Các đại biểu dự Chương trình nghệ thuật.

Đến dự Chương trình có các đồng chí: Hà Đăng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Trưởng Ban Tư tưởng- Văn hóa Trung ương; Thượng tướng, Viện sĩ, Anh hùng LLVTND Nguyễn Huy Hiệu, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Trung tướng Đỗ Căn, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam; Trung tướng Lê Văn Hân, nguyên Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam, Chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam; Hồ Quang Lợi, Phó chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam; Thiếu tướng Phạm Văn Huấn, Bí thư Đảng ủy, Tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân, Trưởng ban Tổ chức Chương trình nghệ thuật;  Chương trình được truyền hình trực tiếp trên Đài Phát thanh-Truyền hình Hà Nội.

“...Thề cứu lấy nước nhà. Thề hy sinh đến cùng. Cầm gươm ôm súng xông tới...” (Giải phóng miền Nam); “...Lướt qua nắng mưa súng bom nhịp chân đi/ Quê hương kêu gọi tiến lên diệt quân Mỹ! Tiến về Sài Gòn ta quét sạch giặc thù/ Hướng về đồng bằng ta tiến về thành đô!...” (Tiến về Sài Gòn) Cờ sao đang tung bay cao/Qua hết rồi những năm thương đau/ Xa ba mươi năm nay đã gặp nhau/ Vui sao nước mắt lại trào...” (Mùa Xuân trên Thành phố Hồ Chí Minh)... Những nhạc phẩm mở đầu Chương trình Nghệ thuật, với ca từ, giai điệu, từ chất chứa khát vọng độc lập, hòa bình, đến hừng hực khí thế quật khởi tiến công, để rồi vỡ òa niềm vui trong Ngày thống nhất. Người xem như được hòa mình vào thời khắc thiêng liêng của cả dân tộc trong Ngày 30-4-1975 lịch sử.

Nhạc phẩm Mùa xuân trên Thành phố Hồ Chí Minh - sáng tác: Xuân Hồng, biểu diễn: Tốp ca nam nữ và tốp múa Nhà hát CMNQĐ. 

Sài Gòn là điểm hẹn, Ngày thống nhất là đích đến trong hành trình của một dân tộc luôn yêu chuộng hòa bình và mang khát vọng độc lập, tự do cháy bỏng. Hành trình ấy hôm nay lại được tái hiện sinh động trong Chương trình nghệ thuật, thông qua những tác phẩm âm nhạc đi cùng năm tháng...

“Thống nhất non sông mới thỏa tấm lòng”

Bên bờ biển Đông, có một đất nước mang tên Việt Nam đang nỗ lực vươn lên trên hành trình thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Bạn bè quốc tế không chỉ yêu mến khi chứng kiến quá trình vươn lên mạnh mẽ, đầy ngoạn mục của dải đất mang dáng hình chữ S, mà còn khâm phục bởi tiến trình đấu tranh kiên trì, bền bỉ của một dân tộc bất khuất, kiên cường.

Ngược dòng lịch sử, từ năm 1954, Việt Nam trở thành trọng điểm của một cuộc đấu tranh quyết liệt, giữa cách mạng và phản cách mạng, giữa chính nghĩa và phi nghĩa. Chính trong hoàn cảnh khó khăn, hiểm nghèo nhất, bản lĩnh của cả dân tộc, mà hiện thân là sự chèo lái sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam, của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ngày càng tỏa sáng. “Khát vọng độc lập” - Phóng sự truyền hình đầu tiên được trình chiếu trong Chương trình nghệ thuật- đã tái hiện vừa khái quát, vừa cô đọng và sâu sắc một thời hoa lửa vĩ đại của dân tộc Việt Nam.

“Lời ca dâng Bác” - sáng tác Trọng Loan, biểu diễn: Thụy Miên và tốp múa Nhà hát CMNQĐ.
“Hà Nội niềm tin và hy vọng” - sáng tác Phan Nhân, biểu diễn: Xuân Hảo.

