Tây Bắc rập rờn hoa ban trắng. Trên những triền núi xa xa. Bên cạnh Quốc lộ 6. Nơi Pha Đin lồng lộng gió. Ở giữa lòng Điện Biên. Bên cọn nước. Cạnh nhà sàn...
Sự tích các loài hoa nói chung là buồn. Ban cũng vậy. Chuyện rằng, chàng Khum vừa giỏi làm nương, vừa có tài săn bắn đem lòng yêu nàng Ban khéo tay dệt vải, lại có giọng hát mượt mà. Thế nhưng, cha nàng Ban vì ham giàu đã đem gả con gái xinh đẹp cho con trai nhà tạo mường, vốn là một kẻ lười nhác lại gù lưng. Mặc cho Ban hết lời nài nỉ, van xin, cha nàng vẫn không từ bỏ ý định và ông đã bàn bạc với nhà tạo mường sửa soạn lễ cưới linh đình cho hai người.
Trong bước đường cùng, Ban trốn chạy sang bản của Khum tìm cách cầu cứu. Không may, người yêu của nàng theo cha đi công chuyện nơi xa. Gạt nước mắt, Ban lấy khăn piêu buộc vào chân cầu thang nhà Khum, rồi chạy đi tìm chàng. Nàng chạy, chạy mãi, từ núi này qua lũng kia, từ khi mặt trời mọc đến lúc trăng lặn, tới lúc kiệt sức rồi chết trong rừng. Nơi nàng Ban nằm xuống mọc lên một loài cây có hoa trắng, hương thơm dịu, nhụy ngọt như mật. Dân làng gọi tên cây là ban. Chàng Khum trở về, thấy chiếc khăn piêu của Ban buộc ở cầu thang, biết chuyện chẳng lành đã xảy ra liền chạy vào rừng tìm nàng. Chạy hết núi gần đến rừng xa, gọi mãi, gọi mãi vẫn không thấy người yêu, Khum kiệt sức ngã xuống và biến thành con chim lẻ loi có tiếng kêu thống thiết...
 |
Hoa ban. Ảnh: TTXVN. |
Gắn với sự tích của loài hoa đẹp này là Lễ hội Hoa ban thường được tổ chức vào tháng Hai âm lịch. Đây là một lễ hội mang tính tâm linh, tín ngưỡng của đồng bào dân tộc Thái. Người ta thỉnh bái thần rừng, thần hang và hồn vía đôi trai gái yêu nhau qua sự tích hoa ban để cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, cuộc sống lành yên.
Tuy nhiên, những lần lên Điện Biên, có lẽ ấn tượng đọng lại với tôi, trong tôi nhiều nhất, sâu nhất vẫn là ám ảnh lịch sử. Biết bao trầm tích ẩn chứa trong vùng đất cổ được những người Lự ở lòng chảo rậm rịt, hoang vu này khai phá từ thế kỷ 9-10. Đến thế kỷ 11-12, người Tày Đăm (Thái Đen) từ Mường Ôm, Mường Ai tràn xuống chiếm Mường Lò (Nghĩa Lộ), để rồi từ đây, những cư dân sơn cước này theo thủ lĩnh của mình là Pú Lạng Chượng tràn qua Than Uyên, Văn Bàn... và cuối cùng làm chủ cả một vùng mênh mông có tên gọi Mường Lò (Nghĩa Lộ), Mường La (Sơn La) và Mường Thanh (Điện Biên)...
Mùa hoa ban. Tôi càng nhớ em. Em sinh ra ở Điện Biên, nay làm báo ở Thủ đô. Trong chuyến hành hương lên Tây Bắc năm nào, em là một trong những người trẻ nhất. Tôi mang trong mình những lời dân ca Thái em hát bên hoa ban trong đêm trăng tháng Hai bên hồ Pe Luông: “Kinh khửu huôm bó cựa / Khí hưa huôm ta bải / Ải cánh Noọng huôm nén liêu / Panh xương nghịa păn pi nhá liêu”. Em dịch ra tiếng Việt cho tôi hiểu: “Ăn cơm chung nguồn muối/ Xuống suối chung thuyền chèo/ Anh với em chung thủy đừng phai/ Yêu thương ngàn năm đừng quên”...
Chao ôi, tới bao giờ tôi mới thấu hiểu cái "nguồn muối" của trập trùng Tây Bắc, cái "nguồn muối" nuôi dưỡng tình yêu muôn đời nơi lòng chảo Mường Thanh, của hoa ban. Xa biển, nhưng cái "nguồn muối" ấy đã thành dân ca cho em hát, mặn vào máu thịt cuộc đời và truyền lưu mãi mãi. Những người lính Cụ Hồ chiến đấu và hy sinh trên mảnh đất Điện Biên cũng là để góp phần gìn giữ cho "nguồn muối" ấy không phai nhạt. Cũng để cho tôi, sau những lần gặp gỡ Điện Biên, càng thấy mặn mòi và sâu lắng hơn với vùng đất lịch sử, xứ sở của áo cóm, khăn piêu, của múa sạp, múa xòe, mỗi độ xuân về, hoa ban nở trắng rừng như bản tình ca Tây Bắc không bao giờ mất.
NGUYỄN HỮU QUÝ