Nhìn lại để bước tiếp

Phóng viên (PV): Hội đồng LLPB VHNT Trung ương vừa tổ chức Hội thảo khoa học toàn quốc “LLPB VHNT Việt Nam 50 năm sau ngày đất nước hòa bình, thống nhất, đổi mới, phát triển: Thực trạng và định hướng cho những năm tiếp theo”. Vì sao Hội đồng lại lựa chọn chủ đề này, thưa ông?

PGS, TS Trần Khánh Thành: Trong hai năm 2024 và 2025 sẽ có nhiều lễ kỷ niệm lớn gắn liền với những mốc lịch sử trọng đại của dân tộc: Năm 2024: Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam; năm 2025: Kỷ niệm 80 năm thành lập nước, 50 năm đất nước thống nhất. Xa hơn, năm 2026 chúng ta tổng kết 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới.

leftcenterrightdel
PGS, TS Trần Khánh Thành. 

Từ giữa năm 2023, thực hiện chủ trương của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Ban Tuyên giáo Trung ương cùng các ban, bộ, ngành đã bắt đầu triển khai kế hoạch tổng kết VHNT 50 năm từ sau ngày đất nước thống nhất. Hội đồng LLPB VHNT Trung ương được giao nhiệm vụ nghiên cứu tổng kết, đánh giá thực trạng lĩnh vực LLPB và đề xuất định hướng phát triển trong thời kỳ tới. Hội thảo vừa tổ chức là một trong những hoạt động để thực hiện nhiệm vụ quan trọng đó. 

Chúng tôi muốn qua hội thảo, các nhà LLPB, các văn nghệ sĩ bày tỏ ý kiến một cách khách quan, tâm huyết về thực trạng, các vấn đề đặt ra trong đời sống VHNT nói chung và LLPB văn nghệ nói riêng trong gần 50 năm qua. Những vấn đề quan trọng cần được kiến giải đó là: Những thành tựu và hạn chế của LLPB trong 50 năm qua là gì? Chúng ta làm gì để kế thừa có chọn lọc di sản văn hóa, văn nghệ trong vùng đô thị miền Nam giai đoạn 1954-1975? Chúng ta nên ứng xử như thế nào với văn nghệ Việt Nam hải ngoại?...

Có đánh giá đúng thực trạng, chỉ ra được các vấn đề bất cập cần giải quyết thì chúng ta mới đề xuất được những giải pháp, định hướng đúng đắn, nhằm xây dựng nền văn nghệ Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, giàu tính dân chủ, nhân văn, đa dạng mà thống nhất. Chúng tôi sẽ chọn lọc tham luận để đăng tải và in kỷ yếu khoa học để mọi người tham khảo, nghiên cứu.

PV: Theo ông, sau 50 năm thống nhất đất nước, LLPB VHNT nước ta có những đặc điểm gì đáng chú ý?

PGS, TS Trần Khánh Thành: Sau Hiệp định Geneve (năm 1954), đất nước ta bị chia cắt làm hai miền với hai chế độ chính trị xã hội khác nhau, vì thế đời sống văn hóa, văn nghệ cũng có nhiều điểm khác biệt. Sau năm 1975, Đảng ta đề ra đường lối xây dựng nền văn hóa văn nghệ Việt Nam thống nhất mà đa dạng, phát huy được tinh hoa văn hóa văn nghệ của tất cả 54 dân tộc anh em và tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại.

Trong lĩnh vực LLPB VHNT cũng phát triển theo hướng thống nhất mà đa dạng. Tính thống nhất trước hết thể hiện trong cơ sở phương pháp luận nghiên cứu chủ đạo là chủ nghĩa duy vật biện chứng, chủ nghĩa duy vật lịch sử và tư tưởng văn nghệ của Hồ Chí Minh. Tính đa dạng được thể hiện ở việc tiếp thu có chọn lọc lý luận văn nghệ truyền thống của dân tộc và tinh hoa lý luận văn nghệ nhân loại để xây dựng một nền lý luận mới, dân tộc mà hiện đại, giàu tính khoa học và nhân văn.

leftcenterrightdel
 Quang cảnh Hội thảo khoa học toàn quốc về lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật 50 năm sau ngày đất nước thống nhất. Ảnh: HÀM ĐAN 

Từ sau năm 1986, LLPB VHNT nước ta phát triển nhanh chóng, phong phú và đa dạng. Lý luận văn nghệ mác-xít được bổ sung đầy đủ hơn, vận dụng linh hoạt và sáng tạo hơn. Các lý thuyết văn nghệ nước ngoài, đặc biệt từ các nước phương Tây được giới thiệu và ứng dụng rộng rãi hơn. Như vậy, chúng ta đã có bước chuyển rất quan trọng trong hệ hình lý luận văn nghệ, chuyển từ đối đầu sang hòa giải, từ “đơn cực” sang “đa cực”. Bên cạnh lý luận văn nghệ mác-xít đứng ở vị trí trung tâm, chúng ta đã tiếp nhận có chọn lọc các lý thuyết văn nghệ nước ngoài như: Thi pháp học, tự sự học, ký hiệu học, cấu trúc luận, mỹ học tiếp nhận, liên văn bản, phê bình sinh thái, địa văn học... Nhờ thế nền LLPB văn nghệ chúng ta đã phong phú, sinh động, uyển chuyển hơn trước.

Trong những thập niên gần đây, với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin và xu thế toàn cầu hóa, LLPB văn nghệ có thêm không gian hoạt động mới, đó là không gian mạng. Đây là cơ hội nhưng cũng là thách thức. Cơ hội là tăng cường tính thời sự, tính dân chủ và khả năng kết nối nhanh, rộng rãi. Nhưng trong không gian ấy, không ít chủ thể phát ngôn thiếu kiến thức chuyên môn, thiếu bản lĩnh chính trị tư tưởng lại “nhảy” vào bình luận thiếu trách nhiệm làm nhiễu đời sống văn nghệ, làm lệch lạc thị hiếu thẩm mỹ công chúng.

