Ngồi trên xe men theo những cung đường uốn lượn, tiếng nhạc bỗng vang lên nhè nhẹ: “Chiều chiều người em gái vẫn đi trên thảo nguyên xanh/ Gùi từng bầu nước mát tới chàng trai yêu/ Em vui như chim hót trên cao nguyên bao la/ Em như con suối xanh trong, ồ lêu ồ lêu...”. Lời ca của người nhạc sĩ tài hoa Trần Tiến khéo vẽ cảnh cao nguyên đẹp như nhạc như thơ.

Nói đến từ “lắc”, trong tôi đã chờn vờn điều gì đó xa lắc xa lơ. Đã vậy, giữa cao nguyên đại ngàn “có cái nắng, có cái gió, có nỗi nhớ không mang tên” thì điều đó càng gợi thêm cảm giác vời vợi, huyền hoặc như thuở hồng hoang con người hòa lẫn vào thiên nhiên hoang sơ, kỳ vĩ. Sớm nay, ngược cái ồn ào nơi phố thị, tôi về với đại ngàn cao nguyên, để nghe cây rừng lá biếc, gió vút non cao, sóng vỗ mặt hồ thầm thì kể chuyện.

leftcenterrightdel

 Xuồng máy đưa khách tham quan hồ Lắk. Ảnh: THƯỜNG LỢI

Cùng đoàn công tác đi trên chuyến xe khách, chị Nguyễn Thị Ánh Trúc, chuyên viên Văn phòng Huyện ủy Lắk bật mí: “Cảnh sắc hồ Lắk được ví như nàng công chúa ngủ trong rừng, cứ đến đó sẽ có nhiều điều thú vị để khám phá”. Chỉ khoảng một giờ đồng hồ từ thủ phủ Buôn Mê Thuột, xe đã về đến huyện Lắk. Đường chạy êm ru. Cả đoàn khách ngỡ ngàng reo lên khi nhìn qua vuông cửa kính.

Ôi chao! Màu xanh ngút ngàn. Những thung lũng lúa lượn sóng mềm như lụa chạy đến tận chân đồi. Thật không ngờ trên cao nguyên vẫn có những vựa lúa rộng đến vậy. Trên dải đường xanh, những con bò vàng đủng đỉnh nối hàng. Phía sau là các em nhỏ tóc rối ngang vai đi ngược nắng mai chăn dắt đàn bò.

Về đất cao nguyên vời vợi như miền xa thẳm, tôi nhớ tới một đồng đội cùng thời học viên sĩ quan. Cậu tên Kling, có dáng người thấp nhỏ, nước da đen bóng, đôi bàn chân tõe ra. Nhà Kling nghèo lắm. Cái nghèo hằn in trên đôi chân ngày thơ bé đã rạc dài qua bao nương sắn, sườn đồi. Cái đói chất chứa trong đôi mắt sâu là những lặng lẽ xa xăm. Nhờ có Đảng, có Quân đội, Kling được cử tuyển đi học. Tuổi đôi mươi, Kling trở thành đảng viên, ra trường về Tây Nguyên công tác. Lần nào gọi điện, cậu cũng hồn hậu nhiệt thành mời đồng đội về thăm mảnh đất đỏ bazan.

Cứ miên man nghĩ đến cảnh, đến người mà đâu hay xe đã vòng vào những cung đường xanh để ngược lên miền tiên cảnh. Khen cảnh sắc nơi đây đẹp như thế cũng không có gì là quá. Chẳng thế mà vị vua Bảo Đại có tiếng chịu chơi đã cất công tìm về vùng đất này để vui thú săn bắn và xây biệt điện. Villa Bảo Đại nằm trên đỉnh đồi cao hơn 400m. Khi chúng tôi lên thì đường đã được trải nhựa uốn quanh sườn đồi, hai bên cây rừng tỏa bóng. Cứ mường tượng vào đầu những năm 1950, non cao rừng thẳm hẳn là hoang sơ, kỳ bí lắm.

Tiếng chị Hlen, người Mnông, là nhân viên duy nhất phục vụ ở Villa Bảo Đại rì rầm kể chuyện: “Với con mắt tinh đời, vua Bảo Đại đã cất công chọn địa điểm này xây dinh thự để có thể nhìn trọn cảnh sắc hồ Lắk như ngắm nàng công chúa đang mơ màng trong giấc chiêm bao. Khu biệt điện 3 tầng được xây theo kiến trúc hiện đại. Nghe nói chính bà Nam Phương hoàng hậu là người giám sát việc xây dựng và trả công”.

