 |
Họa sĩ Nguyễn Oanh Phi Phi. |
Hai năm là khoảng thời gian không dài, nhưng đối với cô họa sĩ trẻ Nguyễn Oanh Phi Phi là một khoảng thời gian đầy ý nghĩa. Đó là thời gian cô quay trở về mảnh đất quê hương nguồn cội của mình, sống và tìm hiểu, học tập về một loại hình nghệ thuật rất riêng, rất truyền thống của Việt Nam – sơn mài. Mới đây, được sự hỗ trợ của Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam, Phi Phi đã ra mắt khán giả Thủ đô một cuộc triển lãm đầy ấn tượng của sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại với tên gọi “Hộp đen”.
Nguyễn Oanh Phi Phi sinh năm 1979 tại Hao-xtơn, bang Tếch-dát, bố mẹ đều là người Việt. Chị đã đỗ cử nhân mỹ thuật tại trường thiết kế Parsons. Năm 2005, Phi Phi sang Việt Nam theo học bổng Fulbright để nghiên cứu về chất liệu sơn mài truyền thống. Kể từ đó chị sống tại Hà Nội và làm việc với chất liệu sơn mài. Những tác phẩm được trưng bày tại triển lãm “Hộp đen” lần này đã được chị thực hiện trong khoảng thời gian một năm rưỡi sau khi sang Việt Nam.
Triển lãm “Hộp đen” gồm 16 hộp sơn mài đen hình chữ nhật có kích thước lớn được xếp thành hai hàng song song với nhau. Các nắp hộp là những bức tranh nhiều màu sắc khắc họa những hình ảnh phản ánh các đối tượng vật chất hằng ngày mà tác giả nghe, nhìn và thấy như xe máy, cột điện, cần trục xây dựng, sự chật hẹp của đô thị hay mâm cơm của người Hà thành… Hình ảnh trong tranh của Phi Phi vừa bình dị, vừa quen thuộc, đã đưa chất liệu sơn mài, một chất liệu thường được sử dụng cho các biểu tượng cao quý và linh thiêng vượt ra khỏi không gian biểu đạt thường thấy của nó. Và có một điều đặc biệt là các đối tượng này đều được Phi Phi phản ánh ở trạng thái tĩnh - trạng thái mà trong hội hoạ người ta gọi là “sự chết”, và qua “sự chết” ấy, triển lãm lại cho người xem thấy một Hà Nội đang thay đổi nhanh chóng.
Có thể nói, tính truyền thống trong tranh của Phi Phi không chỉ qua các đề tài mà chị đã thể hiện, mà nó bộc lộ ngay từ việc chị chọn sơn mài - một chất liệu truyền thống và khó sử dụng, nhưng lại đậm dấu ấn Việt Nam, một loại chất liệu được các nhà hội họa coi là vĩnh cửu và làm tranh sơn mài một cách thủ công nhất. Bởi vậy, chính chị cũng thừa nhận mình “bất lực trong việc làm chủ toàn bộ hiệu quả cuối cùng của hình ảnh, và sẽ phải làm việc nương theo ngẫu nhiên” do sự tác động của các yếu tố môi trường tới chất lượng sơn mài của tác phẩm. Những tác phẩm của chị được đánh giá là “thăm thẳm, có chiều sâu và sắc màu lộng lẫy với việc sử dụng chất liệu vàng, bạc đúng chỗ”. Tiến sĩ Nô-ra Tây-lơ, tác giả cuốn “Các họa sĩ Hà Nội - Một ngành Dân tộc học về Nghệ thuật Việt Nam” đã nhận xét: “Nhìn dưới nhiều góc độ, tác phẩm Hộp đen của Phi Phi đã phục sinh lại được mối lương duyên xưa giữa sơn mài và tính vĩnh cửu hay sự siêu ngợp… Kỹ thuật vẽ tinh xác của Phi Phi đã nắm bắt lại được các khoảnh khắc phù du. Các tấm tranh đầy chất lễ hội với hình ảnh mâm cỗ, những đóa hoa, thảm lá rụng, xe gắn máy, không gian mênh mông và nước. Tất cả chúng, sống động và bừng gợi cảm xúc, ngời rực lên trong ánh sáng”.
 |
Tác phẩm “Bản tin”. |
Dựa trên chất liệu sơn mài truyền thống, Phi Phi đã mang đến cho công chúng Việt Nam những cảm nhận mới về một triển lãm mang tính khai phá bởi cách tiếp cận và sử dụng rất hiện đại của chị. Sự hiện đại ấy trước hết thể hiện ở việc chị chọn hình thức triển lãm cho các tác phẩm sơn mài của mình là triển lãm sắp đặt, một loại hình nghệ thuật rất mới của thế giới. Ở triển lãm sắp đặt này, những bức tranh sơn mài thường được treo trên tường được chị sáng tác là mặt của những chiếc hộp lớn, mà các cạnh xung quanh đều màu đen. Chúng được xếp thẳng nhau trên sàn nhà, giữa những lối đi dành cho người xem, tạo ra một không gian thưởng thức nghệ thuật lạ cho công chúng. Các hòm khổ lớn này, theo như tác giả “gợi nhớ về những rương báu vật chuyên lưu trữ những đồ lưu niệm quý giá” (phụ nữ Việt Nam thường có một chiếc hộp sơn mài có trang trí ở bề mặt trên, dùng để cất nữ trang và đồ lưu niệm).
Trong không gian được sắp đặt rất lạ ấy, tác giả bố trí ánh sáng màu rất yếu, tản xung quanh (khác với các triển lãm mỹ thuật thường sử dụng ánh sáng trắng mạnh, chiếu đều). Dưới nền ánh sáng đó, các bức tranh của Phi Phi tạo nên một hiệu ứng mạnh, khiến người xem phải suy nghĩ, về những ký ức, về sự thay đổi của một Hà Nội hôm nay.
Về triển lãm, Nguyễn Oanh Phi Phi đã tâm sự với người xem “Sinh ra và lớn lên ở Hao-xtơn với cha mẹ đều là người Việt, tôi luôn bị tác động bởi sự tương phản giữa các giá trị văn hóa Việt Nam và phương Tây. Năm 2004, lần đầu tiên tôi đã về Việt Nam để bắt đầu chuyến khám phá về tranh sơn mài truyền thống Việt Nam… Tôi tiếp cận với chất liệu sơn mài bằng vốn liếng nghệ thuật được đào tạo tại phương Tây. Với tác phẩm “Hộp đen”, tôi đã sử dụng chất liệu sơn ta hữu cơ trong vai trò chất liệu thô vụng nguyên sơ dưới hình thái một tác phẩm sắp đặt, đồng thời vừa thách thức ý tưởng về truyền thống thủ công tại địa phương, vừa vinh danh dòng nghệ thuật duy vật thể”.
Với ý tưởng và mục đích đó, triển lãm “Hộp đen” của chị đã thu hút đông đảo người xem. Nó là kết quả của những trăn trở không nguôi của chị sau những tác động bởi những tương phản giữa các giá trị văn hóa của Việt Nam và phương Tây - một kết quả của sự hòa hợp mới mẻ và thú vị giữa nghệ thuật truyền thống Việt Nam và nghệ thuật hiện đại phương Tây.
Bài và ảnh: Phạm Thành Huyên