Một số hạng mục trong di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám được quét vôi.
Trước thông tin này, trao đổi với báo giới, ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám khẳng định: Việc tu sửa một số hạng mục di tích Văn Miếu-Quốc Tử Giám đúng quy trình, các hạng mục này nhiều năm không được vệ sinh, tu bổ nên bị nấm mốc, rêu bẩn. Du khách kêu ca phàn nàn. Nếu không tu sửa công trình sẽ xuống cấp, thậm chí sập đổ.
Theo hồ sơ trùng tu, bảo tồn di tích, hơn 3 năm nay, hệ thống tường rào xung quanh di tích, tường nhà các khu vực… không được vệ sinh định kỳ nên bong tróc, rêu phủ lớp dày. Riêng công trình nhà Bái đường gần 20 năm chưa vệ sinh cấu kiện nên nấm mốc, mọt, gây nguy hiểm với du khách… Trước thực trạng đó, tháng 5-2016, Trung tâm đã có văn bản trình Sở Văn hóa-Thể thao Hà Nội và gửi UBND TP Hà Nội xin chủ trương cho phép Trung tâm sử dụng một phần kinh phí từ việc thu phí để thực hiện các hoạt động nghiệp vụ năm 2016, trong đó có việc vệ sinh các cấu kiện gỗ sơn son thếp bạc phủ hoàn kim tại Bái đường, hậu cung khu Văn Miếu; quét vôi, trám vá bề mặt các họa tiết trên cổng, trụ biểu, tường ngăn khu di tích. Chủ trương này được UBND thành phố Hà Nội đồng ý tại văn bản 4516/VP-KT ngày 3-6-2016. Từ tháng 11-2016, Trung tâm Khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám đã mời Trung tâm kỹ thuật công nghệ bảo tồn di tích (thuộc Viện Bảo tồn di tích, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) khảo sát và tư vấn vệ sinh ngay cấu kiện và quét vôi trang trí lại lên những tường bị rêu bao phủ để tránh tình trạng xuống cấp.
Với nhiều băn khoăn cho rằng, sau khi thực hiện sơn sửa, quét vôi mới đã làm cho di tích “mới”, khiến người dân và du khách lạ lẫm với di vốn đậm nét thâm trầm, Giám đốc Trung tâm Khoa học Văn Miếu, Quốc Tử Giám khẳng định, kỹ thuật quét vôi truyền thống pha với than bùn đang được thực hiện phổ biến, đúng khoa học trong quá trình tu sửa di tích ở Việt Nam. Cụ thể như Ô Quan Chưởng, đền Ngọc Sơn năm nào cũng thực hiện kỹ thuật này để tu sửa. Ban đầu cũng đã gây băn khoăn, nhưng làm đúng quy trình, khoa học lại do chính bàn tay những nhà khoa học, có trình độ, kỹ thuật xử lý bảo tồn di tích thì hoàn toàn yên tâm. Hơn nữa, vì kỹ thuật này không sử dụng hóa chất nên chỉ cần qua Tết nguyên đán năm 2017 màu xám trắng sẽ trầm thêm. Ông Lê Xuân Kiêu cũng cho biết thêm, từ nay việc quét sửa tường và các mục phụ của di tích Văn Miếu-Quốc Tử Giám sẽ diễn ra hàng năm. Không sử ngồn vốn Nhà nước trong quá trình tu sửa lần này mà là nguồn tiền ngân sách của Văn Miếu được trích lại từ quá trình bán vé tham quan của di tích.
CHÂU SA