Nhưng, "chính những tác phẩm văn học nghệ thuật làm cho con người sống một đời sống có nhân phẩm, nhân văn và tâm hồn phong phú"-như lời khẳng định của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tại Lễ phát động Cuộc vận động sáng tác văn học về đề tài thiếu nhi, trao Giải thưởng Tác giả trẻ lần thứ nhất diễn ra vào ngày 9-1 vừa qua.
Văn học đang bị các loại hình giải trí lấn lướt
Trong quyển sách nhỏ nhưng có ý nghĩa to lớn của Jean François Lyotard với tựa đề "La condition postmoderne" (Điều kiện hậu hiện đại) xuất bản năm 1979, nhà triết học người Pháp đã làm rõ thân phận tri thức (condition du savoir) trong nền văn minh kỹ trị. Bối cảnh văn hóa đương đại đã biến tri thức trở thành một thứ hàng hóa được/bị mua bán trên thị trường. Những tri thức nào được “hợp thức hóa”, được chu chuyển và lưu trữ trên nền tảng internet, thì tri thức đó tồn tại và được chia sẻ. Ngược lại, các tri thức nằm ngoài nền tảng mạng nhanh chóng bị lãng quên, ít được chú ý. Xem ra, giữa văn học với tri thức có một thân phận chung, dựa trên những đặc tính tương đồng, bởi vì văn học bản chất là một dạng thức tri thức sơ khai nhất của con người.
 |
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh (ngồi giữa) trong lễ ra mắt tác phẩm "Ra bờ suối ngắm hoa kèn hồng", tháng 1-2022. Ảnh: LÊ CÔNG SƠN |
Rõ ràng trong thời điểm đương đại, chúng ta sẽ thấy rõ văn học đang bị “mất giá”, bởi sự cạnh tranh quyết liệt của những loại hình nghệ thuật đa phương tiện, kỹ thuật số, hoặc có tính giải trí cao như điện ảnh, nhiếp ảnh, âm nhạc số, thời trang, kịch hài... Vị thế của văn chương trên thị trường nghệ thuật không còn được độc tôn như trước. Vị thế của nhà văn ngày nay so với đạo diễn điện ảnh, nhạc sĩ, nhà thiết kế thời trang hay thậm chí họa sĩ, kiến trúc sư, điêu khắc gia cũng khác trước rất nhiều. Có thể nói, văn học không còn đứng độc tôn ở trung tâm của đời sống văn nghệ nữa.
Ở thời điểm đương đại, chúng ta hãy so sánh sự quan tâm của độc giả đối với văn học và những bộ môn nghệ thuật khác ra sao. Truyện dài "Mắt biếc" của Nguyễn Nhật Ánh-“ông hoàng” best seller trong làng xuất bản sách văn học Việt Nam, qua 44 lần tái bản, cũng chỉ bán được hơn 200.000 bản. Nếu tính theo giá bìa niêm yết ở lần tái bản mới nhất là 110.000 đồng/bản, "Mắt biếc" có giá trị xấp xỉ 22 tỷ đồng (không tính chi phí chiết khấu, giảm giá). Xem ngang qua điện ảnh, bộ phim đứng đầu doanh thu là "Bố già" của Trấn Thành vừa đạo diễn vừa đóng chính (công chiếu năm 2021) có doanh thu lên đến 420 tỷ đồng. "Mắt biếc"-phim chuyển thể của đạo diễn Victor Vũ đứng vị trí thứ tư với 180 tỷ đồng. Ngay cả bộ phim nằm ở vị trí 39 là "Mỹ nhân kế" của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng cũng có doanh thu 52 tỷ đồng. Trên các sàn đấu giá tranh quốc tế, bức tranh của họa sĩ Việt Nam có giá mua cao nhất là 72 tỷ đồng (bức "Chân dung Madam Phương" của họa sĩ Mai Trung Thứ vẽ năm 1930).
Dĩ nhiên, những con số trên chỉ có ý nghĩa tham khảo, bởi giá trị đồng tiền chưa hẳn là thước đo chính xác cho vị thế nghệ thuật, cũng như tầm ảnh hưởng xã hội của tác phẩm. Tuy nhiên, có một thực tế khó chối cãi rằng, trong đời sống truyền thông đa phương tiện của nền văn minh 4.0, văn học truyền thống đã bị cạnh tranh dữ dội bởi các bộ môn nghệ thuật khác. Lợi thế của những bộ môn nghệ thuật đương đại như âm nhạc, điện ảnh là tính chất giải trí và khả năng chu chuyển trên nền tảng internet.
