Thủy, Lê Hồng Lâm, Nguyễn Thanh Tâm, Đoàn Minh Tâm, Hoàng Phong Tuấn, Vũ Hiệp, Nguyễn Văn Hùng, Phạm Minh Quân, Nguyễn Thị Kim Ngân, Trần Quang Đức...

Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương trao tặng thưởng cho các tập thể có thành tích tuyên truyền nổi bật trong năm 2021. Ảnh: THANH TÙNG 

Họ chủ yếu công tác tại các viện hàn lâm, tạp chí văn nghệ Trung ương và địa phương, các nhà xuất bản, bảo tàng hay giảng dạy nghiên cứu tại các trường đại học, cho nên khá chuyên tâm với nghề nghiệp, cũng như có thể sống tạm ổn với nghề.

Đa số có trình độ ngoại ngữ tốt, sử dụng khá thành thạo để nghiên cứu cũng như tiếp cận với trình độ LLPB quốc tế. Họ có khả năng làm chủ lý thuyết, có năng lực tiếp cận và vận dụng các lý thuyết mới trên thế giới áp dụng vào nghiên cứu các hiện tượng nghệ thuật trong nước. Những công trình của họ bước đầu đã tạo ra những bước ngoặt tri thức trong đời sống văn nghệ nước nhà, nhiều công trình đoạt giải cao, dư luận trong nước và quốc tế đánh giá cao.

Ở điểm này, tôi lạc quan và tin rằng, xét về đội ngũ thì “tre chưa già nhưng măng đã mọc”. Do đó, nhận định của một nhà nghiên cứu, họa sĩ lão làng tại một hội nghị gần đây rằng “phê bình mỹ thuật đã chết” gần như chỉ có tính cảnh báo, một ngoa dụ nhằm phản tỉnh hơn là một nhận định có tính khách quan, khoa học. Tất nhiên không thể phủ nhận thực tế lực lượng LLPB ở các chuyên ngành đang không có sự đồng đều, văn học thì nhiều, một số lĩnh vực khác như mỹ thuật, kiến trúc, múa, điện ảnh... khá thưa thớt.

Đời sống LLPB VHNT nước nhà hiện nay, nhất là mảng hàn lâm cũng chứng kiến sự trình làng nhiều công trình chất lượng, có tính liên ngành rất cao. Trong sự đọc vốn hạn hẹp của tôi, cũng đã đủ vài minh chứng thuyết phục cho luận điểm này. Nếu còn hoài nghi, xin bạn đọc hãy tìm đọc một vài công trình mới xuất bản gần đây như: “Những đỉnh núi du ca”, “Khai nguyên rồng tiên” (TS Nguyễn Mạnh Tiến-khảo cứu dân tộc học, văn nghệ dân gian, văn hóa học tộc người); “Những thế giới song hành-từ truyện ngắn đến điện ảnh” (TS Nguyễn Văn Hùng-khảo cứu so sánh văn học với điện ảnh); “Ngàn năm áo mũ” (nhà nghiên cứu Trần Quang Đức-mỹ thuật, trang phục, văn hóa); “Sự kiến tạo của các nền nghệ thuật” (nhà nghiên cứu Vũ Hiệp-nghệ thuật, lịch sử, văn hóa) ; “Giáo trình lý thuyết liên văn bản” (TS Nguyễn Văn Thuấn-khảo cứu văn học, văn hóa, lịch sử); “Chuyển thể điện ảnh văn học-điện ảnh” (TS Lê Thị Dương-điện ảnh, văn học), “Bà hoàng trên đá” (ThS Vũ Thị Hằng-mỹ thuật, lịch sử, văn hóa), “Không gian công cộng trong bối cảnh chuyển đổi” (TS Trần Minh Tùng-kiến trúc, lịch sử, văn hóa)...

Điểm mạnh có thể thấy rõ là khả năng tiếp cận và làm chủ lý thuyết hiện đại khiến những công trình nghiên cứu của họ có khả năng tạo ra những phát hiện mới mẻ ở những đối tượng đương đại và cả những đối tượng tưởng chừng như đã cũ mòn, trở thành kinh điển.

2. Một loạt hiện tượng văn nghệ gây xôn xao gần đây, tạo ra nhiều ý kiến tranh luận trái chiều trong việc minh định giá trị, đã không thấy sự xuất hiện tư vấn, thẩm định hay dẫn đường của bất cứ nhà LLPB nào. Các hiện tượng âm nhạc đại chúng, nhất là những phong trào, khuynh hướng âm nhạc gây xôn xao đời sống nghệ thuật như nhạc chế, rap, nhạc cover... đều không thấy sự tham gia của giới LLPB mà chủ yếu chỉ có các bài báo không chuyên đề cập đến.

Một số tác phẩm điêu khắc gây xôn xao dư luận gần đây ở các địa phương cũng không được thẩm định, đánh giá đúng thời điểm từ giới LLPB. Các hiện tượng điện ảnh đình đám gần đây của diễn viên, MC, đạo diễn Trấn Thành (phim "Bố già", "Nhà bà Nữ") tạo ra những dư luận trái chiều, cũng tạo ra những kỷ lục mới về số tiền thu được đối với điện ảnh trong nước, song cũng thấy rất ít sự tham gia bình luận, đánh giá từ phía phê bình điện ảnh.

