Nếu ai đã đi trên đê sông Thái Bình, đoạn từ Hải Dương chạy về Bắc Ninh, sẽ thấy một phiến đá lớn đặt tại địa phận xã Lai Hạ của huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh. Trên đó ghi lại một sự kiện diễn ra đầu thập niên 1970. Đó là trận vỡ đê lịch sử tại vùng đất này. Nhìn xuống dưới triền đê, nơi thủy thần gầm thét năm nào, giờ đã mọc lên nhiều nhà xưởng.
Trước đây, đó là nơi bà con trồng riềng. Riềng ngút tầm mắt. Riềng bạt ngàn xanh. Riềng đã từng mang lại nguồn thu đáng kể cho bà con quanh đây. Hình như thiên nhiên đã an ủi và “trả nợ” người dân bằng những lớp phù sa màu mỡ, tạo nên sinh kế một thời cho bà con.
Trước thập niên 1990, người dân sinh sống quanh đây đã nhìn thấy và tận dụng tối đa nguồn lợi mà trận vỡ đê năm nào mang lại. Đó là cát. Làm nhà, dựng bếp, xây tường, kể cả tu tạo phần mộ gia tiên, người dân quê tôi đều sang Lai Hạ lấy cát. Những chiếc xe cải tiến kẽo kẹt ra bãi cát trên con đường cũng phủ đầy cát. Cát lộ thiên, tha hồ xúc. Giờ đây, tôi vẫn còn nhớ cái cảm giác mềm mượt bàn chân khi đi trên bãi cát...
 |
Làng quê Việt Nam.Ảnh:VnExpress |
Quanh làng tôi có những phần ruộng thấp trũng, gọi là đất bãi, thường được tận dụng để trồng lúa nếp. Nhờ thân cao, cứng cáp của lúa nếp mới có thể vươn lên để sinh trưởng và phát triển trong mỗi mùa nước lớn. Chuẩn bị cho một vụ mới, máy cày được đưa về vùng đất bãi.
Sau mỗi đường chạy của máy cày, bánh lồng nan bới tung đất, khuấy nước đục ngầu. Các loại cá, nhất là cá quả sặc bùn thi nhau ngoi lên thở. Bà con chạy theo máy cày chỉ việc nhặt cho vào thùng, chậu đang kéo trôi trên mặt nước. Nhờ đó, những bữa cơm cũng đỡ đạm bạc hơn trong mùa làm đất. Từng đồng bạc lẻ cũng được gom góp từ những con cá quả sặc bùn.
Và rồi cái thấp trũng của vùng đất này đã mang đến cho người dân quê tôi một sinh kế khác, mà có người gọi là “nghề mò”. Ngày ngày, không kể hạ hay đông, người dân mò trên những ao, hồ của địa phương và các xã lân cận. Cuối ngày, cua, trai, ốc được đổ thành từng đống, rao bán nhộn nhịp ở chợ chiều.
Vì sống ở vùng thấp trũng, cộng với ám ảnh từ trận vỡ đê năm nào nên người dân quê tôi luôn nơm nớp nỗi lo đê vỡ. Mỗi khi đi chợ Văn Thai (Cẩm Giàng, Hải Dương), vì là chợ bên đê, nên người làng tôi luôn có thói quen theo dõi nước sông để về thông tin lại cho làng xóm.
Ngày ấy, theo mẹ đi chợ mùa nước lớn, tôi thường thấy trên nóc điếm canh đê những lá cờ đuôi nheo màu đỏ. Lúc thì một, khi thì hai, rồi có thể sẽ là 3 lá cờ được gắn trên cùng một cán. Thì ra, mỗi lá cờ ấy tương ứng với một cấp nước sông. Càng nhiều cờ thì nước sông Thái Bình càng cao. Khi trên điếm phấp phới 3 lá cờ thì cũng là lúc những khóm tre chắn sóng bên đê ngập bõm ngang thân. Dưới nước, chuột bơi bì bõm. Mỗi khi chúng sắp bấu víu được vào thân tre lại bị sóng đánh văng ra...
Còn nhớ, trong một buổi chiều muộn nọ, cả xóm tôi nháo nhào thu dọn, kê cao đồ đạc, rồi tìm đủ thứ vật liệu, từ gỗ, tre để bắc sàn làm nơi tá túc, bởi có thông tin nước đê đã lên cao lắm rồi, sớm muộn sẽ đổ về làng. Nhưng thật may, chuyện đó không xảy ra...
Hôm nay đi trên con đê quen thuộc, thấy phù sa đắp bồi rộng dài năm tháng đã đẩy lòng sông Thái Bình ra phía xa đê, chảy khiêm nhường, lặng lẽ. Bên những bụi tre già nua được trồng để giữ đê, chắn sóng năm nào, nay là những gốc mít, gốc xoài đang kỳ xanh tốt. Điếm canh đê tĩnh lặng. Ký ức đưa tôi về những mùa nước lớn năm xưa mà lòng như ngân lên “Ơn lắm vùng quê chiêm trũng ơi!”...
PHẠM HOÀNG HÀ