Tác phẩm “Phụ nữ Hà Nội” của Lê Thị Kim Bạch.

Những năm gần đây, hoạt động mỹ thuật khá phong phú với các triển lãm tranh sơn mài, tranh sơn dầu, khắc gỗ, xếp đặt, gốm sứ… nhưng chưa từng có một cuộc trưng bày về tranh lụa của Việt Nam. Nhận thấy thiếu hụt đó, Vụ Mỹ thuật và Nhiếp ảnh Bộ Văn hoá-Thể thao và Du lịch phối hợp với Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tổ chức triển lãm chuyên đề tranh lụa Việt Nam lần đầu tiên tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, 66, Nguyễn Thái Học, Hà Nội từ nay đến 5-1-2007.

Để chuẩn bị cho cuộc trưng bày này, từ tháng 5-2007, Vụ Mỹ thuật và Nhiếp ảnh đã mời gọi các tác giả trong cả nước gửi tác phẩm. Sau 6 tháng phát động, Ban tổ chức triển lãm và hội thảo chuyên đề tranh lụa Việt Nam đã nhận được 578 tác phẩm của 320 tác giả gửi đến tham dự từ 45 tỉnh, thành phố trên cả nước, trong đó có 154 tác phẩm được chọn trưng bày tại triển lãm lần này.

Triển lãm này phát lộ những tín hiệu đáng ghi nhận, thể hiện những nỗ lực của các nhà mỹ thuật với mong muốn chấn hưng nghệ thuật vẽ tranh lụa Việt Nam đã bị phai nhạt trong nhiều năm nay. Trước hết, tất cả tranh lụa được gửi tới triển lãm lần này đều vẽ trên chất liệu lụa Việt Nam (trước đây thường vẽ nhiều trên lụa Trung Quốc, Nhật Bản), được dệt từ các làng nghề với chất liệu lụa đẹp, mỏng, mịn khiến các tác phẩm được vẽ có thể thể hiện tối đa nét mờ ảo, nhẹ nhàng, mỏng mảnh như có nước trong lụa của tranh lụa truyền thống. Bà Vũ Giáng Hương - Chủ tịch Liên hiệp các hội văn học-nghệ thuật cho rằng: đây cũng là một tiền đề tốt để phục hưng tranh lụa Việt Nam.

Điều đáng chú ý khác tại cuộc triển lãm này là đề tài được thể hiện trong các tác phẩm mang đậm hơi thở của cuộc sống đương đại. Bên cạnh một số ít tác phẩm về các đề tài truyền thống đã từng được nhắc đến như Bác Hồ vui Trung thu của họa sĩ Lai Thành, Đại cảnh trận Chi Lăng 1427 (Đặng Hướng), Đi học thời chiến (Vũ Giáng Hương)… đã có nhiều tác phẩm tập trung vào cuộc sống đương đại: lao động sản xuất trong Thu hoạch ngô của Hà Cầm Di, Nghề gốm Chăm của Phạm Thanh Liêm, Phân xưởng nghiền bột giấy của Ngô Quang Nam, Hái chè của Phạm Ngọc Hải, Nước sạch về buôn của Nguyễn Ngọc Khai… Cuộc sống bình thường như Chiều thứ bẩy thanh bình, Bến thuyền, Bồng bềnh; hoặc các đề tài về cuộc sống tinh thần Lễ hội Chăm, Ngày hội, Chợ vùng cao, Ngày xuân (Lê Trí Dũng). Đề tài thiên nhiên đất nước, chân dung, đặc tả cũng chiếm một mảng lớn trong các sáng tác của các họa sĩ với Phụ nữ Hà Nội (Lê Thị Kim Bạch), Em Thúy Ly (Phạm Nguyệt Nga)… Sự mở rộng và cập nhật đề tài cho thấy các họa sĩ đã gần gũi hơn với cuộc sống bình thường và mạnh dạn thể hiện nó trên những chất liệu truyền thống như lụa đang có những tìm tòi sáng tạo để đặt dấu ấn cho một nền nghệ thuật tranh lụa Việt Nam mới hiện đại.

Mặc dù tranh lụa truyền thống thường sử dụng những hình ảnh nhỏ, tinh tế, màu sắc nhẹ nhàng, mờ ảo, dịu dàng song tại triển lãm này người xem cũng sẽ thấy thú vị với những bức tranh có bố cục mảng hình to, khỏe, màu sắc đậm, rực rỡ, có nhiều bức được vẽ với các gam màu độc đáo như Cảm nhận Huế của Trần Nguyên Đán với những chi tiết sắc nét, Nắng chiều của Nguyễn Phúc Lợi với mảng miếng phẳng và rõ nét, Mùa gặt với một sắc vàng rực rỡ bao trùm… Những sắc màu mới mẻ, bố cục khỏe khoắn ấy càng ấn tượng hơn khi xuất hiện tại triển lãm này với các bức tranh đều là khổ lớn.

Trước đây, tranh lụa được biết đến với phần lớn là do sự thể hiện của các nghệ sĩ thế hệ Trường Mỹ thuật Đông Dương và một số ít nghệ sĩ thời kỳ chống Mỹ cứu nước, nhưng lần này, tại triển lãm đã có những tác phẩm thật sự có chiều sâu nội dung và nghệ thuật của một số tên tuổi chưa từng được biết đến - những nghệ sĩ trẻ nhiều sáng tạo như Hạ chí của tác giả Lê Phương Dung, Ao làng của tác giả Lê Minh Châm… Đây là những tín hiệu vui, cho phép người ta được hy vọng vào một nền nghệ thuật tranh lụa Việt Nam hiện đại đang bắt đầu hình thành với những tên tuổi mới, cách vẽ mới, cách cảm nhận mới… trên một chất liệu không mới.

Và hơn hết, đây là lần đầu tiên có một triển lãm chuyên đề về loại hình tranh này, với số lượng nhiều, chất lượng khá. Nhiều năm nay, mỗi năm ở nước ta có khoảng 300 cuộc triển lãm mỹ thuật nhưng chưa từng có cuộc triển lãm riêng về tranh lụa, thậm chí ngay trong các cuộc triển lãm chung, loại tranh này cũng rất ít xuất hiện. Bởi vậy không hề là nói ngoa khi chúng ta đánh giá rằng cuộc triển lãm này là sự cố gắng rất lớn của những người làm công tác tổ chức và những tác giả tham gia. Lần đầu tiên họ có thể cùng nhau nhìn nhận về lực lượng, đánh giá chất lượng và các vấn đề đặt ra để chung tay thúc đẩy sự phát triển của nghệ thuật vẽ tranh lụa.

Bài và ảnh: PHẠM THÀNH HUYÊN