Viện Sử học, tiền thân là Tổ Lịch sử thuộc Ban Nghiên cứu Lịch sử, Địa lý, Văn học được thành lập ngày 2-12-1953 tại Chiến khu Việt Bắc. Ngày 6-2-1960, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định thành lập Viện Sử học thuộc Ủy ban Khoa học Nhà nước.

leftcenterrightdel
Tiết mục nghệ thuật tại lễ kỷ niệm.  

Trải qua nhiều lần thay đổi, hiện Viện Sử học có 50 cán bộ, viên chức, người lao động, trong đó có 2 PGS, TS, 27 Tiến sĩ, 12 Thạc sĩ, số còn lại phần lớn đang theo học nghiên cứu sinh và cao học.

Trong 70 năm qua, Viện Sử học tập trung thực hiện các nhiệm vụ quan trọng, như: Nghiên cứu những vấn đề cơ bản của lịch sử Việt Nam; biên soạn các bộ thông sử; sưu tầm, nghiên cứu, dịch thuật và công bố tư liệu lịch sử, biên soạn các bộ sách công cụ; thực hiện những nhiệm vụ chính trị do Đảng và Nhà nước giao; tham gia thẩm định các chương trình, kế hoạch về văn hóa, khoa học xã hội, hợp tác với các ngành, các địa phương và quốc tế; đào tạo đội ngũ cán bộ nghiên cứu lịch sử; xây dựng và phát triển nội dung Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử với hơn 600 số được xuất bản.

Viện Sử học được trao tặng các danh hiệu: Huân chương Lao động hạng Nhất (1980), Huân chương Độc lập hạng Nhất (1998); Anh hùng Lao động thời kỳ Đổi mới (2000). Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử được tặng Huân chương Lao động hạng Nhì (1980). Nhiều nhà khoa học của viện được tặng các giải thưởng gồm: 6 nhà khoa học được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh; 8 nhà khoa học được nhận Giải thưởng Nhà nước…

leftcenterrightdel

Lãnh đạo Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam trao Bằng khen tặng Viện Sử học và Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử.  

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, TS Lê Quang Chắn, Phó viện trưởng điều hành Viện Sử học khẳng định: “Trong thời gian tới, Viện Sử học hướng tới các nhiệm vụ như: Tiếp tục xây dựng Viện Sử học trở thành cơ quan nghiên cứu hàng đầu về khoa học lịch sử của đất nước, cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chiến lược và chính sách phát triển nhanh, bền vững theo định hướng xã hội chủ nghĩa; tổ chức nghiên cứu những vấn đề lý luận và phương pháp luận sử học, phê phán các quan điểm phi lịch sử hoặc bóp méo, xuyên tạc lịch sử nhằm làm rõ sự thật lịch sử; xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học lịch sử có trình độ cao cả về số lượng và chất lượng; góp ý và phản biện các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội quan trọng; tiếp tục nghiên cứu và biên soạn các bộ lịch sử chuyên ngành và lịch sử các địa phương, lịch sử các nước trên thế giới phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc…”.

Tin, ảnh: HOÀI PHƯƠNG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.