Nhà văn Vũ Bình Lục đã dành hơn 40 năm để nghiên cứu, sáng tác và dịch giải văn học Trung đại Việt Nam, một lĩnh vực đòi hỏi kiến thức chuyên sâu và lòng đam mê lớn. Cho đến nay, ông đã xuất bản hơn 30 đầu sách, trong đó có 14 tác phẩm nghiên cứu và giải mã văn học Trung đại, như “Giải mã thơ Lý Trần”, “Thánh thơ Cao Bá Quát”, “Giải mã thơ chữ Hán Lê Quý Đôn”. Với hơn 10.000 trang nghiên cứu, ông đã đóng góp đáng kể vào việc đưa kho tàng văn học cổ xưa đến gần hơn với độc giả ngày nay.

Các đại biểu tham dự tọa đàm. 
Nhà báo, nhà nghiên cứu Nguyễn Thế Khoa phát biểu đề dẫn. 

Phát biểu đề dẫn, nhà báo, nhà nghiên cứu Nguyễn Thế Khoa chia sẻ: “Nhà thơ, nhà nghiên cứu Vũ Bình Lục đã đi đúng hướng trong việc nghiên cứu văn học trung đại Việt Nam là kết hợp văn và sử để đọc, dịch, tìm hiểu, giải mã nhiều tác giả, tác phẩm lớn nhất của nền văn học đó”.

Trong buổi tọa đàm, các nhà khoa học đã trao đổi về tầm quan trọng của các công trình nghiên cứu văn học Trung đại của nhà văn Vũ Bình Lục. Những đóng góp của ông không chỉ giúp độc giả hiểu rõ hơn về giá trị văn học cổ mà còn khơi dậy niềm tự hào dân tộc về những di sản văn học mà ông đã tâm huyết gìn giữ và khai mở.

Nhà văn Vũ Bình Lục (bên trái) được nhận giải thưởng Đào Tấn. 

Trong khuôn khổ tọa đàm, Viện nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy văn hóa dân tộc cùng Tạp chí Văn hiến Việt Nam đã trao tặng Giải thưởng Đào Tấn cho nhà văn Vũ Bình Lục nhằm ghi nhận những đóng góp to lớn của ông.

Tin, ảnh: NGUYỄN TRANG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.