Thách thức hiện hữu

Vi phạm bản quyền tại Việt Nam, đặc biệt trên môi trường số, với muôn hình vạn trạng cách thức xâm phạm khiến các nhà quản lý trong nhiều trường hợp cũng phải bó tay. Theo đó, có đến 80% vi phạm bản quyền đang diễn ra trên các nền tảng số, gây thiệt hại 348 triệu USD năm 2022, tương đương 7.000 tỷ đồng. Không chỉ trên không gian ảo, vấn nạn xâm phạm bản quyền ở nhiều lĩnh vực lâu nay vẫn là câu chuyện nói mãi mà vẫn chưa thể tìm ra giải pháp khắc phục triệt để.

Điều đáng nói, không chỉ mức độ mà các hình thức xâm phạm bản quyền nói chung, trong đời sống văn hóa nghệ thuật nói riêng ngày càng muôn hình vạn trạng, chặn chỗ này lại mọc lên chỗ khác. Các nhà quản lý và sáng tạo nội dung loay hoay trước những khó khăn trong việc áp dụng giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi xâm phạm bản quyền. Ngay trong lĩnh vực điện ảnh-ngành nghệ thuật đòi hỏi mức đầu tư kinh phí cao thì nạn xâm phạm bản quyền không chỉ dừng ở nguy cơ mà luôn là thách thức hiện hữu. Theo Phó cục trưởng Cục Điện ảnh Nguyễn Thị Thu Hà, xâm phạm bản quyền không chỉ là nỗi lo thường trực của điện ảnh mà còn ở nhiều lĩnh vực khác. Những thiệt hại nặng nề cả về vật chất lẫn tinh thần đặt ra yêu cầu phải có nhiều hơn nữa sự hợp tác sâu rộng của các bên liên quan, với một cơ chế xử phạt rõ ràng, nghiêm minh.

Các trận đấu ở V-League cũng thường xuyên bị phát trên các kênh sóng lậu. Ảnh: NGÔ VIỆT TRUNG 

Đại diện kênh truyền hình K+ cho biết, Việt Nam có 15,5 triệu người thường xuyên truy cập vào web lậu, khiến nước ta lọt vào tốp 3 khu vực về vi phạm bản quyền. Theo đại diện này, các trận bóng đá thuộc giải Ngoại hạng Anh có bản quyền xuất hiện tràn lan trên internet. Nếu 15,5 triệu lượt xem lậu mà có 10% chuyển đổi thành thuê bao hợp pháp thì số tiền thu về sẽ rất lớn, giúp nhà đài có thể tái đầu tư vào những sản phẩm có giá trị hơn.

Thực tế hiện nay cũng cho thấy, vi phạm trên nền tảng số xảy ra chủ yếu trên các web lậu, các ứng dụng, mạng xã hội. Đây chính là một thách thức nan giải cho công tác quản lý. Ông Vũ Kiêm Văn, Phó chủ tịch, Tổng thư ký Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA) chia sẻ, bảo vệ bản quyền nội dung trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay đang gặp không ít thách thức. Đã có nhiều hội nghị, hội thảo bàn về vấn đề này, cho thấy đây là vấn đề đang được các doanh nghiệp sáng tạo, kinh doanh nội dung số hết sức quan tâm.

Ý thức tôn trọng bản quyền - giải pháp căn cốt

Rõ ràng, khi công nghệ số bùng nổ thì các giải pháp kỹ thuật dù hiện đại đến đâu cũng vẫn có thể xuất hiện những khe hở, tạo kẽ lách cho xâm phạm bản quyền tiếp diễn. Do đó, về lâu dài, biện pháp tuyên truyền, nâng cao ý thức tôn trọng bản quyền từ chính đội ngũ sáng tác và người sử dụng vẫn luôn được xem là giải pháp căn cốt.

Có điều, ngay chính các tác giả trong nhiều trường hợp cũng không mấy mặn mà với việc đăng ký bản quyền cho những “đứa con tinh thần” của mình. Ngay tại các trung tâm đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng..., hoạt động đăng ký cấp giấy chứng nhận bản quyền cho tác phẩm văn học, nghệ thuật trong một thời gian dài cũng chưa thực sự được quan tâm. Chỉ khi xảy ra tranh chấp bản quyền, mọi chuyện mới trở nên ồn ào. Trường hợp ca khúc “Gánh mẹ” là một ví dụ điển hình. Tác phẩm thu hút sự chú ý của dư luận và báo chí bởi tranh chấp bản quyền phần lời bài hát giữa nhà thơ Trương Minh Nhật và ca sĩ Quách Beem. Sau gần 5 năm theo đuổi vụ tranh chấp, cuối cùng nhà thơ Trương Minh Nhật mới chính thức được công nhận là tác giả, chủ sở hữu bài thơ, lời bài hát “Gánh mẹ”.

Trường hợp như trên không phải hiếm gặp. Để khắc phục những bất cập này, Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) và các đơn vị liên quan hằng năm đều tổ chức các hoạt động về bảo vệ, nâng cao ý thức tôn trọng quyền tác giả, quyền liên quan. Tuy nhiên, tình trạng vẫn chậm cải thiện.

Triển khai thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 17/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã ban hành Thông tư số 08/2023/TT-BVHTTDL quy định các mẫu trong hoạt động đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan. Như vậy, hành lang pháp lý ngày càng hoàn thiện này cũng mang đến kỳ vọng góp phần hạn chế tình trạng vi phạm bản quyền tác giả, đặc biệt là những tác động nhằm nâng cao ý thức bảo vệ, tôn trọng tác quyền cả từ phía người sáng tác và công chúng. Theo Cục Bản quyền tác giả, trong những nghị định, thông tư mới, có nhiều quy định cụ thể liên quan đến quyền tác giả, quyền liên quan, đặc biệt tập trung vào quy định bảo vệ bản quyền ở môi trường số. Những hành vi xâm phạm bản quyền cũng sẽ bị xử phạt với các quy định cụ thể. Những hành vi gian dối trong đăng ký bản quyền sẽ bị phạt nặng.

NGỌC THẢO

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.