Dù mồng 6 tháng Giêng, Lễ hội chùa Hương 2025 mới khai hội, nhưng ngay từ mồng 4, con đường từ cầu Đục Khê tới Bến Yến đã tấp nập người xe. Dọc bến đò suối Yến là cảnh du khách xếp hàng mua vé, không có cảnh chen lấn hay “cò” mồi.
|
Du khách trẩy hội chùa Hương. |
Do triển khai vé điện tử tích hợp nên việc soát vé diễn ra nhanh chóng, không có tình trạng khách phải đợi lâu gây bức xúc. Năm nay, các thuyền phục vụ du khách được sơn đồng bộ một màu, mỗi lái đò đều có 1 mã QR để hợp tác xã quản lý và nhận phản hồi của du khách về thái độ phục vụ.
Trở lại chùa Hương sau nhiều năm, anh Lê Nam (Hưng Yên) có nhiều đánh giá tích cực đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội chùa Hương. Theo anh Nam, trước đây đến chùa Hương, anh luôn phải đối mặt với “cò” mồi gây bức xúc thì nay từ việc mua vé, xếp hàng xuống đò đều được vận hành chuyên nghiệp, giúp du khách có cảm giác mình được tôn trọng hơn. Ngoài ra, ban tổ chức cũng bố trí pa-nô, thông tin tuyên truyền giúp du khách nhận thức rõ trách nhiệm của mình để chung tay xây dựng lễ hội văn minh.
 |
Du khách mua vé đi đò và tham quan danh thắng Hương Sơn. |
 |
Vé có mã QR để tích hợp soát vé điện tử. |
Đò đi qua đền Trình, cô lái đò Nguyễn Thị Thảo mới có thời gian chia sẻ cùng chúng tôi. Theo cô Thảo, việc chèo đò được sắp xếp lần lượt, không còn chuyện mạnh ai nấy làm như trước đây. Việc quản lý người lái đò theo mô hình hợp tác xã giúp mang lại công bằng, giúp người yếu thế có cơ hội việc làm thay vì tình trạng giành giật khách như trước đây. Dịp này, mỗi ngày cô chèo được 2 chuyến đò; đợt vắng khách thì 2-3 ngày mới có một chuyến, cô cùng nhiều người lái đò nhận thông báo đến lượt qua nhóm zalo.
 |
Du khách ngồi đò đi qua suối Yến. |
Theo cô Thảo, mỗi chuyến đò cô được trả theo tỷ lệ đầu khách, khoảng 30% giá vé. Ví dụ, giá vé đi đò và tham quan của mỗi người lớn là 230.000 đồng/vé, thì cô nhận được 70.000 đồng/vé. Chuyến đò hôm nay cô chở có 6 người lớn và 2 trẻ em (65.000 đồng/vé), nên mức thu nhập của cô vào khoảng 500.000 đồng. Người chèo khỏe thì có mức thu nhập cao hơn, có đò chở hơn chục khách.
Trước khi đò tới bến, cô Thảo nhắc nhở: “Mọi người nhớ lấy số tôi và số từng nhóm, để lát khi về thì gọi nhau. Mọi người nhớ tên biển số đò và tên nhà hàng trước mặt nhé, tôi ngồi đây đợi”.
 |
Du khách ngồi đò đi qua suối Yến. |
Khác hẳn với hình ảnh ở Bến Yến, chùa Hương ken kín người, bởi có nhiều đoàn khách đã đến hành hương từ sớm. Có người vì đường sá xa xôi tranh thủ đến từ đêm qua, như gia đình anh Lê Nam thì xuất phát từ tinh mơ mới kịp tham quan chùa Hương và trở lại Hưng Yên trong ngày.
