Một trong những danh nhân đó là nhà giáo Võ Trường Toản-xử sĩ đất Gia Định, quê ở phủ Tân Bình, tỉnh Gia Định (thuộc TP Hồ Chí Minh ngày nay).
Võ Trường Toản là một nhà nho lớn, một nhà giáo đức độ, tài ba ở miền Nam, thế kỷ 18. Sở học của tiên sinh họ Võ đã đạt tới bậc danh nhân và có kiến thức uyên thâm, thông đạt. Học trò của danh sư Võ Trường Toản có tới mấy trăm người, nhưng nổi tiếng hơn cả là “Gia Định tam gia thi”: Trịnh Hoài Đức, Lê Quang Định, Ngô Nhơn Tĩnh... đều là những danh nhân đất Nam Kỳ. Mặc dù về quê ở ẩn không ra làm quan cho triều đình phong kiến, không tham gia chính sự, không màng công danh nhưng ông vẫn mở trường dạy học để đào tạo những nhân tài cho đất nước. Ông coi đó là trách nhiệm của kẻ sĩ!
 |
Tượng nhà giáo Võ Trường Toản được dựng tại Vườn tượng danh nhân Văn Miếu Trấn Biên (Đồng Nai). |
Khác với những nhà nho cùng thời, Võ Trường Toản không rơi vào lối dạy máy móc, giáo điều của Nho học lạc hậu, cổ hủ lúc bấy giờ. Ông chủ trương dạy theo phương pháp “nghĩa lý để giáo hóa”, tức là hiểu kỹ ý nghĩa chứ không nên học vẹt từng câu, từng chữ và nuôi dưỡng khí phách để làm việc nghĩa, cống hiến hết mình cho quê hương, đất nước chứ không câu nệ tiểu tiết. Sau này, những nho sĩ tài danh thuộc thế hệ hậu bối như: Nguyễn Đình Chiểu, Phan Văn Trị, Bùi Hữu Nghĩa, Trương Định, Nguyễn Hữu Huân... đều khâm phục và chịu ảnh hưởng về đạo đức, tư tưởng, sĩ khí của nhà giáo Võ Trường Toản, nên đã giữ tròn khí tiết khi nước nhà bị xâm lăng. Soi vào thực tiễn ngành giáo dục nước ta hiện nay, triết lý dạy học “nghĩa lý để giáo hóa” của Võ Trường Toản vẫn còn nguyên giá trị. Học cốt ở tinh thần, tư tưởng chứ không phải học theo kiểu rập khuôn máy móc, học thuộc lòng từng dấu chấm, dấu phẩy để rồi mất đi tư duy sáng tạo.
Nhà giáo tài hoa Võ Trường Toản mất năm 1792, tại làng Hòa Hưng, huyện Bình Dương, phủ Tân Bình, tỉnh Gia Định và được an táng tại địa phương. Hay tin ông mất, Chúa Nguyễn cảm mến, tiếc thương, ban từ hiệu khắc trên bia mộ là “Gia Định xử sĩ Sùng Đức Võ tiên sinh” (nghĩa là bậc xử sĩ Võ tiên sinh, người Gia Định, sùng về đức độ). Để tưởng nhớ công đức của thầy Võ Trường Toản, học trò của ông tạc đôi câu đối: “Lúc sống dạy dỗ được người, không con mà như có/ Khi mất tiếng tăm còn để, thân tan danh vẫn còn”.
Bài và ảnh: YẾN LONG