Triều Khúc là một làng cổ nằm giữa hai triền sông Tô và sông Nhuệ. Lễ hội làng được tổ chức vào ngày Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng lên ngôi, nhằm tưởng nhớ công lao của người anh hùng đã phát động cuộc khởi nghĩa thắng lợi chống ách đô hộ của quân xâm lược phương Bắc tại Tống Bình (Hà Nội xưa) và công ơn tổ nghề đã mang lại cuộc sống ấm no cho dân làng.

Nam thanh niên làng Triều Khúc chuẩn bị cho điệu múa trống bồng. 

Theo lời kể của các cụ thì lễ hội làng Triều Khúc có từ xa xưa. Thời kỳ chiến tranh, dân làng không có điều kiện tổ chức lễ hội. Hòa bình lập lại, dân làng khôi phục việc tế lễ ở đình. Năm 1989, dân làng bắt đầu khôi phục lễ rước và tổ chức lễ hội đều đặn. Cộng đồng cư dân làng Triều Khúc là chủ thể chính của lễ hội. Người dân giữ các vị trí chủ chốt trong quản lý, vận hành, giữ gìn, bảo vệ lễ hội làng Triều Khúc. Dân làng quy định 3 năm tổ chức hội lớn (đại cờ phước) một lần. Vào những năm tổ chức hội nhỏ (tiểu cờ phước), dân làng chỉ tổ chức rước kiệu long đình và thực hành tế lễ tại đình.

Một trong những nét đặc trưng tại Lễ hội làng Triều Khúc là múa trống bồng (hay dân gian gọi là con đĩ đánh bồng). Theo truyền thuyết, múa bồng gắn liền với sự kiện Phùng Hưng tập hợp binh sĩ, đóng quân tại địa điểm là làng Triều Khúc ngày nay. Ban đầu, múa trống bồng được diễn nhằm giải trí cho binh lính khi mừng công thắng giặc.

Do trong quân không có nữ, các binh sĩ đóng giả con gái rồi múa mua vui. Sau khi Phùng Hưng qua đời, để tưởng nhớ ngài, nhân dân Triều Khúc đã lập đình thờ. Múa trống bồng do nam thanh niên thực hiện. Người được chọn vào đội múa trống bồng hầu thánh phải là nam giới chưa vợ và không trong thời gian chịu tang, nhân phẩm tốt, gia đình gia giáo, hòa thuận. Trong lúc trình diễn, người múa sẽ trang điểm giống như con gái, đầu đội khăn gỗ ngoài chít khăn mỏ quạ màu đỏ tươi, mặc quần áo trắng, bên ngoài quần, họ mặc thêm váy nhiễu màu đen trùng tới mắt cá chân, cổ quàng tấm lụa nhỏ có hình lá sen thêu hoa lá cách điệu (có những dải màu ngũ sắc rủ xuống); ngang lưng của họ thắt một tấm lụa dài màu xanh lục.

Theo anh Triệu Khắc Thảo, Phó chủ nhiệm Câu lạc bộ Múa trống bồng làng Triều Khúc, điều khó nhất trong múa bồng là làm thế nào để phối hợp nhịp nhàng giữa người múa với người múa và giữa các cặp múa mà vẫn thể hiện được tính lẳng lơ của các cặp múa từ ánh mắt, nụ cười và cách múa phải dẻo. Điều thú vị là, hiện nay, nhiều thanh niên làng Triều Khúc rất hào hứng với điệu múa này. Câu lạc bộ hiện có tới hơn 30 thành viên, trong đó có những thành viên là học sinh, có những em mới 5-6 tuổi cũng muốn đăng ký tham gia câu lạc bộ.

Múa rồng của làng Triều Khúc cũng có những nét riêng biệt theo truyền thống dân gian, có từ khi bắt đầu làm đình thờ Bố Cái Đại Vương. Múa rồng của làng Triều Khúc luôn có kèm múa sư tử và một số người cầm gậy, đeo mặt nạ bà Thanh Đề cùng múa. Anh Triệu Quang Chiến, Đội trưởng Đội Lân sư rồng cho biết: “Đoàn rước trong lễ hội có khi lên đến 100 người, vì thế chúng tôi thường phải huy động lực lượng là thanh niên, sinh viên, học sinh trên địa bàn. Các bạn trẻ ở Triều Khúc rất nhiệt tình tham gia nhưng vì số lượng đông nên công tác tổ chức lễ hội phải được chuẩn bị rất chặt chẽ để bảo đảm an toàn cho cả những người thực hiện và du khách, bảo đảm lễ hội diễn ra đúng nghi thức, vui, an toàn, góp phần gìn giữ, bảo vệ nét đẹp văn hóa làng Triều Khúc”.

Bài và ảnh: VÂN ÁNH

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.