Trong vô số kỷ vật Đại tướng Nguyễn Chí Thanh để lại, có một tập tài liệu mỏng, giấy đã úa màu, nhiều trang khó đọc nhưng vẫn hằn rõ những nét chữ khỏe khoắn. Đó là 73 bức thư gia đình, viết trong gần 20 năm (1946-1967), trong đó, 67 bức là thư của Đại tướng gửi cho người vợ thương yêu-bà Nguyễn Thị Cúc và các con. Có lẽ vì vậy mà ngôi nhà 3 tầng ở số 81 phố Tân Nhuệ, phường Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội, nơi đặt Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh mang lại một cảm giác gần gũi, ấm áp gia đình hơn những bảo tàng thông thường khác. Bước vào không gian lưu niệm, tái hiện nơi Đại tướng từng sống và làm việc, trên bàn vẫn còn cây bút và trang viết dang dở, mở từng ngăn kéo ký ức, từng tập thư được xếp ngay ngắn... đưa người đọc dò tìm trở lại bước chân của một đời người, một gia đình.

leftcenterrightdel
 Ông Phạm Văn Phi giới thiệu những bức thư của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh cho các bạn trẻ đến thăm bảo tàng. 

67 bức thư dẫn dắt ta trở lại 3 giai đoạn chính. Từ năm 1948 đến 1953 trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp; giai đoạn hòa bình trên miền Bắc 1954-1962 và trên chiến trường miền Nam chống đế quốc Mỹ từ năm 1963 đến 1967. Tất cả những bức thư của ông không bức nào viết dài. Có thư chỉ vỏn vọn 35 từ. Câu viết ngắn gọn, đơn giản nhưng bây giờ, sau gần 70 năm đọc lại, vẫn như thấy cảnh chiến trường ngày ấy, với những cơn mưa day dứt, những lán trại tiền phương, nụ cười của người chồng, người cha xa nhà nhận được thư sau đằng đẵng chờ đợi đầy âu lo.

Đại tướng rất chú ý trong việc giáo dục con cái: “Ba dặn các con phải ngoan hơn nữa, phải chịu khó lao động, ra sức học tập. Đối với bạn bè cho thật tốt, thật thà, ngay thẳng, lễ độ, khiêm tốn, người khác sao thì mình vậy”. Những dòng chữ thân thương, đẹp đẽ, bình dị “Bé yêu mến của Ba”, “Hôn con. Ba yêu mến”... càng thấy Đại tướng sao mà gần gũi đến thế trong những khía cạnh đời thường.

Những dòng thư khắc ghi mối tình của ông dành cho bà, của người chồng luôn ở những nơi khó khăn, luôn đứng ở tuyến đầu, sẵn sàng gánh chịu mọi hy sinh, vất vả cho mọi người và vợ con mình. Chính vì thế, 21 năm chồng vợ, đứa con nhỏ, người mẹ già tóc bạc, họ hàng, bạn bè, đồng đội, cuộc sống khó khăn trong trẻo thời chiến, tình yêu và sự chia sẻ lần lượt như thước phim quay chậm, trải dài trên từng dòng chữ.

Chia sẻ thêm một chi tiết đặc biệt trên những bức thư, ông Phạm Văn Phi, Giám đốc Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh cho hay: “Những lá thư của Đại tướng bao giờ cũng gạch bỏ tiêu đề về chức vụ, cấp bậc để không tạo ra khoảng cách tình cảm gia đình. Ở đó chỉ có chồng và vợ, chỉ có cha và con. Qua những nhân vật liên quan đến bức thư, người đọc có thể hình dung được về cuộc sống, suy nghĩ, tâm tư, tình cảm của thế hệ ngày đó-thế hệ đầy niềm tin và nỗ lực vượt khó”.

Bài và ảnh: KHÁNH HÀ

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.