Miền văn hóa đặc sắc

Ba Vì cách trung tâm thành phố không xa nhưng là vùng đất hoàn toàn khác biệt. Nếu trung tâm Hà Nội là những con phố tấp nập và ồn ào xe cộ thì Ba Vì lại mang trong mình vẻ đẹp hoang sơ, trong lành. Nếu trung tâm là vùng đất kinh kỳ “chẳng thơm cũng thể hoa nhài” thì Ba Vì lại mang vẻ đẹp của văn hóa Mường, Dao đầy bản sắc, tạo nên sự phong phú, đa dạng cho Thủ đô nghìn năm văn hiến.

Đón chúng tôi tại Ba Vì là những người dân tộc Mường xã Vân Hòa với trang phục truyền thống cùng tiếng cồng, tiếng chiêng ngân nga đón khách, kể chuyện những người con đất Mường. Nghệ nhân văn hóa dân gian Bùi Thị Tứ, Phó trưởng ban Bảo tồn văn hóa Mường xã Vân Hòa, chia sẻ: “Với người Mường, chiêng không đơn thuần là một loại nhạc cụ mà còn là hồn cốt văn hóa, là câu chuyện tâm linh được thể hiện qua 12 âm sắc dân tộc, là di sản văn hóa phi vật thể có sức sống mãnh liệt nhờ được chính cộng đồng sản sinh ra nó gìn giữ. Chiêng Mường còn có sức hấp dẫn đặc biệt, là sợi dây văn hóa vô hình kết nối những giá trị tốt đẹp của người Mường. Vì thế, người Mường thì phải biết đánh chiêng Mường”.

Bà Bùi Thị Ninh (thứ hai, từ trái sang) giới thiệu với du khách về phong tục cưới hỏi của dân tộc Mường. 

 

Miệng ngân nga bài hát quê hương, bà Bùi Thị Ninh kể cho chúng tôi nghe về những câu chuyện tình của người con xứ Mường. “Khi thành đôi, tổ chức lễ cưới, con dâu Mường phải mang về nhà chồng gối 9 mặt, đôi chăn gối phần bố mẹ chồng, 2 đôi guốc mộc, áo trắng đai lưng xanh, đeo xà tích. Đặc biệt, cô dâu phải luôn nhớ mang theo chiếc túi nhỏ có 1 nắm cơm, 1 cái kéo, 1 con dao và 1 âu thịt, bởi theo phong tục, đây là bữa ăn của cô trong ngày đầu về nhà chồng”, bà Bùi Thị Ninh giải thích cho chúng tôi về phong tục trong ngày cưới của người con gái Mường.

Không chỉ phong tục cưới hỏi, cồng chiêng, các loại bánh của người Mường ở Ba Vì cũng rất phong phú, từ bánh uôi là hai phần bánh nối liền nhau thể hiện hạnh phúc lứa đôi, luôn có đôi có cặp, bánh ốc với 3 cạnh thể hiện tam đại đồng đường đến bánh kiến, bánh sắn... Họ còn giữ nếp nhà sàn, trang phục, ngôn ngữ, mo Mường, các làn điệu hát ví, các trò chơi dân gian, những đồ vật phục vụ cấy cày sàng sảy...

Cải thiện sản phẩm du lịch

Ba Vì từ lâu đã nổi tiếng với các sản phẩm du lịch sinh thái, tâm linh. Tuy nhiên, những người yêu mảnh đất và những nét văn hóa đặc trưng vẫn mong muốn khai thác đa dạng hơn những thế mạnh du lịch nơi đây. Mời chúng tôi trải nghiệm khu du lịch với nhiều sản phẩm mới, chị Phạm Thu Trang, chủ homestay Thảo Mộc Riverside bày tỏ mong muốn khai thác sản phẩm du lịch chữa bệnh của người Dao ở Ba Vì theo hướng chuyên sâu hơn. “Từ bao đời nay, người Dao ở Ba Vì nổi tiếng với những bài thuốc Nam gia truyền. Hầu hết những hộ dân người Dao đều tham gia vào các hợp tác xã chuyên sản xuất và kinh doanh thuốc Nam. Tuy nhiên, bên cạnh giới thiệu các sản phẩm thuốc lá của đồng bào, ở đây chúng tôi đang triển khai khai thác thêm các sản phẩm chữa bệnh của người Dao, hướng dẫn yoga, tắm thuốc lá... Ngoài ra, chúng tôi cũng mời cả những người Dao có kinh nghiệm đến nói chuyện với du khách về các loại thuốc lá của dân tộc mình”, chị Phạm Thu Trang chia sẻ.

Một trải nghiệm mới khác cũng được khá nhiều du khách thích thú khám phá ở Ba Vì là vẽ trứng đà điểu. Ý tưởng này xuất phát từ việc những năm gần đây, ngoài bò, dê, Ba Vì đã trở thành một trong những địa phương tiên phong đưa giống đà điểu vào chăn nuôi. Nhờ điều kiện tự nhiên thuận lợi, Ba Vì trở thành “thủ phủ” đà điểu ở miền Bắc. Thịt đà điểu có giá trị dinh dưỡng cao, mềm, ngọt tự nhiên, được các homestay quanh khu vực sử dụng như món đặc sản để mời du khách. Không chỉ thịt, trứng đà điểu cũng là món ngon được ưa thích. Lâu nay, vỏ trứng là phế phẩm bỏ đi cũng được một vài homestay tại Ba Vì tận dụng để du khách trải nghiệm vẽ tranh, trở thành hoạt động giải trí mang tính giáo dục cao, vì thế được nhiều khách yêu nghệ thuật, mong muốn khám phá những trải nghiệm mới lạ và các gia đình có trẻ nhỏ yêu thích. Họa sĩ Nguyễn Kim Hoàn hướng dẫn chúng tôi cách lấy màu, pha nước, nghĩ ý tưởng cho mỗi quả trứng đà điểu của mình. Anh Hoàn nói: “Quá trình vẽ không đòi hỏi kỹ năng hội họa chuyên nghiệp nhưng các bạn cần lưu ý màu trứng, chất liệu trơn hơn giấy vẽ thông thường nên cần chút tỉ mỉ và lòng đam mê. Quan trọng nhất là mỗi người hãy suy nghĩ về ý tưởng trước khi bắt tay vào cầm bút để có những tác phẩm nghệ thuật mang đậm dấu ấn cá nhân ưng ý”.

Bài và ảnh: SÁU TÂM

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.