Chuẩn úy Xayyakhan Varthee, tỉnh Champasak, Lào hiện là học viên năm thứ ba, Khoa Văn thư lưu trữ và Báo chí, Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội. Sinh ra trong gia đình làm nông nên tuổi thơ Xayyakhan phải trải qua nhiều khó khăn, gian khổ. Qua tìm hiểu về môi trường học tập tại Việt Nam từ các lớp anh chị đi trước, bằng sự nỗ lực của mình, năm 2020, Xayyakhan Varthee đã đủ điều kiện để sang Việt Nam học tập.

leftcenterrightdel
Chuẩn úy Xayyakhan Varthee dành thời gian đọc sách để sưu tầm tư liệu.

Hai tay thoăn thoắt gõ những câu lệnh trên máy tính, trong ánh mắt toát lên sự tự tin với kiến thức học tập được tại Việt Nam về bộ môn mình yêu thích, Xayyakhan Varthee chia sẻ: “Môi trường học tập tại Việt Nam rất tốt, thầy cô và bạn bè đều thân thiện, tận tình giúp đỡ tôi trong quá trình học tập. Nhà trường cũng trang bị cho học viên nhiều kỹ năng cần thiết để phục vụ cho công việc sau này”.

Trước mắt, Xayyakhan Varthee đặt ra mục tiêu học tập tốt để mai sau trở về cống hiến cho quê hương. Còn sau này, nếu có điều kiện, Xayyakhan hy vọng sẽ được làm việc tại Việt Nam để tiếp tục học chuyên sâu về ngành Báo chí và Tuyên truyền.

Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội hiện đang có 50 học viên Lào theo học, thuộc các chuyên ngành như thanh nhạc, âm nhạc, múa, báo chí... Đại tá, TS Trịnh Lan Hương, Chủ nhiệm Khoa Văn thư lưu trữ và Báo chí cho biết: “Các bạn học viên Lào đang học tại trường đều thuộc dạng học bổng do Nhà nước và Bộ Quốc phòng Việt Nam hỗ trợ. Theo đó, các lưu học sinh sẽ được hỗ trợ 100% học phí, kể cả chi phí sinh hoạt; nhà trường sẽ hỗ trợ về vật chất và các trang bị học tập".

leftcenterrightdel

Đại tá, TS Trịnh Lan Hương, Chủ nhiệm Khoa Văn thư lưu trữ và Báo chí, Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội.

Đối với các bạn học viên Lào tại Việt Nam nói chung và học viên Lào tại Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội nói riêng, rào cản lớn nhất chính là ngôn ngữ, thêm vào đó, việc phải làm quen môi trường sống mới làm cho khó khăn dường như tăng lên gấp bội. Để giải quyết vấn đề này, Nhà trường đã bố trí các học viên Lào ở cùng ký túc xá với các bạn Việt Nam để thuận tiện trong việc giao tiếp, học tập.

Học viên Lào có ý thức học tập tốt, biết cân đối thời gian dành cho các hoạt động học tập, sinh hoạt một cách khoa học; tích cực học tập trên giảng đường và nhiệt tình tham gia các hoạt động ngoại khóa, giao tiếp, giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao… Bên cạnh việc học tập, nghiên cứu, tích lũy kiến thức chuyên môn, các bạn học viên Lào còn rất hứng thú tìm hiểu về văn hóa, lịch sử và truyền thống của Quân đội nhân dân Việt Nam, đất nước và con người Việt Nam.

leftcenterrightdel
 Trung úy Suoksavanh Souvannalat thực hiện bài tập môn phỏng vấn phát thanh.

Trung úy Souksavan Souvannalat, trú tỉnh Savannakhet, Lào, học viên năm thứ ba, Khoa Văn thư lưu trữ và Báo chí, Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội cho biết, việc ở chung ký túc xá đã giúp các bạn có môi trường để giao lưu, học hỏi với các bạn Việt Nam, sớm nắm bắt, làm quen những nét văn hóa và con người nơi đây. Nhà trường còn dành riêng một năm để lưu học sinh học tập tiếng Việt, tạo tiền đề để các bạn dễ dàng tiếp cận được những giáo trình, bài giảng và đạt kết quả tốt trong học tập.

Còn với nữ học viên Khanthaly Sibanthong (Xieng Khoang, Lào), sau một năm học tiếng Việt, em đã đăng ký được ra ngoài để đi chợ, mua sắm…, từ đó tích lũy cho mình vốn tiếng Việt cũng như trau dồi kiến thức tốt hơn thông qua giao tiếp hằng ngày.

“Thời gian đầu, tiếng Việt của em chưa tốt nên em đã gọi sai tên các loại rau, đồ dùng và món ăn Việt Nam. Thế nhưng, điều làm em vui nhất là, khi biết em là học viên Lào, các cô chú, anh chị bán hàng đều tỏ ra rất vui vẻ và thân thiện, họ còn chỉ bảo thêm cho em về tiếng Việt”, Khanthaly Sibanthong chia sẻ.

leftcenterrightdel
Chuẩn úy Khanthaly Sibanthong chụp ảnh lưu niệm với cô giáo Việt Nam.

Theo Đại tá, TS Trịnh Lan Hương, đội ngũ giảng viên Nhà trường đã tạo điều kiện thuận lợi, giúp đỡ việc học tập cho các bạn học viên Lào thông qua nhiều hình thức như: Lựa chọn phương pháp dạy học phù hợp nhất với học viên quốc tế; biên soạn tài liệu tham khảo, tổ chức sinh hoạt chuyên môn phục vụ việc dạy học cho học viên Lào; hướng dẫn học viên nghiên cứu khoa học, viết các tác phẩm đăng trên báo, tạp chí của Lào, Việt Nam; tạo môi trường giao tiếp để học viên nâng cao trình độ, kỹ năng thực hành tiếng Việt; tổ chức chương trình học tập ngoại khóa với nhiều hoạt động phong phú...

leftcenterrightdel
Đại úy Phitsamay Keomahavong (thứ hai, từ trái sang) tham gia cuộc gặp mặt truyền thống nhân dịp kỷ niệm 78 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.

Đại úy Phitsamay Keomahavong, học viên năm thứ tư, Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội chia sẻ: “Học tập xa quê, không có người thân, bạn bè là việc rất khó khăn, nhất là đối với một học viên nữ. Tuy nhiên, các thầy cô, bạn bè người Lào và Việt Nam đều rất thân thiện, hòa đồng giúp em có cảm giác ấm cúng như người trong một nhà. Khi về nước, em luôn kể về cuộc sống cũng như môi trường học tập của em tại Việt Nam để cho các thế hệ sau em phấn đấu học tập”.

Với việc tạo mọi điều kiện tốt nhất, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho học viên, chú trọng trong công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cho nước bạn Lào, Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội đã góp phần vun đắp mối quan hệ anh em, hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Lào ngày càng gắn bó.

Bài, ảnh: Phaylin BOUNYANG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.