QĐND - Văn hóa không chỉ là nhân tố nội sinh thúc đẩy con người Việt Nam phát triển, hoàn thiện nhân cách mà còn là mục tiêu, động lực thúc đẩy việc tái cấu trúc lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, kiềm chế, đẩy lùi lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, phát triển bền vững đất nước; trở thành nền tảng tinh thần của xã hội ta. Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI) khẳng định: “Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”.
Văn hóa luôn gắn chặt với kinh tế, chính trị, xã hội
Về nguyên lý, sản xuất vật chất, phát triển kinh tế là cơ sở nền tảng quyết định sự tồn tại, phát triển lịch sử xã hội loài người. Song, trong lịch sử phát triển của các nền văn minh, văn hóa nhân loại, bên cạnh vai trò quyết định của sản xuất vật chất, của yếu tố kinh tế, suy đến cùng, đối với sự phát triển của xã hội loài người thì các yếu tố chính trị, văn hóa, tinh thần... có vai trò tác động trở lại rất quan trọng, thậm chí vào những thời điểm lịch sử nhất định, các yếu tố chính trị, văn hóa, tinh thần có tác dụng quyết định tình hình, diễn biến thời cuộc với sức mạnh sáng tạo vô cùng to lớn của con người. Lịch sử các nền văn minh, văn hóa nhân loại đã chỉ ra rằng, không phải cứ quốc gia, dân tộc nào có nền kinh tế phát triển là có nền văn minh, văn hóa tương ứng phát triển; không có văn hóa, nhân cách đạo đức, cá nhân dù có tài, song vô dụng; mất văn hóa là mất tất cả.
Ở đây cần hiểu việc đặt văn hóa ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội không có nghĩa là làm cho kinh tế, chính trị, xã hội và văn hóa “dàn hàng ngang cùng tiến” hay là “cào bằng” mà phải tùy theo thời gian, vị trí, vai trò, tác dụng của từng nhân tố để xác định đúng và trúng trọng tâm, trọng điểm đầu tư phát triển cho phù hợp, bảo đảm sự cân đối, hài hòa, tính hiệu quả của đầu tư, phù hợp với điều kiện lịch sử cho phép. Điều quan trọng là nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn vị trí, vai trò, giá trị và ý nghĩa vô cùng to lớn của văn hóa đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam, đối với việc thực hiện chiến lược con người và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới để từ đó, việc hoạch định đường lối, chiến lược, sách lược phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, bảo vệ Tổ quốc phải hàm chứa nội dung xây dựng, phát triển văn hóa sao cho đồng bộ, khả thi.
 |
"Lạc cảnh Đại Nam văn hiến" - khu du lịch quy mô lớn tại tỉnh Bình Dương. Ảnh: Phương Nam |
Mỗi một bước tiến của sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội phải đồng thời là một bước tiến của phát triển văn hóa, nghệ thuật cách mạng. Có đổi mới tư duy lý luận, nhận thức đúng và giải quyết tốt mối quan hệ biện chứng giữa kinh tế, chính trị và văn hóa, chúng ta mới xây dựng được con người mới - chủ thể xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa có thế giới quan khoa học, hướng tới chân - thiện - mỹ; thể hiện tính ưu việt của chế độ xã hội ta trong việc chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp. Vì vậy, quan tâm chăm lo phát triển các yếu tố văn hóa và con người trong phát triển kinh tế - xã hội là cơ sở chắc chắn nhất để giữ vững sự ổn định chính trị, môi trường hòa bình, tính ưu việt, sự khoan dung, tinh thần nhân văn, dân chủ và khoa học ở nước ta - cái nhân cốt tạo dựng, làm nên một nước Việt Nam mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Văn hóa chưa xứng tầm so với những thành tựu kinh tế - xã hội
Tuy đã có sự phát triển về nhiều mặt, song so với kết quả đạt được trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội, thì kết quả đạt được trong lĩnh vực văn hóa chưa tương xứng; chưa đủ sức tạo ra “cú hích” đủ mạnh để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng con người và môi trường văn hóa xã hội chủ nghĩa lành mạnh; ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tham nhũng, quan liêu, lãng phí, các tệ nạn và tiêu cực xã hội.
