Vậy là, sau hơn nửa thế kỷ phát hiện, trải qua hơn 10 cuộc khai quật, cơ quan chức năng và giới chuyên môn đã đưa ra được giải pháp để có ứng xử xứng tầm với di chỉ khảo cổ mang dấu ấn thời Hùng Vương giữa lòng Hà Nội.

Gỡ khó giữa bảo tồn và phát triển

Theo PGS, TS Bùi Văn Liêm, sau những kết quả thu được từ dự án khai quật khảo cổ học di chỉ Vườn Chuối được Viện Khảo cổ học và các cơ quan có liên quan của Hà Nội triển khai thực hiện từ năm 2019 đến 2021, ban chủ nhiệm dự án đã trình đề xuất lên UBND TP Hà Nội hai phương án.

Các di vật khảo cổ trưng bày trong Bảo tàng Vườn Chuối, xã Kim Chung (Ảnh chụp trước ngày 27-4-2021). Ảnh: ĐINH THUẬN

Phương án 1: Thực hiện nghiên cứu bảo tồn diện tích khu vực phía đông khu di chỉ (diện tích khoảng 6.000m2), đưa khu vực này vào danh mục xét công nhận di tích của thành phố, tiến tới đề nghị xét danh hiệu di tích quốc gia. Từ đó xây dựng các bước tiếp theo để bảo tồn, phát huy giá trị di tích, đồng thời thực hiện phương án khai quật di dời các di tích, di vật ở khu vực phía tây (khoảng 6.000m2) khu di chỉ trước khi giải phóng mặt bằng, phục vụ xây dựng tuyến đường vành đai 3 và 5 và phát triển đô thị của thành phố. Thực hiện phương án này sẽ hài hòa giữa bảo tồn giá trị di sản và phát triển đô thị.

Phương án 2: Thực hiện nghiên cứu bảo tồn toàn bộ diện tích khu vực phía tây khu di chỉ, nhằm bảo tồn toàn bộ khu di chỉ khảo cổ Vườn Chuối (diện tích khoảng 12.000m2). Đưa toàn bộ khu vực di chỉ vào danh mục di tích của thành phố, đồng thời xây dựng các bước tiếp theo để bảo tồn, phát huy giá trị di tích, xếp hạng, tiếp tục khai quật khảo cổ, xây dựng các công trình văn hóa phụ trợ... Tuyến đường vành đai 3, 5 của thành phố đoạn qua khu vực di chỉ, nghiên cứu làm cầu vượt.

Dựa trên những đề xuất của các nhà khoa học, nhà quản lý cũng như ý kiến của cộng đồng tham gia trong các cuộc tọa đàm, hội thảo diễn ra trong thời gian qua, Sở VHTT Hà Nội đề xuất và được Cục Di sản văn hóa thống nhất nghiên cứu, bảo tồn khu di chỉ theo phương án 1 với lý do bảo bảo sự hài hòa giữa việc bảo tồn và phát triển, vừa phục vụ mục đích bảo tồn, nghiên cứu và phát huy giá trị di tích, vừa phục vụ việc xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông đô thị.

Phát huy giá trị di chỉ khảo cổ quý giá

PGS, TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam cho biết, với các nhà nghiên cứu, “cứu” được di sản nào cũng rất đáng quý. Theo nghiên cứu của Viện Khảo cổ học năm 2019, các di tích thời đại Hùng Vương đang mất đi nhanh chóng. Năm 2000, vẫn còn hơn 1.000 di tích thời Đông Sơn nhưng đến năm 2019, 50% di tích này đã mất. Riêng ở Phú Thọ, Vĩnh Phúc, các di tích thời đại Hùng Vương và tiền Hùng Vương mất tới 90%. Vườn Chuối là di chỉ thời Hùng Vương rất quý hiếm do chứa đựng lớp di tích văn hóa kéo dài qua nhiều thời kỳ khác nhau, từ Đồng Đậu qua Gò Mun tiến đến Đông Sơn. Gần Vườn Chuối còn có các di tích phức hợp Tiền Đông Sơn đến Đông Sơn. Sự cẩn trọng của UBND TP Hà Nội trong việc triển khai các phương án khảo cổ, bảo tồn, phát huy giá trị di chỉ Vườn Chuối cũng có thể là bài học kinh nghiệm cho nhiều địa phương khác. “Cần lắm những ứng xử xứng tầm với những di sản-minh chứng khoa học có giá trị lịch sử ngàn đời của cha ông để lại. Trong bối cảnh phát triển đô thị nhanh chóng như hiện nay, nếu không tìm ra tiếng nói chung, không kịp thời thực hiện chúng ta sẽ mất đi vĩnh viễn những cứ liệu lịch sử để kể lại cho con cháu mai sau”, PGS, TS Tống Trung Tín cho hay.

Ông Nguyễn Anh, Phó chủ tịch UBND huyện Hoài Đức cho biết, trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm (2021-2025) của huyện đã xác định đầu tư cho phát triển du lịch. Khu di chỉ Vườn Chuối chính là một trong những di tích có giá trị lịch sử, văn hóa quan trọng để huyện triển khai đầu tư xây dựng, nhằm hiện thực hóa mục tiêu này. Trong thời gian tới, huyện sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị chuyên môn để triển khai đồng bộ những bước tiếp theo, giúp di tích sớm được kiểm kê, xếp hạng.

PGS, TS Bùi Văn Liêm cho biết thêm, nhiệm vụ trước mắt của các nhà khoa học là chuẩn bị hồ sơ lý lịch di tích, khoanh vùng bảo vệ, đưa khu di chỉ vào danh mục kiểm kê di tích của thành phố, tiến tới xem xét, đề nghị các cấp có thẩm quyền xếp hạng di tích. Về lâu dài, có thể xây dựng khu di chỉ thành một công viên lịch sử, văn hóa, một bảo tàng kể câu chuyện văn hóa, lịch sử đặc sắc bằng chính những hiện vật được khai quật nơi đây.

VIỆT LAM