Nhiều đò đến muộn phải đậu cách bờ 20m và du khách phải trèo qua các đò khác để lên bờ. Dù chưa phải chính hội, nhưng bến đò chùa Hương đã có tình trạng “tắc đò”, nếu không chú tâm nghe lời người lái đò nhắc nhở thì rất dễ lạc.
 |
Hàng nghìn đò được huy động phục vụ du khách. |
Trời mưa khiến đường trơn, dòng người chậm rãi bước đi tuyệt nhiên không có cảnh chen lấn đẩy xô. Hai bên đường, các thùng rác được ban quản lý bố trí góp phần bảo đảm mỹ quan và vệ sinh môi trường. Nhằm đẩy mạnh ứng xử văn minh mùa lễ hội, Ban quản lý Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt và quần thể danh lam thắng cảnh Hương Sơn đã có chế tài xử lý đối với những hành vi phản cảm, đi ngược với tinh thần xây dựng mùa lễ hội an toàn, văn minh.
Đồng chí Đặng Văn Cảnh, Phó chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức, Trưởng ban tổ chức Lễ hội Chùa Hương 2025 khẳng định, ban tổ chức lễ hội tăng cường kiểm soát xử lý việc bày bán các mặt hàng không phù hợp gây phản cảm, chào mời gây ồn ào trong khu vực lễ hội, bảo đảm công tác an ninh trật tự và phòng, chống cháy nổ; tiếp tục duy trì các nhà vệ sinh công cộng miễn phí phục vụ du khách; bố trí các điểm sơ cứu, cấp cứu tại các khu vực tập trung đông người, bảo đảm an toàn cho du khách…
 |
Trời mưa khiến đường lên chùa Hương khá trơn trượt. |
 |
Dù chưa khai hội nhưng đông đảo du khách trẩy hội chùa Hương. |
Bên cạnh việc đổi mới công tác tổ chức và quản lý Lễ hội chùa Hương 2025 theo hướng văn minh, một điểm mới nổi bật là tuyến cáp treo Hương Bình kết nối giữa khu vực chùa Hương (Hà Nội), chùa Tiên (Hòa Bình) đã khánh thành, đi vào hoạt động, góp phần rút ngắn thời gian di chuyển và tạo thuận lợi cho người dân, du khách hành hương giữa hai vùng lễ hội, giúp giảm ách tắc giao thông, góp phần thúc đẩy kết nối về văn hóa, phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch.
 |
Dù chưa chính hội nhưng đông đảo du khách trẩy hội chùa Hương. |
Khách đông khiến các thành viên ban quản lý lễ hội vất vả trong việc hướng dẫn, điều hành; nhưng vui nhất vẫn là chủ các hàng quán bày bán thực phẩm, đồ lưu niệm. 12 giờ hơn, dòng người kéo xuống ăn trưa khiến nhiều hàng quán phải hoạt động hết công suất. Dù có tới 10 nhân viên, nhưng Nhà hàng Năm Thành phục vụ không xuể du khách. Bà Bùi Thị Thành, chủ Nhà hàng Năm Thành cho biết: “Cả năm, nhà hàng trông chờ vào 3 tháng mùa lễ hội chùa Hương. Dù khách đông nhưng chúng tôi rất vui vì có dịp phục vụ đông đảo du khách gần xa. Sự hài lòng của du khách là niềm vui của chúng tôi và nhà hàng luôn nỗ lực phục vụ chu đáo để người dân hoan hỷ khi hành hương về đất Phật”.
 |
Dù chưa chính hội nhưng đông đảo du khách trẩy hội chùa Hương.
|
 |
Du khách cầu mong một năm mới bình an. |
Theo dự báo, chùa Hương sẽ đón du khách cao điểm vào ngày 2-2 (mồng 5 tháng Giêng) và ngày 3-2 (chính hội, ngày 6 tháng Giêng). Khoảng 4.000 xuồng đò, cùng hàng nghìn người dân Hương Sơn, cán bộ chính quyền, cán bộ quản lý di tích và đông đảo du khách đang cùng chung tay xây dựng một mùa lễ hội văn minh, thân thiện, như đúng với thông điệp: “Lễ hội chùa Hương 2025 - Điểm đến du lịch, văn hóa, truyền thống Việt”.
Bài, ảnh: ĐÌNH HÙNG - HỮU TRƯỞNG
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.