Rồi xem những bộ phim đồ sộ của Điện ảnh Quân đội làm về chiến tranh, về ngày giải phóng như: “Chiến thắng lịch sử 1975” (đạo diễn Trần Việt) với hình ảnh phố phường ngập cờ hoa chào đón đoàn quân giải phóng; đặc biệt trong đó, bộ phim “Mùa xuân toàn thắng” (4 tập, nhóm đạo diễn Trần Duy Hinh, Nguyễn Khắc Lợi, Lê Thi) được đánh giá là thiên hùng ca về Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử mùa Xuân 1975… Những phim có lẽ sẽ sống mãi như: “Thành phố lúc rạng đông” (đạo diễn Nguyễn Hải Ninh và Hoàng Tích Chỉ); “Tháng 5-những gương mặt” (đạo diễn Đặng Nhật Minh)…

leftcenterrightdel
Cảnh những cựu chiến binh ôn lại kỷ niệm trên cầu Rạch Chiếc (cửa ngõ đông bắc TP Hồ Chí Minh) trong phim “Ngày cuối cùng của chiến tranh”. Ảnh do tác giả cung cấp.

Câu chuyện về ngày 30-4-1975 luôn là đề tài tâm huyết đối với những người làm nghệ thuật. Với tôi cũng vậy. Khi cố đạo diễn Đào Thanh Tùng viết kịch bản “Ngày cuối cùng của chiến tranh”-đề tài anh ấp ủ từ lâu, tung ra đúng thời điểm kỷ niệm 30 năm giải phóng miền Nam, đọc kịch bản, tôi đã rất hào hứng vì toàn bộ tứ của bộ phim đã bật ra ngay từ cái tên: "Ngày cuối cùng của chiến tranh". Ngay lập tức được Hãng Phim tài liệu và Khoa học Trung ương (nay là Công ty TNHH MTV Hãng Phim tài liệu và Khoa học Trung ương) đồng ý đưa vào sản xuất.

Đúng ngày 30-4-2005, đoàn làm phim (kịch bản và lời bình Đào Thanh Tùng, đạo diễn Nguyễn Thước và quay phim Hoàng Dũng) đã vào TP Hồ Chí Minh gặp gỡ các nhân chứng. Điều thú vị với đoàn là gặp được cựu phó tổng thống Việt Nam cộng hòa Nguyễn Cao Kỳ đúng dịp ông về nước để lên kế hoạch đưa các nhà đầu tư Mỹ tới Việt Nam tiếp cận đầu tư kinh doanh. Nhờ mối quan hệ quen biết, tôi đã thuyết phục được ông Nguyễn Cao Kỳ trả lời phỏng vấn. Ông ấy rất cởi mở, sẵn sàng trả lời mọi câu hỏi của chúng tôi. Điều mà tôi cảm nhận được từ ông ấy chính là sự chân thành của một người con nước Việt. Ông ấy nói là một người lính, ông gần như không khóc, nhưng trong đời đã phải rơi nước mắt hai lần. Lần thứ nhất là lần ông rời Việt Nam, khi bước lên chiến hạm của Mỹ chiều 29-4-1975, người hạm trưởng ra đón có nói đang đeo huân chương được ông tặng trước đó. Câu nói ấy đã làm ông Nguyễn Cao Kỳ chảy nước mắt, bởi nghĩ rằng chẳng có gì còn giá trị nữa. Lần thứ hai sau gần 30 năm ở nước ngoài, lần đầu tiên trở về Việt Nam, khi máy bay báo đã vào tới không phận Việt Nam, nước mắt của ông tự nhiên ứa ra.

Toàn bộ mạch phim là câu chuyện của những nhân vật có mặt ở TP Hồ Chí Minh vào hai ngày cuối cùng của cuộc chiến: 29 và 30-4-1975. Chúng tôi có trách nhiệm xâu chuỗi lại những câu chuyện của họ, cảm xúc riêng của họ để đưa vào phim một góc nhìn khác về cuộc chiến. Tôi ấn tượng với câu chuyện của nhà văn Nguyễn Văn Thọ (cựu chiến binh Trung đoàn 593): Trên đường đưa đơn vị tiến vào trung tâm Sài Gòn, chạy vào đến đầu cầu Bông thì chiến sĩ đã bị thương rất nhiều, xông vào đồn, thấy ngồi dưới đất là viên sĩ quan ngụy quyết tử thủ với hai chân đẫm máu, một chiến sĩ trong đơn vị giương súng định bắn. Đúng lúc ấy, tiếng loa vang lên lời tuyên bố đầu hàng của tổng thống Dương Văn Minh. Khoảnh khắc ập đến rất nhanh, anh Nguyễn Văn Thọ đã đẩy ngay nòng súng của người chiến sĩ kia ra vì nghĩ rằng không nên làm thêm một việc đã trở thành vô nghĩa. Anh rút trong túi hai gói bông băng của mình đưa cho viên sĩ quan ngụy và bảo tự băng bó rồi cho chiến sĩ đơn vị dẫn viên sĩ quan giao cho quân quản. Câu chuyện thứ hai của anh Thọ cũng khó quên: Đoàn quân giải phóng tiến vào Sài Gòn, nhân dân hai bên đường chạy ra vẫy hoa, hò reo, mang đồ ăn, mang nước chào mừng. Đoàn quân rất vui, anh rất vui nhưng có cái gì đó ập đến bất ngờ, sững người lại với ý nghĩ: Ngày mai mình làm gì nhỉ? Hơn 10 năm trong quân ngũ có được nhiều kinh nghiệm để chiến đấu và tồn tại qua cuộc chiến, nhóm ngọn lửa như thế nào để nấu một bữa cơm mà không bị máy bay địch phát hiện; đang nằm trên võng mà nghe tiếng rít của pháo như thế nào thì phải nhảy ngay xuống hầm, rít như thế nào thì cứ việc nằm im trên võng… Là chàng trai Thủ đô, học xong lớp 10 thì xung phong đi bộ đội, chưa có nghề gì trong tay, 10 năm trong cuộc chiến và ngày mai làm gì? Câu chuyện đầy cảm xúc của người có mặt ở ngày cuối cùng của chiến tranh.