Các nhạc phẩm cách mạng: “Lời ca dâng Bác” - sáng tác Trọng Loan; “Cánh chim báo tin vui” - sáng tác Đàm Thanh, “Hà Nội niềm tin và hy vọng” - sáng tác Phan Nhân và “Bài ca thống nhất” – sáng tác Võ Văn Di, qua phần biểu diễn của NSND Thu Hiền, các ca sĩ Anh Thơ, Thụy Miên, Lan Anh, Xuân Hảo cùng tốp múa Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội (CMNQĐ), đã đưa khán giả trở về những ngày hai miền Bắc- Nam cách xa, nhớ thương, thương nhớ, rồi đến những ngày sục sôi cách mạng. “Theo tiếng Người giục bước, tới thắng lợi vẻ vang/Thống nhất non sông, mới thỏa tấm lòng/Thống nhất non sông, mới thỏa tấm lòng” (Lời ca dâng Bác). Nghe theo tiếng gọi của Người, nghe lời núi sông giục giã, những bước chân người chiến sĩ vượt Trường Sơn hùng vĩ, để Khắp Tây Nguyên vùng lên rồi/ Đồn thù sụp đổ tan hoang/Chim bay báo khắp buôn làng, đánh chiêng reo ba trái núi.../...Giờ chim bay về miền Bắc, báo tin vui đến Bác Hồ” (Cánh chim báo tin vui)... Và rồi, niềm vui của Ngày thống nhất chan hòa: “Biển trời quê ta/Nay chung một nhà/Thỏa lòng bao năm ước mơ...” (Bài ca thống nhất)

Trên đường ta đi tới

“Bao năm kháng chiến trường kỳ/ Lòng vẫn mơ có ngày hôm nay/ Xưa mang súng gươm đi giết thù/ Nay lên đường gieo lúa bội thu”. Bài hát “Trên đường ta đi tới” được thể hiện trong Chương trình nghệ thuật chất chứa tinh thần lạc quan phơi phới, đồng thời là lời ngợi ca những người chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, khi kháng chiến lên đường giết thù giành độc lập, tự do cho dân tộc, khi đất nước hòa bình lại sẵn sàng xung phong tới tuyến đầu khó khăn, gian khổ, khắc phục hậu quả chiến tranh để lại, dựng xây Tổ quốc đẹp giàu. Nhờ tính kỷ cương, kỷ luật và phẩm chất cần cù, hăng say lao động của những người chiến sĩ giải phóng năm nào, nhiều tuyến đường mới đã được mở ra đến mọi vùng miền của Tổ quốc; những công trường như thủy điện như Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu... đem nguồn điện đến muôn nơi; những khu kinh tế-quốc phòng làm đổi thay đời sống bà con các dân tộc cũng như bộ mặt bao bản làng vùng sâu, vùng xa... Ngày nay, cùng với không ngừng nâng cao chất lượng huấn luyện, sức mạnh tổng hợp và khả năng sẵn sàng chiến đấu, cán bộ, chiến sĩ Quân đội cũng đang thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế kết hợp với quốc phòng, từ đó không ngừng gia tăng sức mạnh tổng lực của quốc gia.

“Trên công trường rộn tiếng ca”- sáng tác Ngô Quốc Tính, Biểu diễn: Xuân Hảo-Thụy Miên.

“Bài ca bên cánh võng”- sáng tác Nguyên Nhung, biểu diễn: Tuyết Nga và tốp múa Nhà hát CMNQĐ.

Xen giữa các tiết mục ca nhạc là những phóng sự truyền hình được xây dựng công phu. Phóng sự “Đường tới tương lai” đã góp phần khắc họa chân thực, đậm nét và sinh động cuộc kháng chiến trường kỳ, vẻ vang, giành lại độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, trong đó có sự đóng góp xứng đáng của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng - lực lượng nòng cốt, được Đảng, Bác Hồ sáng lập, giáo dục và rèn luyện. Trong thời đại hôm nay, bản chất tốt đẹp và truyền thống của Bộ đội Cụ Hồ vẫn tiếp tục tỏa sáng trong công cuộc xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc.

Hành trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc tuy gian lao vất vả nhưng đầy vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam đã được Chương trình nghệ thuật tái hiện sinh động bằng âm nhạc, qua các ca khúc “Bài ca Trường Sơn”- nhạc Trần Chung, lời thơ Gia Dũng; “Trên công trường rộn tiếng ca”- sáng tác Ngô Quốc Tính; “Bài ca bên cánh võng”- sáng tác Nguyên Nhung; và “Trên đường ta đi tới”- sáng tác Bửu Huyền qua phần trình bày của ca sĩ Anh Thơ, NSƯT Đăng Dương cùng tốp ca Nhà hát CMNQĐ.

Ban tổ chức cùng các đại biểu tặng quà 4 đơn vị quân đội huấn luyện chiến sĩ mới năm 2018 trên địa bàn Hà Nội.
Lãnh đạo Công ty TNHH MTV Xổ số điện toán Việt Nam trao biển tượng trưng quà tặng gồm 50 suất học bổng dành cho các em học sinh ở một số địa phương.

