Trịnh Công Sơn đã về bên kia núi được tám năm tròn. Lúc sinh thời, ông vẫn tin cuộc đời là cõi tạm hư vô và bản thân một người nhạc sĩ như ông rốt cuộc cũng chỉ mãn khai trong một đóa hoa vô thường. Ấy vậy mà từ ngày ông mất, dường như người Việt hát nhạc Trịnh nhiều hơn, nghe nhạc Trịnh nhiều hơn và nhớ ông nhiều hơn. Nói như nhiều người, Trịnh vẫn mãi còn ở trọ trần gian.

 

Thời gian...

Cứ vào khoảng thời gian cuối tháng ba đầu tháng tư này, những thế hệ ca sĩ, công chúng hát và yêu nhạc của ông lại hẹn nhau gặp gỡ trong những chương trình âm nhạc để nhớ về người nhạc sĩ tài hoa. Năm nay, Khu du lịch Bình Quới - nơi hội tụ của những người yêu nhạc Trịnh sẽ tiếp tục có sự xuất hiện của các nghệ sĩ Lan Ngọc, Quang Dũng, Đức Tuấn, Thủy Tiên, Trần Mạnh Tuấn, Bảo Phúc…trong “Rừng xưa đã khép” vào đêm 2-4. Nghệ sĩ ghi-ta Thanh Huy sẽ phụ trách đêm nhạc, với chủ đích nhẹ nhàng, mộc mạc gợi lại không khí nhạc Trịnh như thời trước giải phóng Trịnh Công Sơn hoặc các sinh viên ôm đàn ghi-ta hát. Đặc biệt chương trình không dùng trống jazz với chủ đích không đưa nhạc Trịnh vào những tiết tấu hiện đại.

Ca sĩ Ánh Tuyết và nhóm nhạc ATB có một đêm “Cát bụi” 1-4 tại Nhà hát Hòa Bình với điểm nhấn là trường ca Tiếng hát dã tràng do hợp xướng hơn 40 người biểu diễn; ca sĩ Thái Hòa và gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có “Mẹ-Cánh chim cô đơn” tổ chức tại cà phê sách Phương Nam; phòng trà Đồng Dao có đêm nhạc “Nhớ Trịnh Công Sơn” tối 29-3 đã được Let’s Viet-VTC9 truyền hình trực tiếp; một nhóm sinh viên Nhạc viện TP Hồ Chí Minh và Kiến trúc đã kết hợp với nhau tổ chức đêm nhạc Trịnh “Hoa trắng bay” để tưởng nhớ nhạc sĩ đúng vào “Giờ trái đất” (20 giờ 30 phút, ngày 28-3)… Có thể nói vào thời gian này, đi bất cứ vùng đất nào của Việt Nam, từ Hà Nội đến Huế, Đà Nẵng, hay TP Hồ Chí Minh, ta cũng có thể may mắn được tham dự một đêm nhạc Trịnh Công Sơn giản dị, ấm áp và tha thiết mến yêu. Chỉ riêng điều đó thôi cũng đủ cho thấy tình yêu và âm nhạc của người nhạc sĩ họ Trịnh đang còn “ở trọ” trong trái tim yêu thương của người thân, đồng nghiệp, khán giả như thế nào.

... Và không gian nhạc Trịnh

Hội quán Hội Ngộ của Trịnh nằm ngay trong khuôn viên Làng du lịch Bình Quới 1, quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh từ lúc ông còn sống, sau khi ông mất trở thành Nhà lưu niệm Trịnh Công Sơn. Người yêu nhạc Trịnh coi đó là “một cõi đi về” của Trịnh.

Năm 2006, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế đã quyết định dành 1000m2 đất ở đồi thông Thiên An để xây dựng nhà lưu niệm cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Đà Lạt cũng có hẳn một “đồi Trịnh Công Sơn” trong khu Mộng Mơ tuyệt đẹp.

Không gian nhạc Trịnh ở Hà Nội lại là những quán nhạc Trịnh với các đặc điểm thật riêng biệt: Một không gian trầm lắng, những bộ bàn ghế tre nâu, những cánh hoa sen, ánh điện nhẹ… Nào là “Hiên trà Trường Xuân”, nào là “Cuối ngõ”, nào là “Lư trà quán”… Những địa chỉ này chẳng xa lạ gì với người Hà Nội. Cũng lạ là chẳng có quán nhạc Trịnh nào rực rỡ, sang trọng trong những khách sạn cao tầng, trên những con đường tấp nập. Quán Trịnh thường được các ông bà chủ đặt trong những con ngõ nhỏ khiêm nhường. Nhưng có lẽ chính cái khiêm nhường ấy lại mang đến sự yên ắng khó kiếm tìm giữa Thủ đô; khiêm nhường nên phù hợp lạ lùng với chất tâm linh và văn hóa Đông phương của nhạc Trịnh. Khách đến đây, ngồi cả buổi tối nhâm nhi ly cà phê và nghe Trịnh. Nghe nhạc Trịnh để quên đi những ước muốn tầm thường trong cuộc sống, để thở phào với những lo toan bộn bề và cuối cùng là để hạnh phúc: “Cuộc sống đó có bao lâu mà hờ hững”.

Và cứ thế, rất đời thôi, nhạc Trịnh hiện diện giữa cuộc sống, nhẹ nhàng thấm thía trong cuộc đời.

HUYỀN THANH