Nước ta có bao nhiêu thế hệ bộ đội đã tham gia những cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, dài đằng đẵng, không phải người lính nào cũng có niềm hạnh phúc vào đúng thời điểm có mặt ở Thành phố mang tên Bác. Nhà biên kịch Đào Thanh Tùng tìm được tài liệu và qua phim “Ngày cuối cùng của chiến tranh”, chúng tôi đã đưa thông tin có khoảng 5.000 chiến sĩ hy sinh ở cửa ngõ Sài Gòn trước ngày thống nhất. Vậy thì những người có mặt trong khoảnh khắc Sài Gòn giải phóng chính là những người hạnh phúc. Và niềm hạnh phúc của họ còn là sự trở về tìm gia đình họ. Nhân vật của chúng tôi: Ông Nam Tào (Đại tá Nguyễn Văn Tào, nguyên Chính ủy Lữ đoàn 316 đặc công biệt động Miền), một người rất đặc biệt. Nhà ông ở ngay sát cầu Thị Nghè thôi, ông bước vào cuộc chiến khi vợ còn trẻ và đang mang bầu con gái. Xa nhà hơn 20 năm, tới lúc giải phóng, ông trở về hẻm phố, vừa đi vừa gọi: "Nhồng ơi! Nhồng!". Trong một ngôi nhà, cô gái trẻ bước ra và bảo con gái 3 tuổi của mình chào ông ngoại đi! Những câu chuyện như thế rất điển hình của cuộc chiến.

Có rất nhiều nhân vật khác nữa, câu chuyện của họ thẳng thắn mà chúng tôi cố gắng chọn để tìm những điều thú vị từ họ, những người ít nhiều có vị trí thành công, hoặc bươn chải sau 30 năm hậu chiến: Phi công Nguyễn Thành Trung; Trung tướng Phạm Xuân Thệ; Đại tá, Chính ủy Bùi Tùng; Đại tá, nhà văn Chu Lai; cựu trung tướng quân lực Sài Gòn Nguyễn Hữu Có... Họ có thể coi là những “điển hình có sẵn”, sống nhiều, biết nhiều, có thể lý giải về nhiều sự kiện quan trọng. Những nhân vật kiểu này có sức hút tự nhiên với báo chí và các nhà làm phim tài liệu. Bên cạnh đó là những “con người nhỏ bé” cùng thời với họ, những người vô danh nhưng đã góp phần vào cuộc chiến lớn lao của lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước. 

“Ngày cuối cùng của chiến tranh” cũng là ngày đầu tiên của hòa bình. Chúng tôi tâm niệm bộ phim hoàn toàn là câu chuyện của ngày hôm nay, khi phim bắt đầu bằng những người trẻ sinh ra trong ngày 30-4-1975, tại Bệnh viện Từ Dũ, TP Hồ Chí Minh. Họ gặp gỡ và reo vui trong sáng ngày kỷ niệm 30 năm Sài Gòn giải phóng. Chúng tôi gặp những bạn trẻ và thú vị khi biết họ thành lập nên câu lạc bộ những người sinh ra đúng ngày giải phóng, hỗ trợ, giúp đỡ nhau học tập, làm việc, nên hầu hết họ đều thành đạt. Họ là những người may mắn. Và trong chuyện làm phim, tôi cũng là người may mắn.

Để cho tôi những cảm xúc đặc biệt làm phim, có lẽ phải kể đến buổi chiều tôi tìm tới Nghĩa trang TP Hồ Chí Minh. Ngồi trước những ngôi mộ của người hy sinh vào ngày 29 và 30-4-1975, một cảm xúc thật khó tả. Tôi và quay phim cứ ngồi ngẩn ngơ mà không biết hoàng hôn buông xuống từ bao giờ. Bước ra khỏi nghĩa trang cũng là cái tứ để tôi đánh chữ "HẾT" khi khép lại bộ phim với hình ảnh những bạn trẻ sinh ra trong ngày 30-4-1975 thả hoa trên sông để tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ. Cho đến nay, “Ngày cuối cùng của chiến tranh” vẫn là dẫn chứng cho bài học làm phim chiến tranh tôi giảng dạy cho học sinh trên giảng đường đại học.

Đạo diễn, Nghệ sĩ Nhân dân NGUYỄN THƯỚC