Lưu giữ nét văn hóa Phật giáo
Hằng năm, khi mùa xuân đến, hoa xuân nở rộ khắp các triền núi Hương Sơn, là lúc hàng vạn phật tử cùng du khách trong và ngoài nước lại nô nức trẩy hội-hành hương về chùa Hương-nơi đất Phật tâm linh. Không khí trẩy hội chùa Hương là một nét đẹp văn hóa thiêng liêng và độc đáo của dân tộc Việt từ xa xưa và được lưu truyền cho đến ngày nay. Các phật tử, du khách thập phương cùng nhau thắp hương tịnh tâm cầu nguyện, giải tỏa mọi phiền muộn, lo lắng trong lòng và cũng để vãn cảnh chùa, thưởng thức thú ngồi thuyền, thong thả chiêm ngưỡng bầu trời, cảnh bụt, ngắm một vùng sông núi thu gọn trong tầm mắt.
Theo Thượng tọa trụ trì Thích Minh Hiền, Ủy viên Thường trực Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó trưởng ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP Hà Nội: “Nét đẹp văn hóa truyền thống của chùa Hương khởi nguồn từ Phật giáo. Trong thời đại công nghệ số và những biến đổi nhanh chóng của thời cuộc, con người vẫn là quan trọng nhất. Nếu nhận thức của con người thiếu thấu đáo thì công nghệ dễ làm chúng ta mất đi gốc rễ của mình, vì thế chúng ta cần giữ gìn văn hóa truyền thống, bảo tồn những nét đẹp của ông cha để lại”.
 |
Biểu diễn múa rối cạn Tế Tiêu trong khai hội chùa Hương. |
Ngày nay, khách đến Lễ hội chùa Hương vẫn được tham gia những hoạt động mang tính truyền thống như khai hội đầu xuân (bắt nguồn từ lễ mở cửa rừng), lễ khánh đản Phật bà chùa Hương... Năm 2025, du khách hành hương về chùa Hương có thể chiêm bái triển lãm mỹ thuật đề tài Phật giáo với gần 50 tác phẩm hội họa, điêu khắc và cổ vật. Đáng chú ý trong triển lãm là cuốn sách ảnh Murals of Tibet với kích cỡ 50cm x 70cm, nặng 60kg, giới thiệu Phật giáo Tây Tạng. Đêm thơ nguyên tiêu được tổ chức vào ngày rằm tháng Giêng hằng năm cũng là trải nghiệm thu hút đông đảo du khách hành hương để cảm nhận sâu sắc hơn một không gian văn hóa, tâm linh nơi đất Phật.
Điểm đến du lịch, văn hóa, truyền thống Việt
Đón gần 100.000 lượt khách trước ngày khai hội, Lễ hội chùa Hương Xuân Ất Tỵ 2025 diễn ra trong 3 tháng, từ ngày 3-2 đến hết ngày 1-5 (tức từ mồng 6 tháng Giêng đến hết ngày 4 tháng 4 năm Ất Tỵ). Lễ khai hội được tổ chức vào ngày 3-2, thu hút hàng nghìn lượt khách tham quan, chiêm bái.
Để lễ hội diễn ra an toàn, văn minh, thân thiện và lành mạnh, năm nay, Ban tổ chức Lễ hội chùa Hương đã tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng; chỉnh trang cảnh quan, không gian. Cùng với đó, Ban tổ chức cũng đã xây dựng Tuần lễ Văn hóa-du lịch truyền thống, kết hợp các tiết mục văn hóa phi vật thể và nghệ thuật với các trò chơi dân gian nhằm nâng cao giá trị văn hóa của lễ hội. Ngày khai hội chùa Hương năm nay, du khách còn được thưởng thức những điệu múa tứ linh truyền thống. Được biết, Lễ hội chùa Hương diễn ra trên địa bàn xã Hương Sơn (gồm 6 thôn: Tiên Mai, Phú Yên, Hội Xá, Đục Khê, Yến Vĩ, Hà Đoạn). Mỗi năm có hai thôn luân phiên nhau biểu diễn điệu múa này. Ông Nguyễn Văn Tín (thôn Hội Xá), người thực hiện múa rùa được nhiều du khách thích thú, cho rằng: “Mai rùa dùng để múa tứ linh được làm theo mẫu cổ. Chúng tôi cũng phải học hỏi các cụ để múa đẹp nhất, đúng nhất, ra vào cử động cho giống rùa thật nhất. Câu lạc bộ thôn chúng tôi có gần 40 thành viên. Chúng tôi đều tự hào khi được tham gia giữ những nét đẹp của quê hương và giới thiệu nó tới du khách thập phương trong Lễ hội chùa Hương”.
Ông Đặng Văn Cảnh, Phó chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức, Trưởng ban tổ chức Lễ hội chùa Hương cho biết: “Với chủ đề “Lễ hội Chùa Hương-điểm đến du lịch, văn hóa, truyền thống Việt", lễ hội năm nay mang ý nghĩa sâu sắc trong việc tôn vinh giá trị văn hóa tín ngưỡng và vẻ đẹp của khu quần thể danh thắng Hương Sơn. Chúng tôi tập trung tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, quảng bá, bảo đảm không gian xanh, sạch, đẹp, tạo cảnh quan hấp dẫn cho du khách về tham quan du xuân. Chúng tôi cũng chỉ đạo nâng cao chất lượng của hợp tác xã xuồng đò để phục vụ bà con du khách, phật tử được tốt nhất, bảo đảm an toàn, văn minh, lịch sự. Điểm quan trọng nữa là thực hiện tốt công tác phân luồng giao thông cả đường thủy, đường bộ và giữ gìn an ninh, trật tự. Chỉ đạo niêm yết công khai giá vé dịch vụ để du khách thực hiện tốt theo hướng dẫn của Ban tổ chức”.
Năm nay, Ban tổ chức đẩy mạnh ứng xử văn minh, lịch sự, không chơi bài ăn tiền trên thuyền, không vứt rác thải bừa bãi... Ban tổ chức cũng có chế tài xử lý những vi phạm về phong cách, thái độ phục vụ để du khách được tận hưởng trọn vẹn cảm giác thư thái khi về chiêm bái, lễ Phật. Ông Nguyễn Văn Toàn, Chánh văn phòng Công ty Cổ phần Vận tải và Du lịch Hương Sơn cho biết: “Để du khách thuận tiện du xuân, vãn cảnh, Công ty chúng tôi đã thực hiện trang hoàng lại nhà ga cáp treo sạch đẹp, dẹp bỏ các hàng quán, tăng thêm phòng vé, bán vé điện tử tạo thuận lợi cho du khách, tăng cường giám sát an ninh qua hệ thống camera, hằng ngày cứ 30 phút thì có người đi thu dọn rác, thực hiện ứng xử văn minh với du khách”.
Bài và ảnh: DƯƠNG THANH
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.