Sớm tinh mơ, chợ đã có người qua lại. Ấy thế nhưng chẳng nghe thấy tiếng ồn ào như những chợ dân sinh bán thực phẩm. Ở đây chợ bình lặng như người mơ ngủ. Toàn những đồ cũ nên không cần chào mời í ới. Giá trị món đồ nằm ở nước thời gian đọng lại trên đó.

Nhiều người cơ động từ các nơi khác đến không cần cửa hàng cửa hiệu, đồ cũ treo lủng lẳng trên xe để bán. Chị Nguyễn Thị Hà, ở huyện Thạch Thất, đúng ngày chợ phiên, chị chở đồ đến đây bán. Chị Hà cho biết: “Giá đồ cũ thì vô cùng, ngay cả lúc mình mua về cũng liệu mà định giá. Người không thích thì có cho họ cũng chẳng lấy nhưng người mà mê thì giá cao mấy cũng mua”.

leftcenterrightdel
Nhiều sản phẩm đồ cổ được bày bán trong khu chợ. 

Tiếp tục đi sâu vào trong chợ, hai bên cửa hàng đèn điện sáng choang. Khu buôn bán không phân chia theo từng mặt hàng như các chợ truyền thống, ở đây chủ hiệu thích gì bán nấy, từ đồ điện tử, điện lạnh đến vật dụng sinh hoạt, giải trí, quần áo, giày dép đủ loại. Với phương châm “mua của người chán, bán cho người cần”, khu chợ đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách.

Một số cửa hàng bày bán nhiều sản phẩm có giá trị phục vụ người chơi đồ cổ. Những lọ, bình, tiền xu, tượng đồng có độ tuổi hàng trăm năm phải là người sành chơi, chịu khó đầu tư mới mua được. Có cửa hàng ở trung tâm khu chợ, chủ hiệu Nguyễn Nhật Huy chia sẻ: “Các vật dụng ở đây xuất xứ từ nước ngoài nên giá khá đắt và kén khách chơi. Mỗi món đồ chứa đựng trong đó câu chuyện riêng, giá trị riêng. Vì thế, phải là những người am hiểu thực sự đồ cổ mới có thể thẩm định đúng giá trị”.

Trong khu chợ, nhiều sản phẩm hỏng hóc tưởng như bỏ đi nhưng vẫn được bày bán như băng đĩa cassette, vô tuyến đen trắng, máy khâu đạp chân, xe đạp thồ han gỉ, bình đựng vôi... Khách mua đồ chủ yếu để trang trí trong nhà hàng, quán ăn theo phong cách hoài cổ. Nhiều mặt hàng điện tử cũ như âm ly, loa đài, điện thoại di động, tai nghe, ổ điện... khó đoán định được chất lượng. Người mua sẵn sàng chấp nhận may rủi vì giá rẻ như cho, thích thì sử dụng một thời gian ngắn, không thích thì đem bán lại.

Khu chợ hoạt động quanh năm thu hút khách gần xa đến tham quan, mua sắm. Nơi đây cũng là địa điểm địa phương tổ chức các sự kiện giao lưu văn hóa, quảng bá du lịch. Ông Nguyễn Văn Dự, Chủ tịch UBND phường Vạn Phúc cho biết: “Cùng với phố Lụa, khu chợ đồ cũ là một địa điểm trong chuỗi hành trình tham quan làng nghề Vạn Phúc. Địa phương quan tâm, tạo điều kiện mặt bằng, khuyến khích kinh doanh, tạo thu nhập cho các tiểu thương và thúc đẩy du lịch phát triển”. Khu chợ đồ cũ mở ra không chỉ là nơi buôn bán, trao đổi những đồ dùng đã qua sử dụng mà còn giúp khách gần xa tìm lại những nét đẹp văn hóa xưa. Đó chính là lý do nhiều người tìm đến khu chợ này để hồi tưởng ký ức qua những đồ vật của một thời đã xa.

Bài và ảnh: THƯỜNG LỢI

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.