Kiên trì, nhất quán với các định hướng lớn

PV: Nguyên nhân nào dẫn đến những thay đổi của nền LLPB trong gần nửa thế kỷ qua?

PGS, TS Trần Khánh Thành: Sự thay đổi của LLPB VHNT trong nửa thế kỷ qua vừa có những tác động khách quan vừa là quy luật phát triển nội tại của một nền văn nghệ. 10 năm đầu 1975-1985 là giai đoạn chuyển tiếp mang tính quá độ từ nền lý luận văn nghệ phục vụ sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc sang nền văn nghệ phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Sự vận động của hiện thực đời sống và sáng tác văn nghệ là nhân tố nội tại thúc đẩy quá trình đổi mới LLPB văn nghệ. Cách nhìn nhận hiện thực chiến tranh cần phải thay đổi, con người trong cuộc sống hòa bình cũng khác với con người trong chiến tranh, văn nghệ đang chuyển từ khuynh hướng lãng mạn, sử thi thời chiến sang khuynh hướng thế sự đời tư, hiện thực bề bộn thời bình. Hàng loạt vấn đề như văn nghệ và hiện thực, văn nghệ và chủ thể sáng tạo, âm hưởng chủ đạo của nền văn nghệ mới đòi hỏi xem xét lại và có kiến giải mới.

Các nhân tố khách quan như sự sụp đổ của hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu, cuộc cải cách mở cửa của Trung Quốc, cùng với xu thế toàn cầu hóa đã tác động mạnh mẽ đến văn hóa, văn nghệ nước ta, trong đó có LLPB. Nhưng yếu tố quan trọng và quyết định nhất là công cuộc đổi mới được Đảng ta khởi xướng từ năm 1986. Sau cuộc gặp gỡ trực tiếp của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh với các nhà LLPB và văn nghệ sĩ, tư tưởng đổi mới đã tạo nên động lực to lớn làm thay đổi cơ bản nền văn nghệ nước ta, tạo cho LLPB văn nghệ phát triển phong phú, đa dạng, hiện đại, từng bước hòa nhập vào dòng chảy của thế giới.

PV: Từ thực tế tổng kết 50 năm LLPB sau ngày đất nước thống nhất đã mang lại cho chúng ta những gợi ý nào để nền LLPB tiếp tục phát triển, thưa ông?

PGS, TS Trần Khánh Thành: Tuy mới nhìn nhận sơ bộ, chưa được khảo sát khoa học, đầy đủ nhưng chúng tôi xin chia sẻ một vài suy nghĩ bước đầu về quá trình xây dựng nền LLPB văn nghệ thời kỳ tới như sau:

Thứ nhất, kiên trì, nhất quán, sáng tạo, thực hiện hiệu quả đường lối đổi mới văn nghệ của Đảng với nội dung cốt lõi nằm trong Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 16-6-2008 của Bộ Chính trị khóa X “về tiếp tục xây dựng và phát triển VHNT trong thời kỳ mới”, đó là: “Trên cơ sở giữ gìn, phát triển, phát huy những giá trị của VHNT dân tộc, tiếp tục mở rộng hợp tác quốc tế, tiếp thu có chọn lọc các giá trị nhân văn, khoa học, tiến bộ của nước ngoài”.

Thứ hai, từ đường lối văn nghệ của Đảng và tư tưởng văn nghệ của Hồ Chí Minh, chúng ta khẩn trương xây dựng hệ thống LLPB văn nghệ trong thời kỳ tới với tính chất dân tộc, dân chủ, nhân văn, khoa học và hiện đại, phù hợp với thực tiễn, có vai trò định hướng cho đời sống văn nghệ phát triển phong phú, lành mạnh.

Thứ ba, cần xác định rõ ràng, sâu sắc tính thống nhất mà đa dạng trong nội dung, quan điểm LLPB văn nghệ Việt Nam; kế thừa di sản văn nghệ của tất cả 54 dân tộc anh em trên mọi miền đất nước, phát huy bản sắc văn nghệ của các dân tộc, đồng thời phát huy bản sắc chung của dân tộc Việt Nam trong cộng đồng quốc tế. Người Việt Nam hoạt động văn nghệ ở trong nước hay ở nước ngoài đều hướng về cội nguồn dân tộc, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa người Việt ở mọi lúc, mọi nơi. LLPB văn nghệ tập trung làm sâu sắc hơn nữa bản sắc dân tộc, hệ giá trị văn nghệ Việt Nam ngày nay.

Thứ tư, tiếp tục khai thác di sản văn nghệ truyền thống của dân tộc và nhân loại, vận dụng linh hoạt những di sản ấy trong hoạt động LLPB văn nghệ đương đại; tiếp thu các lý thuyết văn nghệ hiện đại nước ngoài một cách có hệ thống, có chọn lọc, có đối thoại, xác định đúng bản chất, tính lịch sử và ứng dụng sáng tạo, phù hợp thực tiễn để hiện đại hóa văn nghệ nước nhà.

Tôi tin tưởng rằng, đội ngũ LLPB văn nghệ sẽ có nhiều đóng góp khoa học, đúng đắn, phù hợp cho quá trình xây dựng, phát triển văn hóa, văn nghệ nói chung và LLPB văn nghệ nói riêng trong thời kỳ tới, phục vụ sự nghiệp chấn hưng văn hóa và sự nghiệp xây dựng nước Việt Nam độc lập, hùng cường.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

TRẦN HOÀNG HOÀNG (thực hiện)

Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.