QĐND - Truyện thơ Nôm nổi tiếng thời trung đại nước ta là “Bích Câu kỳ ngộ” có câu thơ này: Từ lang chớ để lạc vào non tiên… Đấy là nói về cái tích trong truyện dân gian “Từ Thức”: Mùa xuân năm ấy vùng Tiên Du mở hội. Người đông, cảnh nên thơ thật hiếm có. Một thiếu nữ xinh đẹp tuyệt trần dạo gót nơi vườn chùa đang sực nức hương thơm. Chẳng may nàng vô tình làm gãy một cành hoa, nhà chùa liền bắt đền. Đương lúc bối rối có một chàng công tử biết chuyện liền vô tư cởi tấm áo lông cừu trắng quý giá đang mặc trả cho nhà chùa để cô gái tự do…

Chàng trai ấy tên là Từ Thức.

Mấy năm sau, tuy đã là tri huyện, nhưng vì là văn nhân ham thích nơi sơn cùng thủy tú nên vào mùa xuân chàng vẫn đi đây đó ngắm cảnh làm thơ. Lần ấy, chàng lạc vào một vùng đất lạ phong cảnh thần tiên, con người đáng mến. Chàng gặp lại cô gái năm trước mình đã cứu giúp, mới biết nàng là tiên, có tên Giáng Hương, xứ này là nơi tiên ở. Chàng cùng Giáng Hương kết nghĩa vợ chồng… Đã một năm sống cùng tiên, ở đất tiên, ăn cơm tiên nhưng chàng không thể quên được cõi trần liền tạm biệt vợ yêu để về nơi chốn cũ. Một ngày cõi tiên bằng cả năm cõi trần, chàng và người đời không thể nhận ra nhau. Cõi tiên không thể quay lại. Chàng lặng buồn bỏ vào núi, để lại cho cháu chắt mình bao đời sau câu chuyện về Từ Thức gặp tiên…

Chẳng biết chuyện gặp tiên của chàng Từ Thức là may hay là không may mà tác giả của câu chuyện thơ nổi tiếng trên lại khuyên người đời “Từ lang chớ để lạc vào non tiên”. Dĩ nhiên Từ lang ở đây không phải là Từ Thức mà là những ai giống phong thái Từ Thức xưa: Hào hoa, phong nhã, văn nhân, quân tử… Nói gọn lại, theo ngôn ngữ hôm nay là chỉ tầng lớp văn nghệ sĩ - những người làm công tác sáng tạo văn học nghệ thuật.

Nhưng cứ theo ý tứ của truyện “Từ Thức” thì ta có thể hiểu thế này: Cõi tiên cũng thích thật nhưng không thể ở mãi được, do vậy người đời chớ để lạc vào non tiên. Nhất là những ai giống như Từ Thức (nghĩa là các văn nghệ sĩ) càng không nên như chàng, mà phải tỉnh táo đi giữa cõi trần để quan sát, tìm hiểu, phân tích, suy ngẫm… mà sáng tạo.

Nếu đấy là ý nghĩa câu chuyện thì quả các bậc tiền nhân thật thiên tài vì nhìn trước được bức tranh văn học nghệ thuật hôm nay (chỉ xin nói về thơ, vì chúng ta đang có “ngày thơ”). Phải nói rằng, rất nhiều nhà thơ hôm nay đều là các bậc Từ Thức cả, nghĩa là họ cũng sống ở cõi khác, không phải cõi trần, xa lạ với thực tế, lãng mạn xa vời. Do vậy thơ của họ không phải thơ của cuộc sống hôm nay mà thường chỉ hay nói về “cõi tiên”, “người tiên’… Nghĩa là rất xa lạ, rất hoang đường, kỳ ảo. Thậm chí có hẳn một bút pháp của thơ ở đầu thế kỷ XXI, là bút pháp ảo hóa, kỳ diệu hóa, xa lạ hóa. Hẳn nhiên chưa thể khẳng định ngay hướng đi này là đúng hay chưa đúng, chưa hay hoặc hay. Nhưng rõ ràng nó phi thực, xa với người đọc vốn phần lớn là những con người lao động. Phải chăng vì lý do này mà độc giả ngày một xa lạ với thơ?!

Chúng tôi - những bạn đọc thân thiết của thơ thì cứ muốn rằng, các nhà thơ đi theo quan niệm của Nam Cao, nhà văn của nhân dân lao động: “Nghệ thuật không phải là ánh trăng lừa dối, không nên là ánh trăng lừa dối!”. Nghệ thuật phải làm “cho người gần người hơn”. Và dĩ nhiên, đây cũng chỉ là một hướng sáng tạo…

NGUYÊN THANH