QĐND Online – 23 chiếc trồng đồng đầu tiên trong dự án “Trống đồng- âm vang đất Tổ” đã được hoàn thiện để dâng lên Giỗ tổ Hùng Vương và gửi tặng Đại sứ quán Việt Nam tại một số nước sẽ được làm lễ nhập linh vào tối 2-4 tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng. Dự án do Công ty cổ phần đầu tư và truyền thông Kinh Đô, Công ty cổ phần đầu tư và phát triển AMC thực hiện dưới sự chỉ đạo của Hội Di sản và Hội Khoa học lịch sử Việt Nam.

Trống đồng khắc họa hình ảnh các di sản văn hóa Việt Nam được thế giới công nhận.

Hành trình rước trống từ Thanh Hóa về với Đất tổ vua Hùng đã đi qua nhiều tỉnh, thành và được đông đảo nhân dân hưởng ứng. Nói về ý nghĩa của dự án, GS.TS Đặng Văn Bài - Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam khẳng định: “Thờ cúng tổ tiên là nét văn hóa tâm linh đặc trưng của người Việt. Thời kỳ Hùng Vương là sự thăng hoa bừng nở của đạo thờ tổ tiên. Việc đúc trống đồng dâng lên tiên tổ để phần nào củng cố dân khí bởi dân khí là yếu tố quan trọng cấu kết lòng người. Đây là một dự án mang tính xã hội hóa, có sự hợp tác của một số doanh nghiệp. Sau buổi lễ nhập linh, 5 chiếc trống có đường kính 68cm, cao 60cm sẽ được trao tặng cho Bộ Ngoại giao để gửi đến Đại sứ quán Việt Nam tại một số nước. Tuy nhiên đây là lần đầu tiên thực hiện nên chúng tôi chỉ trưng bày để thí điểm, nếu được kiều bào và bạn bè quốc tế ủng hộ chúng tôi sẽ tiếp tục làm để gửi đến toàn bộ Đại sứ quán của Việt Nam ở các nước trên thế giới. Trống đồng là biểu tượng văn hóa lâu đời của người Việt nên việc quảng bá ra nước ngoài là việc làm cần thiết”.  

Nghệ nhân Nguyễn Minh Tuấn và chiếc trống nặng 470 kg

Để hoàn thiện dự án “Trống đồng- âm vang đất Tổ”, hàng trăm nghệ nhân và thợ đúc đồng lành nghề của tỉnh Thanh Hóa đã miệt mài làm việc trong thời gian 6 tháng để hoàn thiện đúng tiến độ. Nghệ nhân Thiều Quang Tùng, Trưởng ban nghiên cứu di sản văn hóa phi vật thể tỉnh Thanh Hóa, người trực tiếp chỉ đạo và triển khai thực hiện đúc trống cho biết: “Khó khăn lớn nhất đối với chúng tôi khi đảm nhiệm công việc này là trong khoảng thời gian ngắn mà phải hoàn thành khối lượng công việc quá lớn. Nhưng toàn bộ ê kíp thực hiện đã cố gắng thay phiên nhau làm cả ngày, đêm. Chiếc trống cuối cùng đã hoàn thành vào ngày 31-3. Đến bây giờ chúng tôi mới cảm thấy nhẹ nhõm và tâm đắc với thành quả có sự đóng góp lớn lao của một tập thể”.

Để dự án hoàn thành đúng tiến độ, Ban tổ chức phải chia thành 3 tổ đúc trống, mỗi tổ đảm nhiệm các công việc khác nhau. Đối với những chiếc trống thường đã có khuôn mẫu sẵn thì công việc đơn giản hơn nhưng với những chiếc trống đặc biệt phải có sự đầu tư về công sức và kỹ thuật đúc của những thợ lành nghề. Nghệ nhân Thiều Quang Tùng được giao nhiệm vụ đúc 6 chiếc trống có mô phỏng hoa văn, họa tiết các di sản văn hóa của Việt Nam đã được thế giới công nhận.

 

Họa tiết, hoa văn trên mặt trống

“Nghề đúc trống đồng ở Đông Sơn đã có từ lâu đời nhưng đã bị thất truyền nhiều nên khi triển khai làm 6 chiếc trống trên tôi phải tìm đọc lại những cuốn tài liệu nói về công nghệ đúc của cha ông ta. Kết hợp phương pháp đúc phổ thông với hiện đại, những họa tiết trên trống không bị mờ và khi đánh lên sẽ có kêu rền, vang”, nghệ nhân Thiều Quang Tùng chia sẻ.

Chiếc trống to nhất trong bộ sưu tập “Trống đồng – âm vang đất Tổ” nặng 470 kg, đường kính 108 cm, cao 88 cm, do nhóm của nghệ nhân Nguyễn Minh Tuấn thực hiện. Đây là chiếc trống để thờ đặt ở Đền Thượng của Khu di tích lịch sử Đền Hùng. Hoa văn trên trống mô phỏng theo hoa văn trống đồng Hy Cương. Nói về công đoạn đúc chiếc trống đại này, nghệ nhân Nguyễn Minh Tuấn cho biết: “Đây là chiếc trống to nên khó làm hơn những chiếc trống khác. Tổ của chúng tôi có 30 người làm trong 5 tháng. Trước khi làm hoa văn cho chiếc trống này tôi phải lên bảo tàng Hùng Vương để lấy mẫu họa tiết của chiếc trống cổ, sau đó làm phiên bản cho chiếc trống đại. Toàn bộ hoa văn trên trống này đều được làm thủ công nên họa tiết rất rõ nét”.

Lễ bàn giao trống đồng cho UBND tỉnh Phú Thọ sẽ diễn ra vào sáng 3-4, tại khu di tích lịch sử Đền Hùng. Vào ngày giỗ Tổ năm nay, lần đầu tiên tại nơi cội nguồn dân tộc sẽ vang lên những thanh âm trầm bổng của trống đồng để nhắc nhớ thế hệ con Hồng, cháu Lạc luôn hướng về cội nguồn.

Bài, ảnh: Khánh Huyền