QĐND - Trong bài thơ "Kêu gọi thiếu nhi" (1941), Bác Hồ có câu thơ “Trẻ em như búp trên cành”. Tôi hiểu câu này chính là tiền đề, là căn cứ để các nhà giáo dục triển khai các phương pháp, biện pháp giáo dục trẻ em. “Búp trên cành” là non tơ, tinh khiết. Người lớn phải biết nâng niu quý trọng thì “búp” mới phát triển được. Có lẽ cần hiểu câu này theo nghĩa rộng hơn: “búp trên cành” phải cần nơi đất tốt để có chất dinh dưỡng, cần nơi nhiều ánh sáng, nhiều khí trời để quang hợp, thì trẻ em cũng vậy, cần có một môi trường giáo dục tốt đẹp. Thực tế hôm nay đang có nhiều hiện tượng làm ô nhiễm môi trường của các em. Chúng tôi chỉ xin nói về lĩnh vực điện ảnh nhân chuyện gần đây có hai “bộ phim” bị dư luận lên án là “phản giáo dục”.
Một đặc điểm tâm lý của trẻ em là hay bắt chước người lớn, mà đặc thù của điện ảnh là loại hình nghệ thuật tác động trực tiếp vào thị giác người xem bằng các hình ảnh. Chính vì lẽ này mà điện ảnh luôn là một phương tiện giáo dục cực kỳ lợi hại. Nền điện ảnh cách mạng Việt Nam trong những tháng năm kháng chiến đã sản sinh ra những hình tượng có sức chinh phục mãnh liệt người xem, nhất là lứa tuổi thiếu niên nhi đồng. Nhưng vào thời buổi kinh tế thị trường hôm nay thì điện ảnh dành cho trẻ em là cả một vấn đề không của riêng ai.
Chúng ta đã có nhiều bộ phim về lứa tuổi này bị cấm công chiếu với những lý do, có phim thì “chất lượng kém và không hề có tính giáo dục… mô tả rất thô thiển những khát khao chuyện “giường chiếu” của các cô cậu tuổi teen”. Có phim thì sa vào khai thác chuyện ân oán giang hồ và dĩ nhiên là có những cảnh giao chiến đẫm máu giữa các băng nhóm… Phim này đã bị đánh giá là kích động bạo lực ở trẻ em…Gần đây, lại xuất hiện bộ phim được phát hành trên mạng cũng chỉ đi vào miêu tả, khai thác những hình ảnh nóng bỏng, những hành vi đáng xấu hổ của những thiếu niên mới lớn. Thế mà nó lại được một số người tung hô là “dám nói thẳng, nói thật không tránh né những vấn đề về tình dục, tình yêu cũng như những cung bậc tình cảm, tâm lý, sinh lý của những thanh niên thành thị …”. Tiếp nữa là bộ phim hoạt hình cũng bị lên án là đi ngược với phong tục văn hóa Việt Nam. Phim này lại có một kiểu “quảng cáo” ỡm ờ, nói là ngăn ngừa nhưng thực ra lại là khuyến khích, mời gọi: “Phim dành cho 13 tuổi trở lên, khi xem phim cần có sự giám sát của phụ huynh”.
Rất may là nhờ có dư luận mà cơ quan chức năng kịp thời có những quyết định cần thiết. Nhưng trước đó đã có hàng triệu lượt người xem, dĩ nhiên phần lớn là độ tuổi thanh thiếu niên!? Đấy là những “căn bệnh” văn hóa cần phải loại bỏ và phương châm cơ bản vẫn là “phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Phòng, chống bằng cách nào? Chúng tôi xin mạo muội đề xuất:
Một là, theo đúng tinh thần “giáo dục là quốc sách hàng đầu”, Nhà nước nên dành một khoản tiền dành cho giáo dục để tài trợ cho những loại hình nghệ thuật dành cho trẻ em, như: Văn học thiếu nhi, âm nhạc thiếu nhi, điện ảnh thiếu nhi… Cần đưa các loại hình nghệ thuật này vào một định hướng giáo dục chung chứ không thể thả nổi theo trào lưu lợi nhuận của kinh tế thị trường.
Hai là, cần có sự quan hệ mật thiết giữa các chuyên gia giáo dục và các nhà nghệ thuật. Để xảy ra các sự kiện không hay ở trên có lẽ có nguyên nhân là không có sự tham mưu, cố vấn từ phía các chuyên gia giáo dục của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Ba là, cần tăng cường kiểm duyệt hơn nữa. Tại sao phải có sự lên tiếng của báo chí thì cơ quan chức năng mới có ý kiến, thậm chí ý kiến lại không dứt khoát, rõ ràng.
Bốn là chúng ta cần sớm luật hóa hoặc ban hành các văn bản dưới luật quy định cụ thể thế nào là một sản phẩm văn hóa lành mạnh hay độc hại làm căn cứ để các nghệ sĩ sáng tạo, để các nhà trường có phương án dạy học trò cần giải trí như thế nào; để các bậc phụ huynh theo dõi, giáo dục, uốn nắn con em mình…
NGUYỄN THANH TÚ