Sở hữu gương mặt khả ái và giọng nói truyền cảm, bạn bè và thầy cô Khoa Phát thanh-Truyền hình (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) năm xưa đều tin Ngọc Hà sẽ sớm trở thành MC truyền hình hoặc là phát thanh viên. Ít ai hình dung, chị lại lặn lội đến tận xã vùng biên, lênh đênh trên biển, đi vào “điểm nóng” như sự cố môi trường Formosa... Ước mơ làm truyền hình từ bé, cùng với khao khát khám phá năng lực của bản thân là động lực thôi thúc chị luôn sẵn sàng nhận và hoàn thành thử thách mới trong công việc.

leftcenterrightdel
 Đại úy, nhà báo Phạm Thị Ngọc Hà (bên trái) dẫn chương trình chuyên đề "Quốc phòng địa phương". Ảnh do nhân vật cung cấp

Nhớ lại những ngày đầu khi mới thực hiện chương trình chuyên đề “Biển đảo Tổ quốc”, “Quốc phòng địa phương”, Ngọc Hà cảm thấy bao khó khăn khi không trải qua môi trường Quân đội, chưa từng thực hiện các đề tài chính luận. Để vượt qua thách thức này, Ngọc Hà tự mình tìm hiểu kiến thức quân sự, quốc phòng, chịu khó học hỏi đồng nghiệp đi trước để hoàn thành các chuyên đề, kịp thời phát sóng. Ngọc Hà còn có ý thức đổi mới, làm “mềm hóa” các vấn đề thông qua những câu chuyện gần gũi, cách kể chuyện nhẹ nhàng để khán giả dễ tiếp nhận.

Không tự hài lòng với việc hoàn thành các chương trình phát sóng thường xuyên, mỗi khi phát hiện ra một câu chuyện, một vấn đề có thể đào sâu, Ngọc Hà chủ động sắp xếp công việc khoa học để thực hiện các phóng sự, phim tài liệu. Tình cờ nghe đồng nghiệp kể về hoàn cảnh khó khăn của các em nhỏ ở Trường Mầm non xã Pa Vây Sử (Phong Thổ, Lai Châu) với mức tiền ăn chỉ 7000 đồng/ngày, Ngọc Hà đã vận động những nhà hảo tâm, quyên góp gần 150 triệu đồng để giúp đỡ các em. Khi thực hiện hoạt động thiện nguyện này cùng Hội Phụ nữ Trung tâm Phát thanh-Truyền hình Quân đội, chị phát hiện cán bộ, chiến sĩ Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 356 (Quân khu 2) đã có nhiều nghĩa cử cao đẹp giúp đỡ cô, trò trường mầm non và các em học sinh trên địa bàn. Phim tài liệu “Chuyện chưa cũ” ra đời để lại ấn tượng sâu đậm bởi phim không có lời bình, chỉ để những cô giáo dành cả thanh xuân cắm bản dạy học, cán bộ Quân đội giúp dân xóa đói, giảm nghèo, dành dụm kinh phí hỗ trợ các em học sinh... kể chuyện. Tác phẩm sau đó đã giành giải B Giải Báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (Giải Búa liềm vàng) lần thứ VII-năm 2022. Bảng thành tích của Ngọc Hà còn có thể kể thêm giải thưởng toàn quốc về Thông tin đối ngoại, Liên hoan truyền hình toàn quốc với các tác phẩm ấn tượng khác như: “Người nghĩ mới, đi đầu”, “Sắc xuân biên giới”, “Những bác sĩ đặc biệt”... Các tác phẩm báo chí chuyên sâu này đều cố gắng đi đến tận cùng các câu chuyện để chuyển tải thông điệp ý nghĩa đến với khán giả. Để làm được như vậy, ở nhiều thời điểm, Ngọc Hà dành hết thời gian cho công việc, nhiều đêm thức trắng bên bàn dựng. 

Bên cạnh hoàn thành tốt công việc chuyên môn, Ngọc Hà còn là cán bộ phụ nữ tham gia tích cực, tổ chức nhiều chương trình thiện nguyện thiết thực: Tặng quà đồng bào huyện Trùng Khánh (Cao Bằng), tặng nhà tình nghĩa tại tỉnh Quảng Trị, trao tặng công trình nước sạch cho 9 điểm trường tại huyện Phong Thổ... Nghề báo đã mang lại cơ duyên để Ngọc Hà đến với những số phận kém may mắn và cũng là cơ hội gặp gỡ các mạnh thường quân.

Thời gian này, Ngọc Hà cùng các đồng nghiệp đang thực hiện chương trình thực tế “Lớp học vì sao” dành cho trẻ em, sẽ phát sóng đúng dịp kỷ niệm 10 năm ngày phát sóng kênh QPVN. Một chương trình mới là thử thách mới, cũng là một lần để Ngọc Hà làm mới bản thân trong công việc, để tình yêu với nghề báo vẹn nguyên như thuở ban đầu.

HOÀNG HOÀNG