Nhiều bức tượng xuân về những linh vật (con giáp) của năm, được trưng bày tại các công viên trung tâm của các tỉnh, thành phố, khu vui chơi giải trí cũng gây nhiều sóng gió trên báo chí, mạng xã hội, song gần như không thấy sự tham gia thẩm bình từ giới chuyên môn của phê bình điêu khắc, mỹ thuật.

Lấy ví dụ về những linh vật xuân, tôi cho rằng nghệ sĩ và chủ đầu tư có quyền tái hiện linh vật (con giáp) theo quan niệm, dụng ý của họ, chứ không phải như hình dáng thật của con vật/giáp đó ngoài đời thực-thì đó mới chính là nghệ thuật.

Tại sao một bức tượng con mèo phải y xì như con mèo ngoài đời (ở tỉnh Quảng Trị) thì mới được xem là đẹp, trong khi một con mèo mỉm cười cách điệu, có dáng hình như con “lợn quay”, con cáo hay con chồn (tại Thanh Hóa) thì lại bị xem là xấu, là xuyên tạc? Nghệ thuật (nhất là nghệ thuật tạo hình) có quyền hư cấu, có quyền cách điệu, quyền chuyển tải cá tính và quan điểm riêng của người nghệ sĩ hay không? Con mèo trong tranh dân gian Đông Hồ; các con sư tử đá trong lăng mộ, Hoàng thành; các con rùa, hạc trong những khu thờ cúng tâm linh... có buộc phải y xì hình dáng ngoài hiện thực hay không? Đó là những câu hỏi băn khoăn của tôi, rất cần giới phê bình mỹ thuật, điêu khắc hồi đáp, minh định.

Một giới hạn khác "góp phần" gây nhiễu loạn đời sống nghệ thuật gần đây đó là hiện tượng phê bình cánh hẩu, phê bình đao búa, phê bình quy chụp vẫn diễn ra thường xuyên, nhất là trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội. Những hiện tượng phê bình cực đoan này, dù tương tác theo nhiều chiều khác nhau, có khi công kích nhau, nhưng để lại những hậu quả tiêu cực.

Rất nhiều hiện tượng văn nghệ bị tâng bốc quá đà, quá tầm năng lực thực sự. Ngược lại, rất nhiều văn nghệ sĩ bị vùi dập, lăng mạ không thương tiếc chỉ vì một vài sơ suất nhỏ, một vài câu từ, hình tượng chủ quan trong tác phẩm của mình.

Sự chà đạp lẫn sự tâng bốc quá đà đều có thể "giết chết" những tài năng và qua đó "giết chết" nghệ thuật chân chính, làm vô sinh sự sáng tạo, khả năng cách tân và đổi mới nền văn nghệ nước nhà. Nghiêm trọng hơn, hiện tượng này khiến LLPB đánh mất chức năng tiên thiên của nó, đó là làm “bà đỡ” cho nghệ thuật. Khả năng đọc sâu, đọc trước nhằm định hướng tiếp nhận của công chúng cũng đã bị đánh mất đi qua hiện tượng tiêu cực này. Về vấn đề này, tôi nghĩ, sự im lặng chối từ hay sự bàng quan của giới LLPB trước các hiện tượng nghệ thuật đang gây tranh cãi chính là một sự vô trách nhiệm, phần nào đó là thiếu tự trọng và đạo đức nghề nghiệp.

3. Giải pháp đề ra, theo suy nghĩ của tôi, đó là nâng cao vai trò, chức năng của những hội văn nghệ Trung ương và địa phương, nhất là những hội chuyên ngành kiến trúc, mỹ thuật, âm nhạc, điện ảnh, nhiếp ảnh, sân khấu... Các tạp chí nghiên cứu chuyên ngành của các bộ môn trên cũng cần được đầu tư nâng cao chất lượng.

Giá trị giải thưởng văn nghệ hằng năm cũng cần được nâng lên, đổi mới thể lệ chấm giải, thành phần ban giám khảo chấm giải để thực sự làm được việc “so bó đũa, chọn cột cờ”, kịp thời tôn vinh các tác phẩm, tác giả xuất sắc. Đồng thời có hình thức quảng bá tác phẩm để công chúng biết đến rộng rãi.

Vai trò của các khoa văn học, nghệ thuật học ở các trường đại học cần được phát huy qua các sách chuyên khảo, hội thảo khoa học liên ngành. Các trường đại học nghệ thuật cũng cần được đầu tư đặc biệt, với một cơ chế riêng nhằm phát triển nghệ thuật nói chung và LLPB nói riêng. Điều này sẽ tránh việc đào tạo LLPB văn học vốn có truyền thống lâu đời, cho ra đời nhiều người làm nghề; trong khi các lĩnh vực khác lại vô cùng thưa thớt.

Để làm được những mong muốn này, rất cần sự quan tâm đầu tư của Đảng và Nhà nước, sự chung tay của toàn xã hội. Thiếu đi một nền LLPB lành mạnh, có tính định hướng, song hành, động viên, khuyến khích sáng tác, rõ ràng không có lợi cho sự phát triển của văn hóa-văn nghệ nước nhà trong thời gian tới.

TS PHAN TUẤN ANH