Xe chạy gần hai tiếng đồng hồ từ Hà Nội mới về tới bến xe Nam Định. Theo chỉ dẫn của một người quen, tôi gọi taxi về Quảng trường 3-2, thành phố Nam Định. Gần trưa, trời vẫn không chút nắng, tượng Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn uy nghiêm, lồng lộng giữa nền trời xanh thắm. Tay phải ngài cầm cuốn thư, tay trái đặt lên đốc kiếm trong tư thế tự vệ, dáng vẻ toát lên 4 chữ: Văn-trí-võ-nhân. Là một người lính, mỗi lần tìm đến cuốn sách nào đó về cuộc đời, sự nghiệp, đặc biệt là đọc những trước tác mà Hưng Đạo Đại vương để lại cho hậu thế, lòng tôi không khỏi tự hào, xúc động. “Hịch tướng sĩ” từ thuở học trò say sưa nghe thầy giảng đã nhiều lần rộn rã trong những bước tôi đi, hôm nay lại như vang vọng khắp quảng trường này. Ngước lên nhìn ngắm tượng, tôi như nghe được tiếng Trần Quốc Tuấn trầm ấm vọng lại từ ngàn xưa: Khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc, đó là thượng sách giữ nước muôn đời vậy. Lời nói-tư tưởng ấy khiến tôi càng thêm ngưỡng mộ, kính phục trí tuệ siêu việt và tấm lòng bao la như trời bể của Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn, vị anh hùng dân tộc sáng danh muôn thuở.

leftcenterrightdel
Quang cảnh Quảng trường 3-2, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định. Ảnh: Trương Công Hiệp 

Cách tượng Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn không xa là mộ phần cụ Tú Xương (nhà thơ Trần Tế Xương). Mộ nằm giữa vườn cây trong công viên Vị Xuyên, những bóng cây che rủ làm không gian quanh ngôi mộ thêm tĩnh lặng. Vài ngọn gió hiu hiu từ phía hồ thổi lại làm xào xạc những chiếc lá dưới lối đi. Tôi đặt lễ, thắp hương rồi tưới rượu mời cụ, tưởng nhớ về một người tài hoa phận bạc, một nỗi lòng đau đáu thế nhân, giễu cợt đấy, chua cay đấy mà buốt nhói thấu tâm can. Tôi hình dung ra hơn trăm năm về trước, không xa nơi này, trong một căn nhà nhỏ, giữa đêm thanh vắng, người văn nhân họ Trần ấy, trước ánh đèn leo lét đã bao lần tự vấn, hỏi người, hỏi đời. Một câu hỏi mà mấy chục năm sau, khi cả dân tộc ta “rũ bùn đứng dậy” giành độc lập mới có câu trả lời, đó là tự do, hạnh phúc; là nhân ái, khoan dung; là mỗi con người, dù nhỏ bé nhường nào cũng được ngẩng cao đầu dưới ánh mặt trời.

“Vẳng nghe tiếng ếch bên tai/ Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò”, câu thơ thuộc hàng kinh điển, xuất sắc của nền thi ca Việt Nam được khắc trang trọng trên bia mộ nhà thơ hẳn còn khiến ta giật mình thảng thốt về những biến cải trong cõi nhân gian. “Kìa ai chín suối xương không nát/ Có lẽ nghìn thu tiếng vẫn còn”. Phần phía sau của ngôi mộ được khắc câu thơ này. Cụ Tam Nguyên Yên Đổ đã khóc như vậy khi tiễn cụ Tú Xương rời cõi thế. Hai con người tài kiệt, hai số phận khác nhau, xét về tuổi tác, cụ Tam Nguyên đáng tuổi cha chú cụ Tú, nhưng những bậc tài hoa, những tư tưởng lớn ở đời thường tìm đến nhau để thấu cảm, sẻ chia và cùng tỏa sáng.

Vái biệt cụ Tú, tôi đi ra phía hồ Vị Xuyên, dấu tích còn sót lại của con sông Vị Hoàng đã đi vào bài thơ “Sông lấp”, “Thương vợ” bất hủ. Theo một nguồn sử liệu, Vị Hoàng được đào từ đời nhà Trần, là gạch nối giữa sông Đáy và sông Vĩnh Tế, uốn lượn quanh phủ Thiên Trường. Đến đời Vua Minh Mạng, do sông Vị Hoàng chảy xiết gây xói lở phía Đông Bắc thành Vị Hoàng nên đã được triều đình nhà Nguyễn cho địa phương đào một con sông mới có tên là sông Đào để giảm lượng nước từ kênh Phù Long đến bến đò Lương Xá, tách làng Vị Hoàng thành hai làng Vị Hoàng và Vị Khê. Do lượng nước ít, phù sa bồi đắp nên sông Vị Hoàng đã biến mất cùng năm tháng. Đến thập niên 1930, một phần làng Đồng Khoái được đào thành hồ như ngày nay. Tôi ngắm hồ, những bóng cây soi xuống làm cho hồ thêm sâu ngút. Bất ngờ, một màn mưa phùn bay xuống, mặt hồ như được phủ một lớp khói sương mờ ảo.

