Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, PGS, TS Trần Trí Trắc, nhà nghiên cứu, lý luận và phê bình sân khấu bày tỏ quan ngại về vấn đề nêu trên.

Phóng viên (PV): Ông đánh giá như thế nào về vấn đề hư cấu trong dàn dựng các tác phẩm sân khấu?

PGS, TS Trần Trí Trắc: Trong sáng tạo nghệ thuật, bất kỳ tác phẩm nào cũng phải có hai phần: Phần từ đời sống thực và phần hư cấu của nghệ sĩ. Ta có thể ví von một cách hình ảnh: Tác phẩm nghệ thuật là cái diều, hư cấu của nghệ sĩ là sợi dây, còn hiện thực lịch sử là mặt đất. Cánh diều bay bổng được không thể thiếu sợi dây nối nó với mặt đất. Sự thống nhất giữa các bộ phận của cánh diều, sự bay bổng cao thấp, huyền diệu của cánh diều là do tài năng của người tạo ra nó.

PGS, TS Trần Trí Trắc. 

Kịch lịch sử là tác phẩm nghệ thuật. Vì vậy, một vở kịch lịch sử đích thực chắc chắn phải đem lại cho người xem những bài học có giá trị về nhân cách sống qua vẻ đẹp tâm hồn của các nhân vật lịch sử, khiến người xem xúc động và gợi cho họ những suy ngẫm về cuộc sống hôm nay. Do đó, nghệ sĩ có quyền được hư cấu và hư cấu mới ra hình tượng, hư cấu mới ra giá trị thẩm mỹ, không có hư cấu không có tác phẩm nghệ thuật nào cả. Bằng không, xin mời họ đọc các sách lịch sử hay xem kịch tư liệu lịch sử.

Không có một tác giả vĩ đại nào mà không hư cấu, ví dụ vở kịch “Vũ Như Tô” của Nguyễn Huy Tưởng, sự thật lịch sử có ông vua, có Vũ Như Tô, nhưng tác giả hư cấu nhân vật Đam Thiềm mang giá trị thẩm mỹ. Hay trong vở diễn dựng về Quang Trung đại thắng ở Thăng Long đã chỉ đạo quân sĩ mang cành hoa đào báo tin chiến thắng tới Ngọc Hân công chúa ở thành Phú Xuân (Huế). Đó là hư cấu, nhưng khán giả xem lại thấy thật ý nghĩa bởi chứa đựng hình tượng, thẩm mỹ về tình yêu của Quang Trung đối với Ngọc Hân, của Bắc Hà với Kinh đô Huế... Có thể thấy rõ, nghệ sĩ hư cấu tự do nhưng cuối cùng phải đi đến khán giả thừa nhận nó như một hiện thực lịch sử.

PV: Kho tàng lịch sử Việt Nam có rất nhiều câu chuyện, chân dung nhân vật nổi tiếng. Để khai thác chất liệu, chắc hẳn không thiếu. Vậy đâu là những thiếu, yếu của sân khấu hiện nay?

PGS, TS Trần Trí Trắc: Với đề tài lịch sử, càng đòi hỏi nghệ sĩ phải chuyên nghiệp và tài năng, đọc nhiều, am hiểu. Trước câu chuyện lịch sử, nếu hư cấu mà để mất đi nhận thức hiện thực thì khán giả không chấp nhận, như thế là thất bại. Ví dụ gần đây, tôi có xem vở diễn về Lê Lợi trả gươm thần ở hồ Hoàn Kiếm, nhưng Lê Lợi lại đứng trên cầu Thê Húc trong đêm trăng vàng. Ô, thế là chết rồi, cầu Thê Húc xây dựng vào thế kỷ 19, thời nhà Nguyễn, trong khi Lê Lợi ở thế kỷ 15, thì làm sao đứng trên cầu Thê Húc để mà trả gươm thần? Hay vở về Trưng Trắc cưỡi voi đánh giặc, nhưng trên đầu lại đội mũ của Nam Phương hoàng hậu thế kỷ 20... Cũng hư cấu đấy, nhưng phi lịch sử, cái bịa đặt ấy không chân thực thì lịch sử sẽ thất bại, vở diễn sẽ bị khán giả phê phán, quay lưng.

Cho nên anh có quyền sáng tạo, có quyền hư cấu nhưng không được vượt qua logic lịch sử, vượt qua tính chân thực của lịch sử. Hãy viết kịch lịch sử bằng 3 chân kiềng: Bản lĩnh văn hóa, bản lĩnh chính trị và bản lĩnh thẩm mỹ. Không đủ 3 yếu tố, không viết được kịch lịch sử.

 Cảnh trong vở kịch “Vũ Như Tô” được phục dựng nhân kỷ niệm 100 năm sân khấu kịch nói Việt Nam (năm 2021).Ảnh: VIỆT LAM.

PV: Phải chăng đó cũng chính là nguyên nhân thời gian này sân khấu chưa có tác phẩm nổi bật, chứ chưa nói là tác phẩm đỉnh cao, thưa ông?

PGS, TS Trần Trí Trắc: Làm nghệ thuật nói chung, sân khấu nói riêng cần quan tâm tới 3 vấn đề: Tác giả, diễn viên và khán giả. Nhưng hiện nay, chúng ta chỉ có đào tạo diễn viên mà thiếu đào tạo tác giả. Tôi được biết, công tác tuyển sinh của các trường đào tạo nghệ thuật hằng năm rất khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn nhân lực sáng tác. Nhiều tác giả đứng tên trong các vở diễn đang là tay ngang, mà tay ngang thì có thể làm ngẫu hứng, tùy hứng... Trong khi nghệ thuật sân khấu đòi hỏi phải tài năng, tâm huyết và chuyên nghiệp.

Thêm nữa, sân khấu hôm nay chưa có mô hình chân dung con người đương thời, một số tác giả đang thử nghiệm làm sao cho có tác phẩm phù hợp với cơ chế thị trường, vì vậy, những văn nghệ sĩ của chúng ta không tìm ra chân dung để viết. Như thế đồng nghĩa chưa có tác phẩm để lại dấu ấn của thời hiện đại. Vậy là tác giả lại trở về với đề tài lịch sử, đề tài cũ, nhưng viết về lịch sử không thể vượt qua được những tác giả đi trước nên họ đành viết tác phẩm lịch sử mang tính địa phương, theo nhu cầu đặt hàng của địa phương phục vụ lễ hội, nhiệm vụ hội nghị... và lại quên mất vấn đề cốt lõi, đã là tác phẩm lịch sử thì phải lấy xưa nói nay. Chính vì thế, hầu hết các vở diễn tham gia hội diễn, liên hoan thời gian qua chỉ mới mang tính địa phương, nêu văn hóa, con người, cuộc sống địa phương... mà chưa thoát khỏi lũy tre làng để vươn tới tính đại chúng, tính thời đại.

Sân khấu thể hiện bằng ngôn ngữ hành động, mỗi loại hình sân khấu có hành động khác nhau, nhưng hôm nay, sân khấu của chúng ta chỉ diễn theo một hành động của kịch nói-loại hình tả thực-nên chèo, tuồng, cải lương cũng... tả thực. Đó là lý do khán giả không mặn mà, mất khán giả và càng khó tìm được tác phẩm đỉnh cao.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

CHÂU XUYÊN (thực hiện)