Một cộng đồng dân tộc chứa đựng nhiều giá trị văn hóa đặc sắc
Dân tộc Chăm ở tỉnh Phú Yên hiện có hơn 23.000 người. Trải qua quá trình lịch sử, cộng đồng dân tộc Chăm ở Phú Yên đã sáng tạo và lưu giữ được nhiều giá trị văn hóa đặc sắc; trong đó, tiêu biểu nhất là di tích kiến trúc nghệ thuật Tháp Nhạn niên đại thế kỷ 11 (TP Tuy Hòa) được xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt.Những năm qua, đồng bào dân tộc Chăm luôn phát huy tinh thần đoàn kết, yêu nước, thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; ra sức phát triển kinh tế, giữ gìn bản sắc văn hóa, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, cùng nhân dân các dân tộc trong tỉnh xây dựng, phát triển địa phương ngày càng giàu đẹp.
Theo sử sách riêng, đồng bào Chăm có khoảng 200 nghi lễ khác nhau. Trong các nghi lễ của người Chăm, lớn nhất có 3 nghi lễ, gồm: Lễ múa lớn, lễ đám tang và lễ tế trâu. Ngoài các nghi lễ trên, mỗi năm, dân tộc Chăm còn có các lễ cúng tại tháp, gồm: Lễ hội Katê, lễ cúng nữ thần và lễ mở cửa tháp... Trong đời sống tín ngưỡng của đồng bào Chăm, “thần Yàng” đóng vai trò quan trọng. Hiện nay, đồng bào dân tộc Chăm ở Ninh Thuận duy trì khoảng 30 nghi lễ; trong đó, một số nghi lễ đã có đổi thay về cách hành lễ, nhưng vẫn giữ được giá trị cốt lõi của bản sắc văn hóa...
 |
Tiết mục nghệ thuật múa của đồng bào dân tộc Chăm tại lễ khai mạc Ngày hội. |
Trong cộng đồng 54 dân tộc anh em ở nước ta, dân tộc Chăm đã góp phần tạo nên một sắc màu văn hóa độc đáo trong bức tranh đa dạng và thống nhất của văn hóa Việt Nam. Từ nghệ thuật, kiến trúc, âm nhạc đến nghệ thuật múa hát, văn hóa dân tộc Chăm đã hiện diện và phản ánh sức sáng tạo phong phú, nét tài hoa và óc thẩm mỹ tinh tế. Nghệ sĩ Nhân dân Đặng Hùng cho rằng: “Văn hóa nghệ thuật dân tộc được xây dựng trên cơ sở tư tưởng nhân đạo, dân chủ, yêu chính nghĩa, yêu thiên nhiên, yêu lao động, yêu nhân dân, Tổ quốc. Nó là bộ phận tiến bộ nhất, tốt đẹp nhất, tinh hoa nhất của nghệ thuật truyền thống dân tộc. Văn hóa dân tộc Chăm đã lan tỏa đến cuộc sống muôn nơi, tô điểm vào sắc màu của kho tàng di sản văn hóa Việt Nam”.
Tiếp nối gìn giữ và phát triển văn hóa
Tham dự “Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch đồng bào dân tộc Chăm lần thứ V” được tổ chức tại Phú Yên, nhiều du khách đặc biệt quan tâm đến gian trưng bày của đồng bào dân tộc Chăm tỉnh An Giang, với bộ giường cưới, lộng rước cô dâu và bộ trang phục lễ cưới nhiều màu sắc. Thoạt nhìn du khách cho rằng đó chỉ là những diễn viên, nhưng hỏi mới biết đó là chàng trai Mad Aly và cô gái Rọ Thị Dah (xã Phong Châu, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang), hai người yêu nhau đến độ chín muồi, gia đình nhà trai đã làm lễ “dứt lời” tức là khẳng định mọi việc đã được thống nhất. Biết được thông tin ấy, Trung tâm Văn hóa tỉnh An Giang mời họ dự ngày hội. Được hỏi về việc chuẩn bị cho ngày cưới của mình, Mad Aly tự hào: “Ngày cưới là ngày trọng đại, chúng em đều mong muốn được cưới theo phong tục, nghi lễ của đồng bào Chăm vì đó là vẻ đẹp văn hóa của dân tộc mình". Còn cô dâu Rọ Thị Dah đang mong đợi ngày được mặc áo dài nhung màu đỏ pha tím, dài đến gối không xẻ hông, kèm theo là chiếc xà rông trắng với hoa văn, tóc và hai tai đều cài hoa, trâm cài đầu và trang sức vòng vàng, kiềng, nhẫn, xuyến để về nhà Mad Aly...
Trò chuyện với chúng tôi, ông So Xuân Hoàng, Trưởng thôn Hà Rai, xã Xuân Lãnh (Đồng Xuân, Phú Yên), nơi có gần 270 hộ, với gần 850 khẩu đều là người dân tộc Chăm, cho biết: "Ở đây, người Chăm trân trọng từng nghi lễ, gìn giữ phát triển nghề dệt. Người dân rất coi trọng các nghi lễ, như: Lễ hội trống đôi cồng 3 chiêng 5, cúng mừng sức khỏe, cúng mừng lúa mới, cầu mùa... Từ bao đời nay, người Chăm ở Xuân Lãnh luôn giàu nghị lực vươn lên thoát nghèo, toàn dân một lòng đoàn kết, có ý thức truyền nối, gìn giữ văn hóa của dân tộc mình. Văn hóa Chăm luôn hiện diện vào mọi sinh hoạt nghi lễ, nếp sống của bà con nơi đây”.
Theo ông Phan Đình Phùng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên: Giá trị di sản độc đáo của đồng bào dân tộc Chăm nằm trong sự thống nhất và đa dạng của nền văn hóa đậm đà bản sắc của dân tộc Việt Nam. Người dân tộc Chăm tại Phú Yên nói riêng và các địa phương nói chung luôn nặng lòng yêu quê hương, yêu Tổ quốc, tính tự lực và đoàn kết cao, khoan dung và nhân ái... Văn hóa của đồng bào dân tộc Chăm khẳng định một sắc màu trong sự phong phú kho tàng di sản văn hóa của dân tộc Việt Nam.
NGUYỄN VĂN HẠNH