Hát mãi khúc quân hành

“Bài ca Chiến thắng” của 43 năm trước vẫn vang vọng cho đến hôm nay và mai sau. Đó là bài ca được viết nên bởi những bước quân hành bền bỉ, vượt núi, băng đèo của những người chiến sĩ chỉ “thích hoa hồng” nhưng vì kẻ thù nên buộc phải “ôm cây súng”. Đó cũng là bài ca được xây đắp bằng mồ hôi, xương máu của bao thế hệ người Việt Nam yêu nước, thể hiện khát vọng cháy bỏng “Dù có đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”.

Vinh quang của đại thắng mùa xuân 1975, trước hết thuộc về các anh hùng, liệt sĩ đã chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Máu đào của các anh đã tô thắm và làm rạng rỡ thêm chủ nghĩa yêu nước, truyền thống anh hùng cách mạng của một dân tộc chính nghĩa, vì hòa bình. Ngọn lửa thiêng chất chứa khát vọng tự do, độc lập vẫn luôn thôi thúc mỗi người trong thời đại hôm nay tiếp tục phát huy tinh thần yêu nước, thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, để Việt Nam có thể sánh vai với các cường quốc năm châu như Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu hằng mong muốn.

“Đất nước lời ru”- sáng tác Văn Thành Nho, biểu diễn NSND Thu Hiền.
Ca khúc: “Xa khơi”– sáng tác Nguyễn Tài Tuệ, biểu diễn: Anh Thơ.
“Khát vọng”- sáng tác Phạm Minh Tuấn, biểu diễn NSƯT Hồng Hạnh và Tốp ca múa Nhà hát CMNQĐ.
“Tổ quốc gọi tên mình”- nhạc Đinh Trung Cẩn, lời thơ Phan Quế Mai, biểu diễn Hợp ca và tốp múa Nhà hát CMNQĐ.

Trong phần 3 của Chương trình Nghệ thuật, khán giả được đến với những ca khúc: “Khát vọng”- sáng tác Phạm Minh Tuấn, biểu diễn NSƯT Hồng Hạnh và Tốp ca, tốp múa Nhà hát CMNQĐ; “Đất nước lời ru”- sáng tác Văn Thành Nho, biểu diễn NSND Thu Hiền; "Xa khơi”– sáng tác Nguyễn Tài Tuệ, biểu diễn Anh Thơ“; "Đường chúng ta đi”- sáng tác Đỗ Nhuận, biểu diễn Hợp ca và tốp múa Nhà hát CMNQĐ; “Tổ quốc gọi tên mình”- nhạc Đinh Trung Cẩn, lời thơ Phan Quế Mai, biểu diễn Hợp ca và tốp múa Nhà hát CMNQĐ; “Hát mãi khúc quân hành”- sáng tác Diệp Minh Tuyền, biểu diễn Hợp ca và tốp múa Nhà hát CMNQĐ.

Ban Tổ chức và các đại biểu tặng hoa nam nữ diễn viên và các đơn vị đồng hành cùng Chương trình nghệ thuật.

“Ta yêu sao làng quê non nước mình/Tình quê hương vút thành thanh âm khúc quân hành ca.../Mãi mãi lòng chúng ta/ Ca bài ca người lính/ Mãi mãi lòng chúng ta/Vẫn hát khúc quân hành ca”. Chương trình nghệ thuật đầy ý nghĩa tuy đã khép lại, nhưng Khúc quân hành sẽ vẫn tiếp tục ngân vang bằng tình yêu cháy bỏng của người chiến sĩ với quê hương, đất nước, để hạnh phúc, hòa bình và “Bài ca Chiến thắng” mãi vang vọng tự hào trên Tổ quốc ta.

Nhân dịp kỷ niệm 43 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, hướng tới kỷ niệm 128 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ban tổ chức Chương trình nghệ thuật “Bài ca chiến thắng” lần thứ 3 quyết định trao quà tặng 4 đơn vị quân đội đang làm nhiệm vụ huấn luyện chiến sĩ mới năm 2018, gồm: Sư đoàn 361, Quân chủng Phòng không-Không quân; Lữ đoàn Đặc công 113, Binh chủng Đặc công; Trung đoàn 692, Sư đoàn 301, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội; Lữ đoàn 139, Binh chủng Thông tin liên lạc.

Cũng trong khuôn khổ các hoạt động tình nghĩa của chương trình, Ban tổ chức phối hợp cùng Công ty TNHH MTV Xổ số điện toán Việt Nam, quyết định trao 50 suất học bổng tặng các em học sinh ở một số địa phương ngay sau khi chương trình kết thúc.

HOÀNG HÀ (thực hiện)