Vùng đất địa linh nhân kiệt
Theo GS, TS, NGND Nguyễn Quang Ngọc, nguyên Chủ nhiệm Khoa Lịch sử Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội: Huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng) là vùng đất địa linh nhân kiệt. Nếu tính từ ngày triều đình nhà Nguyễn chấp nhận đề nghị của Tổng đốc Hải Dương Nguyễn Công Trứ thành lập huyện Vĩnh Bảo thì năm 2018 này huyện Vĩnh Bảo tròn 180 tuổi. Thế nhưng vùng đất này trước đó đã được ghi nhiều vào sử sách bởi đây là quê hương của Danh nhân văn hóa Trạng Trình-Nguyễn Bỉnh Khiêm và rất nhiều cử nhân, bảng nhãn, thám hoa, tiến sĩ trong các triều đại phong kiến Việt Nam.
 |
Đền thờ Trạng Trình-Nguyễn Bỉnh Khiêm tại xã Lý Học. |
Trong thế kỷ 20 và thế kỷ 21, Vĩnh Bảo tiếp tục khẳng định là vùng đất hiếu học. Nhiều người ngạc nhiên bởi các lớp học “trường làng” ở Vĩnh Bảo lại có học sinh đỗ thủ khoa đại học; đoạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia và quốc tế. Cách đây mấy năm, nhiều tờ báo đã giật tít “Một lớp học có 3 thủ khoa và 1 á khoa đại học”. Lớp học đó thuộc Trường THPT Vĩnh Bảo.
Nghệ sĩ Ưu tú Trần Lực kể rằng: Anh sinh ra trong một gia đình có truyền thống văn học nghệ thuật ở xã Cổ Am (Vĩnh Bảo). Ông nội anh là nhà văn Trần Tiêu (em trai nhà văn Khái Hưng), cha là Nghệ sĩ Nhân dân Trần Bảng. Chính vùng đất "địa linh, nhân kiệt" của quê hương là điểm tựa chắp cánh những ước mơ của các nghệ sĩ, trong đó có anh.
Anh hùng trong kháng chiến, điển hình trong hòa bình
Từ ngày có Đảng, Vĩnh Bảo được cả nước biết đến bởi nơi đây đã cung cấp cho Đảng nhiều cán bộ có đức, có tài; nơi chứng kiến nhiều chiến công vang dội khiến kẻ thù khiếp sợ. Hàng vạn thanh niên Vĩnh Bảo đã hăng hái lên đường ra mặt trận, trong số đó, gần 5.000 người con ưu tú đã anh dũng chiến đấu hy sinh bảo vệ quê hương đất nước; hơn 3.000 thương binh; gần 12.500 tập thể, cá nhân được Nhà nước tặng thưởng huân, huy chương. Kết thúc hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Đảng bộ, quân, dân Vĩnh Bảo và 6 xã: Cổ Am, Đồng Minh, Cao Minh, Tam Đa, Dũng Tiến, Liên Am; 2 đơn vị trung đội du kích tập trung của huyện và Tiểu đoàn “Đường 10 quật khởi” được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
 |
Nơi thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của huyện Vĩnh Bảo năm 1938 tại xã Cổ Am. |
Phát huy truyền thống của quê hương anh hùng, những năm vừa qua, Đảng bộ và nhân dân Vĩnh Bảo không ngừng nỗ lực phấn đấu, vượt qua khó khăn thử thách, giành được nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh và trở thành điển hình trong phong trào thi đua của TP Hải Phòng. Năng suất lúa trong nhiều năm qua luôn ở vị trí dẫn đầu thành phố. Cơ cấu kinh tế chuyển biến tích cực. Toàn huyện đã thực hiện tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, triển khai thực hiện được hơn 113,5ha sản xuất lúa đặc sản có liên kết và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân; triển khai thực hiện mở rộng dự án nông nghiệp công nghệ cao tại 2 xã Tân Liên và Tam Đa, tổng diện tích là 161,5ha…
Đô thị trong tương lai
Vào những ngày này, Vĩnh Bảo như một công trường. Quốc lộ 37 đoạn vào Khu di tích Quốc gia đặc biệt Trạng Trình-Nguyễn Bỉnh Khiêm đang gấp rút thi công. Trong tương lai không xa, gần 10km đường từ thị trấn Vĩnh Bảo đến xã Lý Học sẽ như một công viên lớn với đôi bờ sông Chanh Dương thơ mộng được kè đá và đường thảm nhựa phẳng lỳ kèm theo những hàng dừa, vạt hoa, thảm cỏ. 3 khu công nghiệp của huyện (Vinh Quang, An Hòa, Giang Biên 2), 3 cụm công nghiệp (Tân Liên, Dũng Tiến-Giang Biên, Cầu Nghìn) rộn vang tiếng máy và tiếng cười của công nhân lúc tan ca.
 |
Khánh thành Trung tâm văn hóa Nguyễn Bỉnh Khiêm, công trình chào mừng 180 năm thành lập huyện Vĩnh Bảo. |
Theo bản điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội huyện Vĩnh Bảo đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 thì Vĩnh Bảo trong thời gian tới sẽ phát triển thành một địa phương có cơ cấu kinh tế công nghiệp-dịch vụ-nông nghiệp tiên tiến, có công nghệ sản xuất và chất lượng sản phẩm cao, tăng trưởng xanh và trở thành trọng điểm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của Hải Phòng. Giá trị sản xuất giai đoạn 2026-2030 tăng 12,51%/năm. Thu nhập bình quân đầu người đạt 50 triệu đồng (2.325USD) vào năm 2020; 85 triệu đồng (3.953USD) vào năm 2025 và 108,57 triệu đồng vào năm 2030 theo giá hiện hành.
Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia năm 2020 là 75%, năm 2025 là 90%, năm 2030 là 100%. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 91,3% vào năm 2020, 95% vào năm 2025 và 100% vào năm 2030. Phấn đấu 100% số xã, thị trấn đạt chuẩn về nông thôn mới và huyện đạt tiêu chuẩn nông thôn mới vào năm 2020. Tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2020 đạt 75%, năm 2025 đạt 85%, năm 2030 đạt 90%.
Trong tương lai không xa, Vĩnh Bảo có thể sẽ trở thành một đô thị, nhưng những người yêu mến Vĩnh Bảo mong rằng, những truyền thống tốt đẹp của vùng đất địa linh nhân kiệt phải được gìn giữ và niềm tự hào là dân Vĩnh Bảo sẽ mãi mãi trường tồn.
Bài và ảnh: ĐỖ PHÚ THỌ