Rõ ràng điện ảnh đương đại với dày đặc những kỹ xảo tân kì, được tạo ra bởi nhiều phần mềm và các siêu máy tính, đã đưa người xem chìm đắm trong thế giới hư cấu, vượt xa khỏi những trải nghiệm hiện thực và trải nghiệm nghệ thuật truyền thống. Đó có thể là đàn khủng long hồi sinh ngoạn mục và chân thật trong "Công viên kỷ Jura", là thế giới vũ trụ huyền ảo trong "Avatar", là siêu cảnh con tàu khổng lồ chìm trong "Titanic", là cuộc chiến khốc liệt tầm vũ trụ trong "Avengers: End game"...
Những trải nghiệm thực tại ảo này, qua một cái nhìn hữu hình và đậm tính giải trí, rõ ràng văn học không thể cạnh tranh, bởi bản chất chất liệu nghệ thuật của văn học là ngôn từ-vốn siêu hình và gián tiếp trong biểu đạt thế giới. Hội họa, nhiếp ảnh, điêu khắc, hay thậm chí kiến trúc cũng có những lợi thế tương tự so với văn học, đó là cái nhìn hữu hình về thế giới, thông qua màu sắc, đường nét và mảng khối. Do đó, những bộ môn nghệ thuật này tỏ ra tường minh, trực quan hơn trong cái nhìn về thế giới, thời gian tiếp nhận ngắn, tức thời, cũng như đậm tính trang trí, bài trí trong thực tại. Người ta xem một bức tranh chỉ trong vài phút, nhưng đọc một quyển tiểu thuyết, hay thậm chí một truyện ngắn phải mất vài ngày. Dùng một tác phẩm điêu khắc để trang trí nội thất rất dễ dàng, song không mấy ai dùng sách để trang trí hay trưng bày cả. Cuộc sống hiện đại khiến thời gian tiếp nhận trở nên vô cùng quan trọng, bộ môn nào cần ít thời gian tiếp nhận hơn sẽ có lợi thế một cách tự nhiên.
Văn học dĩ nhiên có tính chất giải trí, song rõ ràng đó không phải là chức năng chính yếu, là lợi thế của văn học. Những tác phẩm, thể loại văn học đậm tính giải trí chưa bao giờ có một vị thế xứng đáng, được coi trọng trong lịch sử văn học, mà chỉ bị xem đó là bộ phận văn học ngoại biên, cận văn học, văn học thị trường. Văn học kinh dị, văn học trinh thám, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, thơ trào phúng, truyện tranh... đều nằm ở ngoại biên trong đời sống văn học. Không ai trong số những tác gia đại thụ của bộ phận văn học này như J.K.Rowling, Quỳnh Dao, Kim Dung, D.Brown, S.King, C.Doyle, T.Osamu, A.Christie... đoạt được một giải Nobel văn chương hay các giải thưởng văn học danh giá. Nếu như thế, rõ ràng văn học đã hoàn toàn thất thế trước âm nhạc (thị trường), hay sân khấu hài kịch vốn đậm tính chất giải trí, hài hước.
Khả năng chu chuyển của văn học trên nền tảng mạng cũng đặt ra nhiều vấn đề. Bởi ngoài lợi thế truy cập, chia sẻ nhanh chóng, không giới hạn, văn học được truyền tải trên mạng về cơ bản trong tiếp nhận và thưởng thức vẫn chưa khác nhiều so với văn học viết truyền thống. Về cơ bản, văn học vẫn sử dụng chất liệu nghệ thuật là ngôn ngữ viết, bạn đọc lần lượt đọc các kí tự trên màn hình tinh thể lỏng thay vì cách đọc trên giấy mấy chục nghìn năm qua. Ngược lại, điện ảnh, hội họa, âm nhạc, nhiếp ảnh, thời trang... tỏ ra thích ứng cực nhanh và tìm được một môi trường tiếp nhận, sáng tạo, trình diễn, quảng bá tối ưu trong thế giới mạng-thế giới ảo.
