Đặt chân xuống mảnh đất thiêng, chúng tôi như được trở về quê mẹ ấm áp, chan chứa yêu thương. Như những người con đi xa nay có dịp về gặp mặt, mọi người tay bắt mặt mừng, trò chuyện thân tình. Các anh hùng, tướng lĩnh cùng cán bộ, phóng viên Báo QĐND hướng về ngôi đền thiêng ở lưng chừng núi. Trong niềm xúc động, bồi hồi, tất cả cùng thành kính dâng hương tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp-người anh cả của QĐND Việt Nam. Tri ân Đại tướng, chúng tôi nhớ tới những sự kiện được học trong lịch sử. Đó là vào ngày 22-12-1944, tiết trời đông lạnh giá, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân tổ chức lễ thành lập. Chỉ 5 ngày sau đó, ngày 27-12-1944, Ban công tác chính trị của Đội đã cho phát hành tờ báo “Tiếng súng reo”, tờ báo đầu tiên của bộ đội.
 |
Các nhà báo chiến sĩ tham quan khu lán nghỉ được phục dựng lại giữa rừng Trần Hưng Đạo. |
 |
Cán bộ, phóng viên và các em nhỏ tham quan nhà bia di tích ở rừng Trần Hưng Đạo. |
Đến thăm khu di tích, các nhà báo chiến sĩ thêm tự hào về khu rừng đã chở che, tiếp sức cho “cuộc sinh nở vĩ đại” ra đội quân đàn anh cũng là cội nguồn in dấu tích của tờ báo chiến sĩ. Đội quân “tuy lúc đầu quy mô của nó còn nhỏ, nhưng tiền đồ của nó rất vẻ vang”. Tiếng vang từ chiến thắng trận đầu đã được loan tin trên tờ báo “Tiếng súng reo” trở thành khúc hoan ca làm nức lòng quân. Sự ra đời của tờ báo chiến sĩ gắn liền với lịch sử Quân đội anh hùng như một lẽ tự nhiên trở thành sợi dây gắn kết để thế hệ hôm nay tìm về “đất tổ” cảm nhận được suối nguồn bất tận, tiếp thêm sinh lực ngày càng trưởng thành.
Cho đến bây giờ tôi vẫn nhớ lời căn dặn ân nghĩa, ân tình của Thiếu tướng Đoàn Xuân Bộ, Tổng biên tập Báo QĐND: “Đồng bào, đồng chí hãy đừng quên ghi dấu trong tim mình sự kiện vô cùng ý nghĩa và rất hiếm hoi này để lưu truyền ngọn lửa cách mạng cho con cháu mai sau”. Tôi cảm nhận rõ sự xúc động sâu sắc của Thiếu tướng Đoàn Xuân Bộ. Bởi lẽ, sự kiện không chỉ là buổi gặp mặt đơn thuần mà qua đây thể hiện tấm lòng tri ân tiền nhân và lan truyền tình cảm, tinh thần cách mạng cho muôn đời sau.
Thật ấm áp nghĩa tình biết bao khi về nơi đây được đồng bào đón tiếp bằng tình cảm nồng hậu. Xưa kia, lớp cha anh áo vải chân không đi lùng giặc đánh, được bà con chở che đùm bọc; thì nay dưới chân núi Slam Cao, bà con hai xã Tam Kim và Hoa Thám tận tình gắn bó giữ rừng, giữ núi. Khi đến thăm, chúng tôi được ngắm nhìn khu lán nghỉ mô phỏng lán xưa của Đội, đối diện là bếp ăn, phía xa là mỏ nước phục vụ sinh hoạt. Dấu xưa tích cũ còn lưu như những chứng nhân của lịch sử. Ngày về nguồn, thế hệ các nhà báo chiến sĩ dành tình cảm tri ân sâu sắc tới đồng bào. Nhiều phần quà, nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết, nhà đồng đội... được trao tặng các đối tượng chính sách, người có công, hộ nghèo và các cháu học sinh xuất sắc trên địa bàn hai huyện Nguyên Bình và Hòa An (tỉnh Cao Bằng).
Ở tuổi xưa nay hiếm, Đại tá, nhà báo, Anh hùng LLVT nhân dân Đặng Thọ Truật, nguyên phóng viên Báo QĐND vượt cả nghìn cây số về nguồn đã xúc động chia sẻ: “Thấy thế hệ trẻ của Báo QĐND quan tâm đến truyền thống như vậy tôi rất vui mừng. Vì có khởi nguồn truyền thống mới có tương lai. Tôi mong lớp lớp thế hệ cán bộ, phóng viên Báo QĐND luôn vững vàng cốt cách Bộ đội Cụ Hồ, kiên trì vượt qua thử thách, noi theo cha anh giữ vững tư thế, bản lĩnh người cầm bút”.
Bài và ảnh: ĐỨC NAM
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.