Năm nay tôi đã 72 tuổi và tròn 50 năm dạy học. Cuộc đời có biết bao kỉ niệm, đầu xuân năm mới xin được kể hai câu chuyện gần đây nhất khiến tôi suy nghĩ rất nhiều…
Một tuần trước ngày 20-11-2007, có hai cụ cán bộ hưu trí đến gặp tôi. Một cụ là đại tá quân đội và một cụ là giảng viên Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Cả hai đã về hưu và nhiều tuổi hơn tôi. Sau khi biết chính xác tôi là con trai nhà giáo Văn Đức Bích (đã mất năm 1970), hai cụ nói rằng họ là học sinh của trường tiểu học mà bố tôi là hiệu trưởng đầu tiên, năm 1921. Bố tôi làm hiệu trưởng chỉ ba năm và học trò khóa ấy nay đã mất cả, hai cụ học các khóa sau, nay là thành viên hội cựu học sinh của trường… Các cụ mời tôi nhân ngày 20-11 cùng về thăm lại ngôi trường xưa. Thế là tôi đã gác công việc để về xã Quảng Ngọc, huyện Quảng Xương-Thanh Hóa. Đó là một chuyến đi đầy ấn tượng đối với tôi. Câu chuyện thứ hai bắt đầu bằng một nỗi đau buồn. Một cô giáo trường Lương Thế Vinh của chúng tôi bị tai nạn giao thông và ra đi ở tuổi 41, để lại cho chồng hai đứa con còn thơ dại. Trước hoàn cảnh ấy, tất cả cha mẹ học sinh và các thầy cô giáo trong trường đã có một nghĩa cử đầy xúc động: Kẻ ít người nhiều, các vị đã góp được hơn 100 triệu đồng để lập hai cuốn sổ tiết kiệm cho hai đứa trẻ sớm mồ côi mẹ…
Tôi nhắc lại hai câu chuyện trên đây để muốn nói rằng: Hiện nay ở nước ta, nghề thầy giáo vẫn được nhân dân tôn trọng và quý mến lắm. Tôi lấy làm mừng rằng cái “đạo học” ở đất nước này còn rất vững. Khi mà Nhà nước vẫn xem giáo dục là quốc sách hàng đầu, khi mà người dân vẫn giữ được truyền thống tôn sư trọng đạo… thì chúng ta vẫn còn có cơ hội tiến kịp với năm châu bốn biển. Tuy nhiên, cần phải thừa nhận một thực tế là hiện nay nền giáo dục của chúng ta đang gặp rất nhiều bất cập. Đất nước đang chuyển mình, bất cứ lĩnh vực nào cũng đều có những tiến bộ và những sa sút. Nhưng Giáo dục là một lĩnh vực có quan hệ đến mọi người dân, và do đó nhân dân dễ nhận ra những yếu kém của nó. Mọi người, không trừ một ai đều liên quan tới hệ thống giáo dục. Hệ thống đó tốt thì đất nước tiến lên, hệ thống đó tồi thì đất nước tụt hậu…
Bàn về giáo dục, theo tôi có hai vấn đề cốt lõi bậc nhất: Một là ai học? Hai là học gì? Năm 1954, tôi tốt nghiệp trường cấp 3 Huỳnh Thúc Kháng. Bấy giờ cả tỉnh Nghệ An chỉ có duy nhất một trường cấp 3, mỗi năm có gần 100 học sinh tốt nghiệp. Bây giờ thì riêng ở một huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) đã có 3 trường THPT và 3 trường dân lập. Như vậy là chúng ta hầu như đã làm được điều mà Bác Hồ mong ước là “ai cũng được học hành”. Tuy nhiên, để xây dựng một xã hội học tập thì không chỉ giải quyết vấn đề học cho thanh thiếu niên ở độ tuổi đi học, mà phải đẩy mạnh việc học tập thường xuyên cho mọi người đang làm việc, đặc biệt là viên chức nhà nước. Ngay cả những người đã được đào tạo nghề vẫn phải tiếp tục học tập nếu không muốn lạc hậu. Chẳng hạn đội ngũ thầy giáo nếu không được thường xuyên học tập, trau dồi kiến thức và phương pháp dạy học thì không thể đáp ứng được những cải cách trong ngành giáo dục. Bể học thì mênh mông nên phải chọn cái thiết thực, có lợi ích để mà học, tức là phải biết học gì? Dư luận rất đúng khi cho rằng đa số sinh viên của ta hiện nay được học những điều mà không giúp gì cho họ khi ra làm việc, còn những kiến thức cần thiết để ra làm việc thì lại không được học hành sâu sắc. Chỉ xin đưa ra ví dụ về môn ngoại ngữ và công nghệ thông tin. Ai cũng biết tầm quan trọng của hai môn học đối với sinh viên trong thời đại hiện nay, nhưng chúng ta đã và đang làm gì để giúp sinh viên không mù ngoại ngữ và không mù tin học?
Gần đây có một số nhà báo đến phỏng vấn tôi về vấn đề giáo dục, thường hay hỏi về chuyện học của tôi trước kia và Trường THPT dân lập Lương Thế Vinh của tôi hiện nay. Tôi nói rằng tôi may mắn được học tập liên tục. Lúc bé thì học ở nhà với bố, lớn lên thì học cấp 1 ở trường làng, học cấp 2 ở trường huyện, học cấp 3 ở trường tỉnh, học Đại học ở Hà Nội, rồi làm nghiên cứu sinh ở Mạc-tư-khoa. Sau đó thì học bạn bè, học sách vở và tự học… Năm 1989, trong không khí Đổi mới, tôi mạnh dạn xin thành lập Trường THPT dân lập Lương Thế Vinh. Rất phấn khởi là sau gần 20 năm, Trường Lương Thế Vinh không ngừng phát triển và ngày càng có uy tín về chất lượng giáo dục. Mới đây, trường chúng tôi được thành phố Hà Nội cấp cho một miếng đất khá đẹp để xây dựng một ngôi trường đàng hoàng, to đẹp như mong ước của thầy trò suốt gần hai chục năm qua. Chúng tôi rất cám ơn sự quan tâm đầy hiệu quả đó của Đảng bộ và chính quyền thành phố Hà Nội. Thêm một sự kiện đáng mừng cho đạo học nước nhà, khuyến khích chúng tôi có kế hoạch nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục, giữ vững và phát huy truyền thống của mình…
Giáo sư Văn Như Cương