Đến dự chương trình có các đồng chí: Thượng tướng, Anh hùng LLVTND Phạm Thanh Ngân, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị; Hà Đăng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương; Thượng tướng, Viện sĩ, Anh hùng LLVTND Nguyễn Huy Hiệu, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam; Hồ Quang Lợi, Phó chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam; Lê Thị Hoàng Yến, Phó tổng cục trưởng Tổng cục TDTT; Thiếu tướng Phạm Văn Huấn, Bí thư Đảng ủy, Tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân, Trưởng Ban tổ chức; đại biểu đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, Quân đội và TP Hà Nội, các cựu chiến binh.

Các đại biểu dự chương trình nghệ thuật “Hát mãi khúc quân hành”. 
Chương trình được mở đầu bằng ca khúc “Tiến bước dưới quân kỳ”, sáng tác Doãn Nho.

Ca khúc “Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân” , sáng tác Huy Thục.

“Bài ca Hà Nội” của Vũ Thanh, do Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội biểu diễn.


Tại chương trình, Ban tổ chức đã trao quà tặng các đơn vị thuộc: Quân chủng Phòng Không-Không quân, Quân chủng Hải Quân, Bộ đội Biên phòng, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, cựu chiến binh Thành phố Hà Nội, tỉnh Hưng Yên và Câu lạc bộ bóng chuyền nữ Thông tin LienViet PostBank.

Ban tổ chức trao quà cho các đơn vị. 

Tình đoàn kết quân dân-điểm tựa cho những chiến công

Chương trình nghệ thuật “Hát mãi khúc quân hành ” gồm 3 phần: “Ấm tình quân dân”, “45 năm hào khí Thăng Long”, “Hát mãi khúc quân hành”.

Qua các ca khúc cách mạng, các phóng sự sinh động trong chương trình, khán giả được ôn lại chặng đường 73 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành và phát triển của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, với những chiến công hiển hách, đã đi vào lịch sử dân tộc bằng hình ảnh cao đẹp "Bộ đội Cụ Hồ”.

Trải qua 73 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, những chiến công vang dội của Quân đội ta trong các cuộc kháng chiến giành độc lập, tự do, thống nhất đất nước và làm  nghĩa vụ quốc tế; những cống hiến to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, mãi mãi ghi vào lịch sử dân tộc biểu tượng sáng ngời về một quân đội từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu. Tình đoàn kết quân dân luôn là điểm tựa cho những chiến công. Tinh thần đó được thể hiện qua các ca khúc: “Lời người ra đi”, sáng tác Trần Hoàn; “Quê hương anh bộ đội”, sáng tác Xuân Oanh; “Núi đôi” của Vũ Cao, “Khâu áo gửi người chiến sĩ”, sáng tác Nguyễn Đức Toàn; “Bài ca bên cánh võng” của Nguyên Nhung, qua sự thể hiện của NSND Thúy Mùi, NSƯT Phương Thảo, ca sĩ Lan Anh và các nghệ sĩ đến từ Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội.  

Ca khúc “Lời người ra đi”, sáng tác Trần Hoàn do NSƯT Phương Thảo biểu diễn.

Ca khúc “Quê hương anh bộ đội”, sáng tác Xuân Oanh, do các nghệ sĩ đến từ Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội biểu diễn.

Bài thơ “Núi đôi” của Vũ Cao do NSND Thúy Mùi ngâm.  

Ca khúc “Khâu áo gửi người chiến sĩ”, sáng tác Nguyễn Đức Toàn, do  NSƯT Phương Thảo biểu diễn.

Ca khúc “Bài ca bên cánh võng” của Nguyên Nhung, do ca sĩ Lan Anh biểu diễn.

Trong những chiến công vang dội của quân và dân cả nước trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, người dân Thủ đô không thể quên 12 ngày đêm chiến đấu kiên cường của quân và dân Hà Nội năm 1972. Những trận bom hủy diệt ở Bệnh viện Bạch Mai, Khâm Thiên, Mễ Trì, An Dương … không khuất phục được ý chí của người Hà Nội. Trong đau thương, tinh thần đoàn  kết, lòng quả cảm, ý chí kiên cường là bệ phóng cho những chiến công.

45 năm đã qua, Hà Nội đang có nhiều đổi thay và phát triển nhưng trận Điện Biên Phủ trên không mãi là niềm tự hào của quân và dân Thủ đô. Chiến công ấy được kết tinh từ hào khí Thăng Long với lòng yêu nước quả cảm, tinh thần đoàn kết vì chân lý “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Thăng Long-Đông Đô-Hà Nội, luôn là niềm kiêu hãnh, tự hào, là niềm tin và hy vọng của cả nước.

Bằng các tiết mục ca múa nhạc đặc sắc, được dàn dựng công phu, chương trình “Hát mãi khúc quân hành” đưa khán giả trở về quá khứ của Thủ đô Hà Nội trong những năm tháng hào hùng thông qua các tác phẩm nghệ thuật: “Trời Hà Nội xanh”, “Hà Nội Điện Biên phủ”, “Hà Nội-Huế-Sài Gòn”, “Hà Nội niềm tin và hy vọng” với sự thể hiện của các ca sĩ: Anh Thơ, Thu Thủy, Viết Danh và các nghệ sĩ Nhà hát ca múa nhạc Quân đội.

Ca khúc “Trời Hà Nội xanh” do ca sĩ Thu Thủy biểu diễn. 

Ca khúc “Hà Nội Điện Biên phủ” do tam ca nam Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội biểu diễn. 

