Chương trình gồm các hoạt động thiết thực, bổ ích, nhằm giới thiệu nét văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào, cùng các hoạt động trải nghiệm tại “ngôi nhà chung” của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam; góp phần tăng cường giao lưu giữa các dân tộc, sự gắn kết cộng đồng cũng như gắn bó của mỗi thành viên trong gia đình.

Hoạt động tháng 6 với sự tham gia của khoảng gần 100 đồng bào của 16 dân tộc (Tày, Nùng, Dao, Mông, Thái, Mường, Khơ Mú, Ơ Đu, Tà Ôi, Cơ Tu, Ba Na, Xơ Đăng...) đến từ 12 địa phương trong cả nước.

Biểu diễn dân ca dân vũ, văn hóa nghệ thuật của đồng bào dân tộc tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam.

Đồng bào các dân tộc đang hoạt động tại Làng tham gia các trò chơi dân gian truyền thống dân tộc như: Ném pao, đánh yến, đánh tu lu của dân tộc Mông; đẩy gậy của dân tộc Mường; tó má lẹ của dân tộc Thái; ném vòng dân tộc Cơ Tu, đi cà kheo, đánh quay, kéo co… Để các hoạt động này hấp dẫn, thu hút khách tham quan, Ban tổ chức sẽ bố trí các nghệ nhân trình diễn, giới thiệu, tương tác cùng với khách, đặc biệt là hướng dẫn các em thiếu niên, nhi đồng, nhóm gia đình tham gia trò chơi.

Trong khuôn khổ chương trình còn có trình diễn, giới thiệu nhạc cụ truyền thống, du khách được trải nghiệm và học thử các nhạc cụ. Sẽ có một Tây Nguyên thu nhỏ bằng âm nhạc hiện hữu trong chương trình. Khán giả được xem trình diễn âm nhạc dân gian và những ca khúc hát về Tây Nguyên, do các nghệ nhân và nghệ sĩ của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam biểu diễn. Ngoài ra, đồng bào, du khách còn được thưởng thức âm nhạc và hòa mình cùng các di sản văn hóa Tây Nguyên như cồng chiêng, vòng xoang, rượu cần...

Bên cạnh các hoạt động hoạt động hàng ngày, cuối tuần, chương trình du lịch trải nghiệm, giới thiệu cách làm bánh, gói bánh, trò chơi dân gian, hoạt động cầu an, chúc phúc tại các không gian tâm linh chùa Khmer, tháp Chăm... nhằm giới thiệu nét văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào với người dân khắp mọi miền Tổ quốc.

Tin, ảnh: KHÁNH HUYỀN