Bên bậc thềm đình An Thái (xã Phượng Lâu, TP Việt Trì, tỉnh Phú Phọ), Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Thị Lịch, Trùm phường xoan An Thái ngồi ân cần hướng dẫn mấy bạn trẻ vấn tóc, buộc khăn sao cho gọn gàng, không trang điểm đậm quá trước khi vào trình diễn hát nghi lễ (canh hát mở đầu) sao cho thành kính, tôn nghiêm. Kế bên, các bà, các chị trong phường hát cũng ríu rít vấn khăn, chỉnh sửa trang phục, trang điểm cho nhau. Nghệ nhân Nguyễn Thị Lịch nói với chúng tôi, hai năm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các lễ hội hạn chế tổ chức, phường xoan An Thái cũng ít tập luyện hay gặp gỡ giao lưu, truyền dạy nên khi trở lại cuộc sống bình thường mới, ai cũng háo hức được trình diễn phục vụ bà con và du khách.

  Thế hệ trẻ tiếp nối nghệ thuật hát xoan.

Là một trong 4 phường xoan gốc (cùng với phường xoan Kim Đái, Phù Đức, Thét của xã Kim Đức thuộc TP Việt Trì), phường xoan An Thái được tỉnh Phú Thọ đầu tư bảo tồn và phát huy, nhất là từ năm 2017, sau khi hát xoan Phú Thọ được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, công tác truyền dạy ở các phường được đẩy mạnh. Phường hoạt động thường niên, mỗi tuần duy trì từ 1 đến 2 buổi tối tập hát và truyền dạy; mỗi năm tổ chức hát xoan vào ngày hội làng và hội Đền Hùng. Từ khi tỉnh Phú Thọ đưa tour du lịch “Hát xoan làng cổ” (năm 2018) vào khai thác, hoạt động phát huy nghệ thuật hát xoan ngày một phát triển và thu hút sự tham gia của cộng đồng, nhất là thế hệ trẻ đến tự nguyện xin học hát, học múa, theo các bà, các chị trình diễn.

“Đào” trẻ Nguyễn Thị Thái (15 tuổi) là cháu gái của nghệ nhân Nguyễn Thị Sen kể, đã theo bà ra miếu Lãi Lèn xem hát xoan từ năm 6 tuổi, em được bà truyền dạy hát xoan và đến nay có thể tự tin đứng cùng các nghệ nhân cao niên của phường xoan Phù Đức biểu diễn những bài xoan cổ. Hiện nay, các phường xoan cổ có số lượng học sinh tham gia học hát xoan và trình diễn xoan khá đông (khoảng 80 em). Chính các em là những người góp phần làm cho canh hát xoan thêm sức xuân. 

Trao đổi với chúng tôi, Tiến sĩ Nguyễn Đắc Thủy, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ cho biết: “Phú Thọ quyết tâm bảo vệ giá trị di sản của hát xoan trong những làng xoan gốc, cộng đồng sáng tạo ra hát xoan đang thực hành và gìn giữ di sản. Để làm được điều đó, thời gian qua, tỉnh đã tuyên truyền, quảng bá rộng rãi trong cộng đồng cư dân, trên các phương tiện thông tin đại chúng để tạo sức lan tỏa, trong đó khuyến khích hình thành các câu lạc bộ hát xoan và dân ca Phú Thọ”.

Ngoài 4 làng xoan gốc với số lượng gần 70 nghệ nhân được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú, đến nay, tỉnh Phú Thọ đã phát triển hệ thống 34 câu lạc bộ hát xoan với 1.560 thành viên thường xuyên tham gia thực hành hát xoan. Bên cạnh đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh đưa di sản vào nhà trường, biên soạn chương trình giảng dạy đối với lứa tuổi tiểu học, hướng dẫn các em học thuộc và trình diễn thực hành 2-3 bài hát xoan theo chương trình ngoại khóa từ dễ đến khó.

Với nhiều nỗ lực, hiện trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đã hình thành 3 thế hệ hát xoan: Thế hệ nghệ nhân cao niên giàu kinh nghiệm, thế hệ nghệ nhân kế cận và đông đảo lớp trẻ triển vọng. Sự hình thành và chuyển giao các thế hệ đã thể hiện ý thức, trách nhiệm của cộng đồng trong gìn giữ, bảo tồn giá trị Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

 Bài và ảnh: CHÂU XUYÊN