Sở dĩ xây dựng, phát triển văn hóa chưa ngang tầm với phát triển kinh tế, chính trị, xã hội... là do nhiều nguyên nhân chi phối, tác động, song chủ yếu là do nhiều cấp ủy, chính quyền chưa quan tâm đầy đủ lĩnh vực này; người đứng đầu các cơ quan, đơn vị chưa chỉ đạo quyết liệt trong triển khai xây dựng đời sống, môi trường văn hóa mới lành mạnh. Công tác quản lý nhà nước về văn hóa, nghệ thuật chậm được đổi mới hoặc đổi mới chậm, bị xem nhẹ, kỷ luật, kỷ cương không nghiêm. So với các lĩnh vực khác, đầu tư cho lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật chưa tương xứng, còn dàn trải và hiệu quả thấp. Công tác đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực văn hóa, nghệ thuật, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp chưa được quan tâm đúng mức. Đấu tranh phòng, chống sự xâm lăng, xâm nhập, thẩm lậu của các sản phẩm văn hóa độc hại, các yếu tố “ngoại lai” không phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh Việt Nam chưa thật sự kiên quyết, thậm chí có lúc, có nơi còn buông lỏng, gây bất bình trong nhân dân.
Phải thực sự coi trọng văn hóa trong mục tiêu phát triển
Để văn hóa thực sự ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội, chúng ta cần bổ sung, hoàn thiện chiến lược xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức tôn trọng pháp luật, có hiểu biết sâu sắc về lịch sử, truyền thống, văn hóa dân tộc. Kết hợp chặt chẽ các hoạt động văn hóa với các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, với chương trình xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, với giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, quốc phòng và an ninh, bảo vệ Tổ quốc, đáp ứng yêu cầu của hội nhập quốc tế, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và kinh tế tri thức.
Phát triển tư duy lý luận, nâng cao trình độ nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân trên cơ sở đổi mới căn bản, toàn diện công tác giáo dục chính trị, đạo đức và pháp luật, ý thức văn hóa, nghệ thuật, nâng cao năng lực cảm thụ thẩm mỹ cho nhân dân, nhất là thế hệ trẻ. Kiên quyết đấu tranh phê phán, đẩy lùi cái xấu, cái ác, thấp hèn, lạc hậu; chống các tệ nạn, tiêu cực xã hội, các hành vi sai trái, ảnh hưởng xấu đến văn hóa chính trị của Đảng. Có lộ trình, bước đi, giải pháp cụ thể nhằm khắc phục những mặt hạn chế, khiếm khuyết của con người Việt Nam.
Chú trọng tổng kết thực tiễn, tiếp thu, kế thừa kinh nghiệm xây dựng và giải quyết mối quan hệ biện chứng giữa gia đình, nhà trường và xã hội của các nước tiên tiến để vận dụng vào điều kiện nước ta cho phù hợp, hiệu quả. Đầu tư hơn nữa để xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, coi đây không chỉ là “cái nôi” hình thành, nuôi dưỡng nhân cách văn hóa và giáo dục nếp sống cho con người mới xã hội chủ nghĩa, mà còn là “bệ phóng” để mỗi cá nhân chủ động, tích cực tham gia xây dựng đời sống văn hóa cộng đồng.
Văn hóa đã và đang đồng hành cùng dân tộc. Tăng hàm lượng văn hóa trong mỗi hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội... là con đường tất yếu để góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
--------------------------
(1) Xem Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t.7, tr. 316 - 321.
Đại tá, PGS, TS NGUYỄN BÁ DƯƠNG
Viện trưởng Viện Khoa học XHNVQS-Bộ Quốc phòng