(Tiếp theo kỳ trước)
QĐND - Khoa nghiên cứu lịch sử văn học khi nghiên cứu các tác phẩm cụ thể thường mở rộng sự kiểm nghiệm của nó ra các lĩnh vực nằm ngoài phạm vi văn chương, vì các tác phẩm văn học ra đời với dấu ấn sâu đậm của những yếu tố liên quan đến các hiện tượng nằm ngoài văn chương. Những yếu tố đó như tiểu sử nhà văn, thời đại nhà văn, và các quan hệ đã tạo nên đời sống văn học. Khi quan tâm đến những yếu tố này, một cách tất yếu, lịch sử văn học phải vận dụng các kết quả nghiên cứu của khoa học xã hội.
Ngày nay, đối tượng nghiên cứu của lịch sử văn học đã được mở rộng, vì thế nhà nghiên cứu văn học sử không còn là nhà phục chế văn chương đơn điệu, hoặc là xã hội học duy lý. Lịch sử văn học ngày nay triển khai công việc nghiên cứu trên một bình diện trừu tượng hơn nhằm tiếp cận một đối tượng cũng trừu tượng hơn là tính chất văn học của các tác phẩm, tức là cái đã làm cho tác phẩm trở thành văn học. Cần nhấn mạnh bình diện lô-gích khái quát, một yêu cầu đang đặt ra cho khoa học văn học nói chung, và nghiên cứu lịch sử văn học nói riêng. Trên các sự kiện và hiện tượng văn học nhiều vẻ, nhiều tầng, lịch sử văn học có khả năng chỉ ra được những quy luật phát triển trong từng giai đoạn của tiến trình văn học. Điều đó có nghĩa là lịch sử văn học ngoài việc nghiên cứu các tác phẩm văn học cụ thể còn nghiên cứu các trào lưu, trường phái và tiến trình văn học, thậm chí cả những mối quan hệ và ảnh hưởng lẫn nhau giữa các nền văn học khác nhau về ngôn ngữ, như văn học so sánh vẫn làm. Và, để thực hiện những yêu cầu trên đây, lịch sử văn học cần đến những thao tác trên bình diện trừu tượng, cần đến một hệ thống khái niệm cơ bản được hình thành trên bình diện lô-gích khái quát cao của lý luận văn học. Đây là lúc lý luận văn học và lịch sử văn học dựa vào nhau: Lý luận văn học cần đến bình diện lịch sử của lịch sử văn học, lịch sử văn học cần đến bình diện lô-gích khái quát của lý luận văn học. Việc nghiên cứu các trào lưu, trường phái, sự phân kỳ văn học và thể loại văn học của lịch sử văn học lại càng phải dựa trên những thành tựu của lý luận văn học, của triết học và xã hội học. Cũng như các trào lưu sáng tác văn học, các trường phái nghiên cứu lịch sử văn học đều là sản phẩm của những xu hướng triết học. Chúng tôi nghĩ đến phương pháp lịch sử tinh thần và phương pháp thực chứng ở Tây Âu thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX. Sự gắn bó của lịch sử văn học với các trường phái triết học càng khẳng định sự cần thiết của lối tư duy trên bình diện lô-gích khái quát trong nghiên cứu văn học, và nhấn mạnh mối quan hệ qua lại rất khăng khít giữa lịch sử văn học và lý luận văn học.