Ca khúc "Hà Nội-Huế-Sài Gòn” do ca sĩ Anh Thơ biểu diễn.
Ca khúc “Hà Nội niềm tin và hy vọng” do ca sĩ Viết Danh biểu diễn.

Một trong những cựu chiến binh của Thành phố Hà Nội tham dự chương trình, Thượng tá Hoàng Việt Quý chia sẻ với phóng viên Báo Quân đội nhân dân Điện tử: “Trong chiến dịch “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không”, tôi và đồng đội phải kéo ra khỏi những căn nhà đổ nát vì bom B52 tàn phá rất nhiều thi thể người dân Hà Nội, trong đó có cả phụ nữ, trẻ em, người già. Lòng tôi lúc đó đau quặn lại, ôm trên tay những thi thể đồng bào mình, nước mắt tôi cứ trào ra. Mỗi khi nhớ lại những ngày tháng đau thương đó, tôi càng tự nhủ với bản thân và giáo dục con cháu phải sống sao cho xứng đáng với sự hy sinh vì độc lập, tự do của quân và dân Hà Nội. Giờ đây, chiến tranh đã qua đi, Hà Nội giờ đã “thay da đổi thịt” rất nhiều, tôi rất mừng vì điều đó. Hôm nay, tôi rất vui khi được đến thưởng thức những ca khúc về người chiến sĩ trong chương trình này. Đây là những bài ca đã đi cùng năm tháng, mãi mãi in đậm trong trái tim người nghe. Khi nghe lại những bài hát này, tôi cảm thấy mình như được trở về quá khứ hào hùng của dân tộc, hình ảnh những năm tháng chiến đấu chống quân thù, những khoảng khắc cả dân tộc mừng vui trong chiến thắng như đang hiện về trước mắt tôi”.

Suốt đời tận trung với nước, với dân

Từ 34 chiến sĩ của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, Quân đội nhân dân Việt Nam đã lớn mạnh không ngừng. Từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu. Mười lời thề danh dự về sự trung thành với Đảng với nhân dân giữa núi rừng Việt Bắc đã ngấm vào trái tim của những người chiến sĩ và được trao truyền qua các thế hệ, để hôm nay họ viết tiếp những trang sử hào hùng của dân tộc, khẳng định Quân đội nhân dân Việt Nam không chỉ là một đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội quân lao động sản xuất mà còn là đội quân văn hóa, là hình mẫu của quân đội cách mạng, luôn nhất mực trung thành, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, gắn bó máu thịt với nhân dân.

Phóng sự “Hát mãi khúc quân hành” trong phần 3 của chương trình đã minh chứng cho tinh thần “Suốt đời tận trung với nước với dân” của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Các ca khúc: “Hãy yên lòng mẹ ơi”, “Chúng con bên giấc ngủ của Người”, “Lời ru đất mẹ Quảng Bình”, “Ở hai đầu nỗi nhớ”, “Chút thư tình của người lính biển”, “Hát mãi khúc quân hành” do NSƯT Hồng Hạnh, ca sĩ Anh Thơ, ca sĩ Trọng Tấn các nghệ sĩ Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội biểu diễn, đã chạm đến trái tim người nghe.

Ca khúc “Hãy yên lòng mẹ ơi” do ca sĩ Trọng Tấn và các nghệ sĩ Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội biểu diễn. 

Ca khúc “Chúng con bên giấc ngủ của Người” do tam ca nam Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội biểu diễn. 

Ca khúc  “Lời ru đất mẹ Quảng Bình” do NSƯT Hồng Hạnh biểu diễn.

Ca khúc “Ở hai đầu nỗi nhớ” do ca sĩ Anh Thơ biểu diễn.

Ca khúc “Chút thư tình của người lính biển” do ca sĩ Trọng Tấn biểu diễn 

Chương trình nghệ thuật “Hát mãi khúc quân hành” được khép lại bằng ca khúc “Hát mãi khúc quân hành”.

Hình ảnh anh Bộ đội cụ Hồ mãi mãi là hình ảnh cao đẹp, là biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, là nét đẹp văn hóa đã góp phần làm rạng rỡ truyền thống vẻ vang của dân tộc Việt Nam. Nhắc tới những chiến công của Quân đội nhân dân Việt Nam, lại nhớ tới Bác Hồ kính yêu, vị cha già của dân tộc, nhớ tới Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người anh Cả của Quân đội nhân dân Việt Nam, nhớ tới những người mẹ, người vợ đã sẵn sàng hiến dâng tương lai của mình cho đất nước. Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay, những con người ấy vẫn là niềm tin, là điểm tựa, là hậu phương vững chắc, luôn thầm lặng “Hát mãi khúc quân hành”.

Đời mình là một khúc quân hành. Đời mình là bài ca chiến sĩ . Ta ca vang, triền miên qua tháng ngày, lượn bay trên núi đồi biên cương đến nơi đảo xa. Mãi trong lòng chúng ta, ca bài ca người lính. Mãi trong lòng chúng ta, vẫn hát khúc quân hành ca…”, màn hát múa “Hát mãi khúc quân hành” đã khép lại chương trình nghệ thuật.

Ban tổ chức tặng hoa các ca sĩ, nghệ sĩ tham gia chương trình. 

Đồng hành cùng Ban tổ chức trong chương trình này có các đơn vị: Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn-Hà Nội, Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Phú Hưng; Công ty TNHH đầu tư địa ốc thành phố (City Land); Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam VNPT; Tổng công ty Hàng không Việt Nam; Tổng công ty xây dựng công trình hàng không ACC./.

Bài, ảnh: KHÁNH HUYỀN - TUẤN SƠN