Trước ngày về thành Nam, tôi có hẹn với một người chị văn chương. Chị nói sẽ dẫn tôi đi thăm một số danh thắng của vùng quê chị mà còn ít người biết tới. Chị là một người con luôn tự hào, kiêu hãnh về quê hương, yêu cháy lòng với vùng đất chôn nhau cắt rốn. Miền đất, miền người gắn bó với ấu thơ, với những tháng ngày yêu sống trong ngôi nhà hạnh phúc để dạy đám trẻ và mê đắm với văn chương chữ nghĩa đã đi vào biết bao trang văn đẹp của chị như một mạch nước ngầm tự nhiên, trong mát. Tôi lang thang trong những con phố nhỏ để tìm hình bóng của những phố cổ sầm uất xa xưa. Thành phố này đã hơn 700 tuổi, trải qua bao di biến, thăng trầm.

Nếu Thăng Long-Hà Nội có 36 phố phường thì thành Nam có đến 40 phố mang tên những mặt hàng được bày bán trên phố đó. Này là phố Hàng Cót, Hàng Nâu, Hàng Bát, Hàng Mâm, Hàng Song... Này là Hàng Nón, Hàng Khay, Hàng Quỳ, Hàng Tiện... Này đây Hàng Mành, Hàng Thùng, Hàng Giấy, Hàng Cầm... “Ai chưa qua thử chợ Rồng/ Biết thành Nam vẫn là không biết gì”. Tôi theo câu ca dao xưa mà về chợ Rồng để ngắm cái rộn ràng, tấp nập của mùa xuân trong khu chợ. Người ta ví không ngoa, chợ Rồng là chợ Đồng Xuân của Nam Định. Với 3 tầng, tổng diện tích sàn 10.000m2, gần 100 ki-ốt và khoảng 1.500 sạp hàng, chợ Rồng quả là một siêu chợ. Tôi như lạc vào mê cung khi mất khá nhiều thời gian để khám phá cả 3 tầng chợ. Ghé vào một quán bánh cuốn làng Kênh nức tiếng trên con phố không xa chợ Rồng, tôi được bà chủ đon đả giới thiệu về thứ đặc sản quê hương với niềm tự hào hiện rõ trên gương mặt phúc hậu. Thực là tôi chẳng nhớ hết lời bà, chỉ nhớ rằng bánh cuốn làng Kênh như một mỹ nhân khó tính, phải “chăm sóc” tận tâm mới toát lên hương-sắc-vị. Bánh phải có màu trắng như bông tuyết, mềm mượt như nhung nhưng lại không nhão; thoảng thơm hương lúa, gạo đồng; vị béo ngậy mà không ngấy của mộc nhĩ, hành phi; vị chua thanh giọt chanh quê; chút ngọt nhẹ của đường quyện với nước mắm cốt độ đạm cao dần dâng lên hương biển.

Đầu chiều, chưa kịp gọi điện cho người chị theo lịch hẹn thì chị gọi đến. Chị cứ xuýt xoa xin lỗi vì phải về quê chồng bên Ninh Bình có việc gấp nên đành lỗi hẹn với tôi. Có một chút hụt hẫng trong lòng, bởi cuộc đi này tôi muốn gặp chị để được nghe chị kể về hành trình đến với chữ nghĩa, cả bí thuật ủ những loại rượu nức tiếng đã từ đời thực đi vào văn chương của chị. Hoàng Hoa tửu, Hồng Hoa tửu, Di Hương tửu, Vò Di tửu, Tuyết Mai tửu, Son tửu... Chị có niềm đam mê với việc ủ những loại mỹ tửu như đắm say với từng con chữ. Chị bảo, chị thấy lòng mình như có mùa xuân đang chín mỗi khi tặng người thân, bạn bè một vò rượu quý. Chính tôi cũng từng được chị gửi tặng đôi vò Hồng Hoa tửu. Rượu của chị, tôi dành để đối ẩm với vài người bạn tâm giao trong mỗi dịp xuân, thu. Một văn nhân, bạn tôi, sau khi nhấp một chén mỹ tửu đã trầm trồ: “Chỉ một chén Hồng Hoa tửu của nữ sĩ họ Lê mà như được thưởng thức cả cánh đồng lúa nếp cái hoa vàng đang trổ đòng và một vườn mai khôi vào kỳ mãn khai”.

Từ thành phố Nam Định, tôi sang Mỹ Lộc rồi về Hải Hậu. Những cánh đồng lúa đã bén rễ lên xanh, rì rào trong gió nhẹ. Gạo, rượu, bánh... các sản vật, sản phẩm nức tiếng của người Nam Định tỏa đi khắp muôn nơi là từ những cánh đồng này. Thôn quê và những cánh đồng nối tiếp, trải dài làm cho nền trời như cao hơn, khoáng đạt. Mọi thứ đều vụt hiện, vụt qua cửa kính. Gần một tiếng đồng hồ sau, tôi đã đến biển. Gió lồng lộng, thổi tung những con sóng, mang hơi nước se lạnh vào bờ. Nhà thờ đổ Hải Lý hoang sơ, điêu tàn hiện ra trước mắt. Tôi ào đến chân tháp chuông trong niềm thích thú khó tả. Nó đây rồi, như trong những bức ảnh tôi thấy, như những gì tôi đã đưa vào một truyện ngắn khi chưa đến nơi này. Trời khá lạnh, lại có một chút mưa nên bãi biển vắng người, chỉ tôi mê mẩn ngắm nhìn và chứng tích hoang phế thì lặng câm trước đất trời sóng gió.  

Tôi bước ra bờ cát, chân trời hun hút phía xa. Tôi nghe trong tiếng thì thào của biển có những điều muôn năm cũ vọng về...

Tùy bút của QUANG MINH

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.