Mối quan hệ giữa lý luận văn học và mỹ học văn học trở nên phức tạp hơn, nhất là vấn đề tách biệt ranh giới của chúng. Bởi vì mỹ học văn học rất gần với lý luận văn học, cả hai tưởng như cùng xuất phát từ một mục đích khi tiếp cận với cùng một đối tượng nghiên cứu. Do không phân rõ ranh giới giữa mỹ học văn học và lý luận văn học nên người ta thường nhắc đến mỹ học nói chung mà ít khi nhắc đến mỹ học văn học. Tuy vậy, giữa lý luận văn học và mỹ học văn học vẫn có sự khác biệt về mục đích: Mỹ học văn học muốn xác nhận vị trí của văn chương trong hệ thống các ngành nghệ thuật (một cách trực tiếp hoặc gián tiếp) và về cơ bản nó hiệu lực hóa những quan điểm liên quan tới các ngành nghệ thuật trong việc lý giải những vấn đề văn học. Về mặt phương pháp, giữa lý luận văn học và mỹ học văn học có sự khác biệt là mỹ học văn học nặng về suy diễn hơn, xuất phát từ các quan điểm phổ quát nhất về nghệ thuật. Trên bình diện lô-gích của nghiên cứu mỹ học thì tác phẩm văn học chỉ là một trong những thành phần của tác phẩm mỹ học, vì khái niệm tác phẩm mỹ học bao gồm tác phẩm âm nhạc, điêu khắc, hội họa và văn học. Do mức độ khái quát hóa lý luận của mỹ học văn học ở một bình diện lô-gích vượt quá phương pháp nghiên cứu lý luận văn học, nên những vấn đề cụ thể, chi tiết (ví dụ xung quanh vấn đề niêm luật thơ ca) đều nằm ngoài phạm vi quan tâm của mỹ học văn học. Trong các công trình nghiên cứu mỹ học của mình, Lukacs đã nhập làm một cả hai lĩnh vực mỹ học văn học và lý luận văn học. Những vấn đề lý luận văn học đều được Lukacs nêu lên và xem xét trong các luận điểm mỹ học, có lúc những quy luật chung nhất của nghệ thuật đã được ông liên hệ với những vấn đề cụ thể của văn học. Làm như vậy, tất nhiên Lukacs không tránh khỏi sự phá vỡ ranh giới giữa lý luận văn học và mỹ học văn học, từ đó dẫn đến sự lẫn lộn bình diện lô-gích của các khái niệm. Tương tự như vậy, khi giải quyết những vấn đề cụ thể của văn học, Lukacs cũng thường dựa vào một vài thể loại như kịch và tiểu thuyết để suy diễn sang thơ, hầu như ông không quan tâm đến thơ trữ tình. Quan điểm cho rằng, lý luận văn học và mỹ học văn học cùng song song tồn tại, theo chúng tôi là đúng, nhưng điều quan trọng là phải xác định một cách chính xác đối tượng và phương pháp đặc trưng cho lý luận văn học để nó không lơ lửng trong một "không gian trống rỗng", và điều quan trọng nhất, là không đưa ra những giải pháp sai lầm.
Đến đây chúng ta có thể thấy rằng, các ngành khoa học trong hệ thống khoa nghiên cứu văn học đều được "hợp lý hóa" và phân công công việc tùy theo đối tượng và tính chất khoa học của mỗi ngành. Theo ý kiến chúng tôi, lý luận văn học vừa nghiên cứu các phạm trù và nguyên lý văn chương lại vừa là siêu khoa học của khoa học văn học, lấy chính khoa học văn học làm đối tượng nghiên cứu. Trong nghĩa hẹp nhất, lý luận văn học nghiên cứu điều kiện tồn tại của tác phẩm văn học (tức là những mối liên quan bên ngoài mang tính cố định, gồm sự ra đời và điều kiện ra đời của tác phẩm); nghiên cứu những quy luật thuộc về cấu trúc (tức là cấu trúc bên trong tác phẩm, gồm tư tưởng nghệ thuật, hành động, cốt truyện, mâu thuẫn, tính cách); nghiên cứu phương thức tồn tại và những hình thức xuất hiện khác của tác phẩm văn học (tức là thể loại và sự khác nhau giữa các thể loại); nghiên cứu tiến trình văn học (tức là các giai đoạn, trào lưu, trường phái của văn học); nghiên cứu chất liệu xây dựng tác phẩm (tức là ngôn ngữ văn học); và cuối cùng là nghiên cứu hệ thống lô-gích cùng những vấn đề phương pháp luận của khoa học văn học. Trong nghĩa rộng nhất thì tất cả các bài nghiên cứu lý luận xuất hiện trong hệ thống khoa nghiên cứu văn học đều thuộc về lý luận văn học. Chẳng hạn gần đây nhất, đã xuất hiện những bài viết về phân kỳ văn học rất đáng lưu ý của các nhà nghiên cứu lịch sử văn học, đó là những bài lý luận văn học đã lấy các kết quả của nghiên cứu thực nghiệm làm xuất phát điểm.
(Còn nữa)
PGS, TS TRƯƠNG ĐĂNG DUNG
Vị trí và chức năng của lý luận văn học trong hệ thống khoa nghiên cứu văn học