Hôm ấy là một ngày làm việc, tôi theo chân thủ trưởng đơn vị đi dự một hội nghị khá quan trọng của một huyện trên địa bàn đóng quân. Trên đường đi, tôi nhận thấy hồng kỳ, băng rôn treo khá dày từ đường giao thông đến khu tổ chức hội nghị. Các đại biểu đông vài trăm người, đến dự thì ai nấy đều ăn mặc rất lịch sự, tâm thế vui vẻ, cởi mở. Tôi trộm nghĩ, với sự chuẩn bị chu đáo thế này, chắc chắn hội nghị sẽ thành công tốt đẹp. Khi đại biểu dự có mặt đông đủ, người làm công tác tổ chức bắt đầu làm các thủ tục lễ nghi cần thiết ban đầu: Tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu. Ngay từ lần giới thiệu người lãnh đạo cao nhất có mặt trong hội nghị, dù ngồi ở hàng ghế thứ hai, tôi đã hăm hở… vỗ tay. Nhưng tôi cảm thấy vô cùng lạc lõng vì chỉ có tôi và vài người vỗ tay lẹt đẹt. Và tôi cũng đã kịp nhận ra người điều chỉnh âm thanh đã cho vỗ tay bằng… băng đĩa. Đến những lượt giới thiệu ngay sau đó cũng vậy. Người dự hội nghị không biết tâm thế để đi đâu, dù người làm công tác tổ chức hay lãnh đạo đọc diễn văn kết thúc thì những tiếng vỗ tay cũng rất ít. Đâu đó ở các dãy bàn đại biểu chỉ thấp thoáng thấy người ta lướt và “làm xiếc” trên chiếc điện thoại thông minh như truy tìm một thứ gì đó cần kíp lắm.

Ngược lại, một lần khác, khi về vùng miền Đông Nam Bộ công tác, được nghe bà con nơi đây hát vọng cổ mà những tiếng vỗ tay cứ rào rào, khiến cho từ người hát đến người nghe đều cảm thấy vui vẻ, hào hứng. Người hát là nông dân, người nghe chỉ vài chục người và cũng là nhà nông cả. Họ ăn mặc cũng dân dã, giản dị nhưng họ hát vô tư, vỗ tay thoải mái. Chỉ cần khi người hát thể hiện xong một đoạn có ca từ dài, một đoạn có ca từ khó là ngay lập tức đã nhận được những tràng pháo tay cổ vũ giòn giã của người nghe.

Tiếng vỗ tay là một động tác đơn giản của con người. Vỗ tay cũng là thể hiện một nét văn hóa của một con người hoặc cả một cộng đồng. Có lúc, có nơi cần vỗ tay để biểu thị niềm vui, sự động viên, cổ vũ, nhưng người ta lại tiết kiệm tiếng vỗ tay đến mức “ki bo" thì đó là một sự “lãnh cảm văn hóa"!

ĐÀO DUY TUẤN