Bước vào những gian phòng, ngắm nhìn bức ảnh và các hiện vật còn lại cũng đủ hình dung ra cuộc sống vương giả giữa miền sơn cước. Phòng nghỉ trải đệm phẳng lỳ, có phòng dự tiệc, có dấu tích lò sưởi. Rồi cả những cuộn dây chão săn bắt voi. Tất cả để phục vụ thú vui tiêu dao của vị vua cuối cùng triều Nguyễn. Giờ đây biệt điện trở thành địa điểm tham quan nghỉ dưỡng của du khách. Chi khoảng 500 nghìn đồng cho một phòng, khách có thể nghỉ qua một đêm để thử cảm giác làm “vua”. Đứng trên cao, hương hoa đại trắng lan theo gió thoảng thơm dìu dịu như gợi về cái thuở vàng son, đài các của vị vua và hoàng hậu từng ngự ở nơi này.

Từ đỉnh đồi vòng xuống là cung đường Âu Cơ lượn quanh hồ Lắk. Những khóm hoa giấy, sim rừng, ngũ sắc đung đưa trong nắng. Thấp thoáng bóng người lặng lẽ vun trồng từng gốc cây, dựng giàn hoa giấy thả dáng soi bóng mặt hồ. Được biết, con đường nằm trong dự án phát triển du lịch hồ Lắk. Đúng là thiên tạo khéo vẽ ban cho cao nguyên lộng gió hồ nước ngọt lớn nhất Tây Nguyên và cũng là hồ lớn thứ hai của cả nước (chỉ sau hồ Ba Bể).

Nằm ven hồ Lắk là buôn Jun, buôn Lê (thị trấn Liên Sơn, huyện Lắk) với những mái nhà vút cao như mác như chông ngạo nghễ giữa đất trời. Người dân đa phần là đồng bào dân tộc Mnông thật thà chất phác, gặp khách là nở nụ cười hiền khô lấp lánh ánh nắng hè.

Ngồi bên nếp nhà với những kèo cột ngấm bao mưa nắng, chị Hnâu Kmăn, ở buôn Lê, rì rầm kể chuyện. Ấy là sau cuộc chiến giữa thần lửa và thần nước, cậu bé người Mnông tên là Y Lắk đã bắt được một con lươn nhỏ và đưa về nhà nuôi. Kỳ lạ thay, lươn lớn nhanh như thổi và chẳng bao lâu vũng nước nuôi lươn đã trở thành một vùng hồ rộng lớn.

Người Mnông từ đó gọi hồ nước này là “Đắk của Lắk”, nghĩa là nước của Y Lắk hay chính là hồ Lắk ngày nay. Người bản địa gắn bó với lòng hồ. Họ đánh bắt cá. Họ dẫn nước về những sông, rạch tắm mát cánh đồng, làm nên vựa lúa ngút ngàn. Và nay, đồng bào làm thêm dịch vụ đưa khách tham quan bằng xuồng máy trên lòng hồ.

Giữa buôn Lê, những nếp nhà nối tiếp nhau ấm áp, trên cao nắng tỏa lung linh, mây trắng xô nhau như đàn ngựa bạch phi lên đỉnh núi. Hôm chúng tôi đến, anh Klong kéo vào buôn cùng ngồi quây lại uống chung ché rượu cần. Về cao nguyên để hưởng cái nồng ấm của rượu, cái bập bùng của lửa, cái rộn ràng của cồng chiêng.

Khi đã đắm say cả đất trời thì lòng người thêm rạo rực, như lửa được khơi lên, bùng cháy trong tim. Em gái Hsadi Rabing tạm quên cái thẹn thùng, nắm tay mọi người kéo vào vòng tròn cùng nhịp múa xoang quanh cây nêu. Những vũ điệu trong tiếng cồng chiêng ngân vang tưởng như kéo dài bất tận như những áng sử thi hào hùng kể suốt từ đêm này sang đêm khác.  

Mặc những rộn ràng, những ngất ngây, dưới bóng cây, con voi vẫn lặng lẽ cuốn lấy những quả chuối được vị khách phương xa cho ăn. Con người và động vật hoang dã chung sống với nhau thiện lành. Cái bình yên ấy có đến tận nơi này mới cảm nhận được. Bên hồ, tiếng khua chèo nhè nhẹ từ chiếc thuyền độc mộc cũng không làm xao động đàn chim bay giữa tầng không.

Cảnh sắc hồ Lắk đẹp mơ màng như chất chứa trong đó bao chuyện huyền hoặc. Ngoài xa, hồ vẫn mênh mang để trời cao soi bóng dung nhan và gió vẫn thì thầm những chuyện kể ngàn năm chưa bao giờ cũ.

Ghi chép của ĐỨC NAM

 * Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.