Chúng ta hãy xem điện ảnh thời kỳ trước khi có kỹ xảo điện ảnh (được tạo ra bởi máy tính) và sau này để so sánh, nhiếp ảnh kỹ thuật số với các phần mềm (app) chỉnh sửa so với nhiếp ảnh cơ dùng phim truyền thống, hoặc âm nhạc đĩa than với âm nhạc số MP3 trên internet... Một lịch sử mới, nền nghệ thuật mới tân kỳ đã ra đời với âm nhạc, nhiếp ảnh, điện ảnh từ khi có internet, các phần mềm máy tính. Tình hình này xem xét từ góc độ văn học trở nên chậm chạp hơn và cũng thiếu những đột phá cần thiết.
Ưu thế, giá trị của văn học không dễ dàng thay thế
Song, xét cho cùng, văn học vẫn có vị thế riêng trong đời sống tinh thần nhân loại mà khó có bộ môn nghệ thuật nào có thể thay thế. Quan trọng hơn, tôi thấy được những chuyển mình gần đây rất đáng chú ý của văn học, thích ứng với những vấn đề đương đại đặt ra, như tính giải trí, tính đa phương tiện, tính tiếp nhận tức thời, cái nhìn hữu hình, khả năng tương tác với bạn đọc... Ở đây, trong khuôn khổ của bài viết, chỉ xin nhấn mạnh hai vấn đề.
Thứ nhất, chất liệu của văn học là ngôn ngữ, mà “ngôn ngữ là hiện thực trực tiếp của tư duy” (K.Marx). Chính vì thế, văn học có ưu thế tối quan trọng so với các bộ môn nghệ thuật khác, bởi vì chất liệu của văn học đồng thời là chất liệu của tư duy/tư tưởng. Các bộ môn nghệ thuật khác không thiếu tính tư tưởng, nhưng rõ ràng không lợi thế bằng văn học trong việc tái hiện, đào sâu những triết thuyết, biểu đạt triết lý, hay truyền tải giá trị văn hóa, lịch sử.
Những bộ môn nghệ thuật có cái nhìn hữu hình, biểu đạt thông qua đường nét, âm thanh, màu sắc mạnh về tính giải trí, ứng dụng, song giới hạn về chiều sâu triết lý. Nhìn nhận ở một góc độ khác, tiếp nhận văn học dù không tạo những cảm xúc tức thì nhưng cũng không đòi hỏi một tầm đón nhận cao, phức tạp như khi ta thưởng lãm nhạc giao hưởng, vũ kịch ba lê hay hội họa trừu tượng, siêu thực. Những tác phẩm văn học kinh điển nhất cỡ "Chiến tranh và hòa bình", "Tội ác và hình phạt", "Những người khốn khổ", "Tấn trò đời", "Hồng lâu mộng"... hay gần đây là "Trăm năm cô đơn", "Tên tôi là Đỏ", "Cái trống thiếc"... về cơ bản vẫn dễ dàng tiếp cận với đa phần bạn đọc. Việc phát hành, sao chuyển, phân phối tác phẩm văn học cũng không đòi hỏi những điều kiện kỹ thuật phức tạp như điện ảnh, nhiếp ảnh. Tác phẩm văn học về cơ bản vẫn chỉ là sách, và chỉ cần có máy in thông thường để nhân bản hoặc dễ dàng đọc qua màn hình máy tính.
Thứ hai, những chuyển mình để thích nghi của văn học gần đây đối với nền văn minh số/mạng, đặc biệt là sự ra đời của bộ phận văn học mạng (bộ phận văn học hoàn toàn được viết và đọc trên mạng) cho thấy một tương lai đầy hứa hẹn. Văn học viết truyền thống trở nên ngắn gọn hơn, quan tâm tới thị hiếu bạn đọc hơn, với tính giải trí được tăng cường. Văn học mạng thì được viết, chu chuyển, đọc hoàn toàn trên nền tảng mạng. Văn bản văn học mạng trở thành siêu văn bản với những file âm thanh, hình ảnh, link nối kết website, địa chỉ email... Bạn đọc được phép tương tác qua những comment, được trò chuyện trực tiếp với tác giả. Văn bản được viết trong tinh thần của đối thoại và tương tác.
Như vậy, tương lai của văn học rõ ràng là một tương lai khác những gì chúng ta chứng kiến ngày hôm qua và ngày hôm nay. Song rõ ràng, những ai bi quan về sự mất giá của văn học không cần phải quá lo lắng. Nền văn minh kỹ trị sẽ thay đổi nền văn học truyền thống, nhưng ngược lại, người ta vẫn cần và vẫn đọc văn học trong ngày mai và cả ngày sau nữa.
TS PHAN TUẤN ANH